Vì sao hội nhập sâu rộng mà giáo dục vẫn "giậm chân tại chỗ"?

Thứ Tư, 30/05/2018 18:00

|

(CAO) Chiều nay (30-5), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

“Đại gia” Việt không mặn mà làm giáo dục?

Đại biểu Hoàng Thuý Lan (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề khi bàn về vấn đề xã hội hoá giáo dục đại học. Theo bà Lan, nhiều “đại gia” Việt Nam không thiếu tiền, động cơ, ý chí mà vẫn không mặn mà đầu tư cho giáo dục đại học. Để thể chế hoá, hiện thực hoá thành công chủ trương xã hội hoá giáo dục đại học, bà Lan đề nghị nêu rõ trong luật nguyên tắc ưu tiên tiếp cận đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất cho cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng; tạo môi trường phát triển bình đẳng cho giáo dục công lập và tư thục…

Thảo luận tổ về dự luật Giáo dục và Giáo dục đại học

Cho rằng hội nhập quốc tế của ta thì sâu rộng nhưng giáo dục thì vẫn “giậm chân tại chỗ", đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận định “chất lượng giáo dục rất đáng bàn”.

Thắc mắc tại sao chúng ta chỉ nói chuyện trường tư mà không nói chuyện trường quốc tế trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu Kim đặt vấn đề: “Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài để mở sòng bài và casino mà không kêu gọi vào lĩnh vực giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Cũng theo đại biểu Kim, giáo dục đại học là phát huy sáng tạo cá nhân mà chúng ta lại không có trường quốc tế ở bậc này. “Giờ chúng ta có đề cập trong luật thì cũng cũ rồi chứ có gì mới” – ông Kim phàn nàn.

Liên quan đến câu chuyện học hàm, học vị gây nhiều tranh cãi thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) kiến nghị Bộ GD-ĐT nên khảo sát, công bố danh mục các trường đại học được công nhận văn bằng, tạo ra sự minh bạch, thuận lợi cho người học.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng nên chấm dứt việc để các viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ; giới hạn việc phong GS, PGS chỉ trong các trường đại học… “Đừng coi GS, PGS là danh vị gì to tát quá, đó chỉ là ngạch bậc trong giáo dục thôi”- đại biểu Phương lưu ý.

Còn theo đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận), nên có quy định về lộ trình để giao việc phong hàm GS, PGS để các trường đại học tự chủ, tự quyết định. Theo ông Phong, như kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiến bộ, giao việc phong hàm cho các trường là để mỗi cơ sở đào tạo tự nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của mình nhằm tạo nên danh tiếng, uy tín cho nhà trường.

Thực hiện theo cách này, ông Phong khẳng định, cũng giúp giải quyết được những băn khoăn trong xã hội vừa qua về việc “chạy” học hàm, hạ, nợ tiêu chuẩn GS, PGS.

Học trên trời mà dạy ở dưới đất

Băn khoăn về chất lượng xây dựng 2 dự thảo luật trên của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhận xét, hồ sơ luật thiếu những thông tin thuyết phục như phân tích chính sách, dự báo chi phí, nguồn lực thực hiện cũng như lợi ích thu lại.

Ông Giang dẫn chứng, luật nêu đề xuất áp dụng quy định về chuẩn giáo viên tiểu học (nâng từ trình độ trung cấp lên đại học) từ 1-1-2026 nhưng không có số liệu cụ thể để thấy được phép tính, mỗi năm chuẩn hoá được bao nhiêu giáo viên, tiêu tốn bao nhiêu, nguồn lực đâu ra để đến 2026 hoàn thành việc này.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn, nghị định đi kèm dự luật, theo ông Giang, mới làm theo kiểu… đối phó. Ông Giang kiểm tra một số văn bản thì thấy một dự thảo nghị định mà vẫn cóp nguyên xuống tiêu đề của một thông tư đang thực hiện, một dự thảo nghị định khác thì lại cóp nguyên từ luật xuống. Luật sửa đổi bổ sung luật Giáo dục đại học đề nghị sửa 33 điều nhưng trong đó 23 điều là “để lại cho Chính phủ, Bộ GD-ĐT quy định”.

Cũng bày tỏ sự không hài lòng với dự luật Giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Văn Phương (Quảng Bình) nhận xét: Luật Giao dục đại học còn quá “ống” với trên 20 điều giao cho Chính phủ, Bộ Giáo dục quy định. Đại biểu này cũng không khỏi băn khoăn với dự luật Giáo dục khi “vừa qua giáo dục càng cải cách càng rối rắm, càng cải cách người dân càng thấy bất ổn”.

“Nhiều nội dung trong Luật chưa phù hợp với thực tế. Như yêu cầu giáo viên tiểu học phải có bằng đại học” – đại biểu Phương chỉ dẫn và đặt câu hỏi: “Như thế có cần không? Học trên trời mà dạy ở dưới đất, yêu cầu cao siêu quá đào tạo lãng phí.

Tham gia thảo luận, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai bày tỏ lo ngại khi các quan hệ cơ bản trong hoạt động giáo dục giờ đã thay đổi. Quan hệ thầy trò, môi trường sư phạm, đạo đức trong nhà trường… không còn như trước khi mạng xã hội ùa vào cuộc sống.

“Giờ cha mẹ cũng phải lén vào facebook của con để… đoán xem con cái suy nghĩ gì vì con trẻ giờ không trao đổi, chia sẻ với cha mẹ nữa. Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội đã có sự thay đổi lớn mà mỗi bậc phụ huynh giờ chỉ khao khát giờ nhà trường phải là môi trường chuẩn mực để an tâm gửi gắm con thì dự luật lại chưa đề cập” – bà Mai trăn trở.

Giải đáp các câu hỏi đặt ra về chất lượng 2 dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: “Ban đầu Bộ Tư pháp không đồng ý đưa 2 luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vì so với Nghị quyết 29 của Đảng thì rõ ràng là chưa thể chế hết các yêu cầu”.

Về việc 33 điều luật được đề nghị sửa nhưng 23 điều đề xuất giao Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT quy định, hướng dẫn cụ thể, theo ông Long, là do “chúng tôi chịu sức ép như vậy đó. “Việc làm luật cũng giống như đi thi kiểm tra đầu vào vậy, chất lượng nguồn đầu vào mà không tốt thì có 10 cơ quan thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý thì cũng không làm thế nào nâng chất lượng sản phẩm lên như kỳ vọng được” – ông Long nói.

Không nên dùng thuật ngữ “lạ tai”

Về đề xuất thay khái niệm “học phí” bằng “giá chi phí đào tạo”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu quan điểm: “Tôi đồng ý về nội hàm thì khái niệm “giá đào tạo” rộng hơn học phí, nhưng vẫn có thể dùng từ “học phí”, vốn đã rất quen thuộc, chỉ cần định nghĩa lại trong luật cho rõ là được. Nước ngoài người ta cũng chỉ dùng một khái niệm “tuition fee”, nghĩa là “học phí” thôi. “Dùng một thuật ngữ lạ tai quá thì khó chịu, xã hội khó chấp nhận” – đại biểu Phương khuyến cáo.

Bộ trưởng Phùng Xuận Nhạ phân tích về học phí và "gía dịch vụ đào tạo"

Là người trong ngành giáo dục, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) thừa nhận vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra về vấn đề này.

“Vẫn gọi tên là học phí thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ”, ông Đạt nói.

Chung quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói: “Tôi cho rằng vẫn nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì”.

Làm rõ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định vẫn dùng tên gọi học phí. “Không bỏ học phí, nhưng vì nó xuất hiện một số chi phí nữa, nên phải tính theo luật Giá. Sau này gọi tên cứ gọi là học phí bình thường, nhưng cấu thành của học phí với giá dịch vụ đào tạo thì không đồng nhất với nhau.

Học phí chỉ là một phần của giá dịch vụ đào tạo, trong thực tế nhà nước không thể bao cấp tất cả, nên sau này đối với tiểu học thì không phải đóng học phí, tức là đi học không phải đóng gì nữa. Nhưng giá dịch vụ có những khoản anh phải đóng thêm, theo quy định của luật Giá. Công khai minh bạch như thế không có việc thu thêm học thêm gì cả; cái gì được thu mới thu, cái gì không được thu thì miễn” - Bộ trưởng Nhạ phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang