Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV:

Việt Nam cần 2 -3 trung tâm kinh tế đúng nghĩa để xứng tầm khu vực

Thứ Bảy, 22/10/2016 18:52  | Ngọc Sơn

|

(CAO) Ngày 22-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Báo cáo về việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển...

Mở đầu phiên thảo luận của tổ Đại biểu TP.HCM, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: Cao tốc Bắc Nam những đoạn có lưu lượng đông thì làm trước, ví dụ Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, từ nay đến năm 2020 chỉ cần làm 2 đoạn đó. Nhưng lại phải quan tâm đến cao tốc TP.HCM - Tuy Hòa (Phú Yên); cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Tương tự, đường sắt cao tốc cũng chỉ nên làm trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang. Cùng với đó phải quan tâm đến đường sắt đô thị. Làm hạ tầng thì phải có kết nối vùng, cả kết nối cứng và mềm, muốn thế phải hoàn thiện thể chế chính sách, vì hiện nay hiệu quả kết nối chưa cao.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng

Liên quan đến tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, ở nhiều quốc gia luôn có các trung tâm kinh tế lớn, ở Việt Nam chưa có trung tâm nào sánh ngang khu vực chứ chưa nói so với các nước phát triển.

Ngân sách phân bổ mang tính cào bằng, chia đều thì chưa hợp lý. Trung tâm tài chính kinh tế đúng nghĩa phải là nơi hội tụ của các nhà đầu tư lớn. Khi đã có một số trung tâm kinh tế phát triển sẽ quay trở lại hỗ trợ ngân sách cũng như các địa phương khác.

Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 - 10 năm tới, chúng ta phải xác định rõ ngành nghề mũi nhọn của mình là gì. Nếu chúng ta chỉ kêu gọi FDI, hoặc chuyển giao công nghệ thì chúng ta luôn luôn tụt hậu. Nên nhiệm vụ quan trọng là phải hình thành được 2 hoặc 3 đô thị, trung tâm kinh tế theo đúng nghĩa và sáng ngang quốc tế. Từ đó xác định cho bằng được những sản phẩm chủ lực của người Việt. Chỉ có như thế, vấn đề tái cơ cấu mới rõ nét được.

Đại biểu Phạm Phú Quốc

Liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Phạm Phú Quốc ý kiến thêm: công tác tái cơ cấu trong những năm qua tiến triển chậm và thiếu đúng đắn, do quá trình hình thành các doanh nghiệp phát triển một cách tự phát, chiến lược phát triển không rõ ràng.

Chính vì vậy, ở trung ương nên có uỷ ban quản lý, địa phương nên hình thành các công ty và giao chức năng này cho các công ty tại địa phương; các địa phương này như là cánh tay nối dài của ngân sách NN để giúp các địa phương có thể phát triển. Hơn nữa công tác phân bổ ngân sách NN thời gian qua chưa thực sự khoa học, chưa trú trọng hiệu quả, tái tạo nguồn thu ngân sách chưa thực sự tạo động lực cho địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang