Thặng dư thương mại cao kỷ lục với 17 tỷ USD
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, “những điểm sáng, mặt được chủ yếu”, Thủ tướng cho rằng, đầu tiên là dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao hơn. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm.
Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phát huy vai trò bệ đỡ cho an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu khả quan, tăng 4,2%; thặng dư thương mại cao kỷ lục với 17 tỷ USD, là mức cao nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng hơn 20%; có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ Ngân hàng Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 9 tháng đầu năm đạt trên 300.000 tỷ đồng, đã giải ngân trên 60% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III tăng khá với 7,4%, vốn đầu tư Nhà nước tăng 21,5%.
Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành. Đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế.
Các lĩnh vực xã hội được chú trọng. Trong tháng 9 và quý III không có địa phương nào phát sinh thiếu đói. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; hình ảnh, uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Những nỗ lực và kết quả đó tạo thêm niềm tin cho nhân dân, củng cố sự vững mạnh của hệ thống chính trị, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, là nhân tố tích cực bảo đảm sự thành công của Đại hội Đảng của nhiều tỉnh, thành phố, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Bên cạnh công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết.
Tuy vậy, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn trong khi khả năng hấp thụ còn yếu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính. “Chúng ta cần tiếp tục lưu tâm vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức từ nội tại như ngành công nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường xuất khẩu chính còn gặp khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động lớn và phục hồi chậm. Thủ tướng nhắc lại quan điểm mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát.
Về phía cầu, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2019, cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì vậy, “chúng ta phải có biện pháp để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tín dụng tăng trưởng còn thấp và Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm như tăng giá sách giáo khoa, có nhiều loại sách tham khảo, vấn đề lạm thu đầu năm học mới diễn ra ở một số nơi, dịch sốt xuất huyết và chân tay miệng có chiều hướng gia tăng hay vấn đề học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học đang gây ra nhiều tranh luận…
Với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020.
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mở lại các đường bay quốc tế là tất yếu, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ
Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.
Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ VHTT&DL cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm.
Cho biết vừa ký Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Bộ Công Thương phải chủ trì kế hoạch triển khai Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh đầu tư để góp phần tăng trưởng.
Tiếp tục mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa.
Chính phủ xác định công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để kiểm soát tham nhũng, tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại.
Các bộ, các ngành theo phân công khẩn trương hoàn thành chuẩn bị báo cáo, dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Theo dự báo, đánh giá của một số tổ chức, định chế tài chính nước ngoài, triển vọng kinh tế Việt Nam rất sáng.
Dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Dự báo này cao hơn so với mức 1,8% của năm nay và 6,3% trong năm sau của ADB mới đây.
Còn theo nhận định mới nhất của HSBC, Việt Nam vẫn đang bền bỉ "đi nước kiệu" với tốc độ tăng trưởng dương hiếm hoi trong năm 2020. Dự kiến, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực vào năm 2021.