(CAO) Việt Nam mong muốn phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án kênh đào Funan Techo do Campuchia xây dựng và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động.
Chiều 8/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Campuchia vừa tổ chức khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết:
Sông Mekong là tài sản vô giá và điểm kết nối về tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia cùng nhau hợp tác quản lý, phát triển hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích của cộng đồng người dân trên khu vực sông cũng như vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia bên sông.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia xây dựng kênh đào, triển khai dự án kênh đào Funan Techo.
Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện về những tác động của dự án và có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hỗ trợ công dân ở các khu vực có diễn biến phức tạp di chuyển đến nơi an toàn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình ở Trung Đông, Myanmar và Bangladesh cũng như công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở những khu vực này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết tình hình công dân Việt Nam tại khu vực Trung Đông, nhất là Israel, Iran, Liban vẫn an toàn và ổn định.
Trước tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến rất phức tạp, ngày 5/8, Bộ Ngoại giao đã ra cảnh báo công dân Việt Nam không đến Liban, Iran và Israel trong thời điểm này.
Nếu công dân đang ở khu vực trên, nhất là ở Liban, cần sơ tán người và tài sản đến các nước thứ ba hoặc trở về Việt Nam cũng như tuân thủ các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh theo hướng dẫn của chính quyền sở tại.
Liên quan đến công tác bảo hộ công dân tại Bangladesh cũng tương tự như vậy. Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Bangladesh, ngày 7/8, Bộ Ngoại giao cũng đã ra khuyến cáo, thông báo, cảnh báo công dân Việt Nam cân nhắc không đến Bangladesh vào thời điểm này.
Công dân tại Bangladesh cũng phải tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình cũng như không đến các khu vực đông người có nguy cơ có khả năng xảy ra biểu tình.
Liên quan đến công tác bảo hộ công dân tại Myanmar, Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam nếu thật sự không thật cần thiết thì cũng không nên đến các khu vực mà đang có diễn biến phức tạp, ví dụ như tại bang Shan, bang Kayin của Myanmar. Và nếu công dân đang ở các khu vực đó thì cũng nhanh chóng có các phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản đến các khu vực an toàn hoặc về Việt Nam.
Ông Đoàn Khắc Việt cũng cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Trung Đông cũng như tại Bangladesh, Myanmar cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng của sở tại đảm bảo cung cấp an toàn tối đa cho các công dân Việt Nam.
Đồng thời các cơ quan đại diện của Việt Nam cần phải chủ động xây dựng và triển khai các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.Các cơ quan đại diện của Việt Nam cũng cần tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo và hỗ trợ công dân di chuyển đến các khu vực an toàn.
“Chúng tôi cũng lưu ý công dân Việt Nam tại các nước trên, cần thường xuyên theo dõi các thông tin, khuyến cáo của chính quyền sở tại và cảnh báo của Bộ Ngoại giao cũng như của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trên để phản ứng kịp thời.
Trong trường hợp công dân tại các khu vực trên cần trợ giúp thì đề nghị liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) mà chúng tôi vẫn đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84,” ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.