(CAO) Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (18/11), phóng viên đã dẫn thông tin từ cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan cho biết, vừa qua một tàu ngầm của hòn đảo này đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Trước đề nghị bình luận về việc trên của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tiếp tục nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình Biển Đông” – bà Hằng nêu rõ và cho biết, Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai.
Cũng tại buổi họp báo, bà Hằng nêu phản ứng của Việt Nam về việc Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng chỉ trích tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng chặn đường ngăn chặn tàu PHP tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán” – bà Hằng tái khẳng định.
Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lần nữa yêu cầu, Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong mọi hoạt động ở khu vực trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có hộ chiếu vaccine
Về câu hỏi đề nghị cho biết thông tin về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ ngày 1/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo bà Hằng, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Ngoại giao về áp dụng hộ chiếu vaccine, đồng ý về nguyên tắc việc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang hộ chiếu vaccine, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thân nhân về nước để thăm quan, du lịch như được quy định tại Nghị định 82 năm 2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng như người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc công dân Việt Nam.
Trên tinh thần đó, ngày 8/11 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch nối lại các chuyến bay thông lệ quốc tế với các nước theo lộ trình từ nay đến quý 3/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương và toàn quốc nói chung, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới.
“Hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan để áp dụng vào thời điểm phù hợp” – bà Hằng thông tin.