Vĩnh biệt Thầy Trần Chút – người Thầy được nhiều thế hệ học trò quý mến

Thứ Bảy, 03/10/2020 13:29

|

(CATP) Chúng tôi gặp Thầy vào tháng trước trong bữa cơm trưa thân mật với các thầy cô ở bộ môn Ngôn ngữ của Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Thầy đã yếu lắm. Chỉ có đôi mắt vẫn sáng và nụ cười vẫn tươi.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ nhiệm bộ môn, luôn xúc động mỗi lần Thầy đến thăm hoặc có mặt trong một sự kiện khoa học hoặc một buổi ngoại khóa mà bộ môn tổ chức. Xúc động vì dù sức khỏe không cho phép, nhưng Thầy vẫn giữ đầy bầu nhiệt huyết về những vấn đề thời sự của khoa học ngôn ngữ và văn học.

Một con người thủy chung với công tác nghiên cứu và đào tạo, nên dù nghỉ hưu đã lâu, Thầy vẫn đau đáu với nghề, với đội ngũ nghiên cứu, với từng lứa học trò - những người được truyền lại và tiếp nối bầu nhiệt huyết ấy. Nên những gì Thầy đã đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo ở lĩnh vực khoa học ngữ văn còn nhiều hơn cái danh nghĩa bao bọc trong chức danh học hàm, học vị. Thầy là nhà giáo ưu tú Trần Chút.

Thầy Trần Chút trong một dịp gặp mặt với cán bộ giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học

Ai từng học ngôn ngữ đều biết, để trải qua nó chắc gian nan không hề nhỏ. Đến một vị tiến sĩ lâu năm, nhiều kinh nghiệm trong ngành từng đúc kết, ngôn ngữ là ngành 3k: vừa khó, vừa khô, vừa khổ. Chỉ mỗi nguyên âm [a] mà thầy giáo ngữ âm phải bắt học trò của mình miêu tả chính xác nó nằm ở đâu trong khoang vòm miệng, rồi nào là luồn hơi nó đi làm sao, nó nằm trong thế đối lập nào với những nguyên âm khác...

Nói nôm na vậy cho dễ hiểu, chứ thật ra theo chuyên môn phải nói là xác định vị trí cấu âm và phương thức phát âm của nó - một công việc không dễ chút nào. Ấy là chưa kể còn nhiều lĩnh vực khác về ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng cũng khó hoặc còn khó hơn trăm lần vì không thể đo đạc, miêu tả nó bằng vật lí mà vẫn phải đạt độ chính xác.

Bởi vậy mà những người sống với nó, làm việc với nó, rồi nghiên cứu, truyền đạt nó phải là những người kiên nhẫn lắm. Và chính những người Thầy đó còn có một chữ TÂM rất lớn để sao cho dù khó, khô, khổ nhưng vẫn phải thu hút được người học, để duy trì ngành khoa học mà ở đó tư duy được xác lập toàn bộ lên các biểu thức. Nghĩa là phải truyền được niềm say mê và lòng hứng khởi cho người học.

Nói vậy để chúng ta càng thêm kính trọng những người đang làm công tác nghiên cứu và đào tạo ở lĩnh vực này, ít nhất ở phương diện bảo vệ, giữ gìn và phát triển tiếng Việt, thứ ngôn ngữ thiêng liêng của dân tộc từng được các học giả trên thế giới dành hẳn lòng ngưỡng mộ tuyệt đối khi nói về nó: một thứ tiếng độc nhất vô nhị trên thế giới.

Và những người như Thầy Trần Chút đã làm được điều đó. Thế hệ của Thầy đã đặt nền tảng, cơ sở khoa học cho ngành ngôn ngữ học đạt những thành tựu đáng tự hào.

Với bút danh Hồng Dân, Thầy Trần Chút đã tham gia vào việc biên soạn các sách giáo khoa Ngữ văn của Bộ GD-ĐT như: Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), Tiếng Việt 8 (1995), Tiếng Việt 9 (1995), Tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006). Bên cạnh đó, Thầy còn tham gia đồng biên soạn cuốn Góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn (1997), Hoàng Tuệ tuyển tập (2009).

Phó giáo sư Trần Thị Ngọc Lang (Viện Khoa học Vùng Nam bộ) bùi ngùi khi nghe tin Thầy Trần Chút ra đi: Đó là con người đáng kính trọng. Thầy đã dành cả đời mình cho công tác nghiên cứu Việt ngữ học và đào tạo sinh viên. Một người Thầy giản dị, tận tụy mà nhiều thế hệ học trò đều quý mến.

Thầy Trần Chút quả là người như vậy.

Xin thắp nén hương thơm tiễn Thầy thanh thản về cõi vĩnh hằng!

Bình luận (0)

Lên đầu trang