Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của nhà báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
PV Ngọc Thành (Thời sự VTV): Xin Bộ Công an thông tin về vụ án vu khống xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xác minh nguồn tin về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật, trong quá trình xác minh thấy có dấu hiệu tội phạm.
Ngày 19/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Minh Tuấn về tội "Vu khống", theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với thời gian 2 tháng và được Viện Kiểm sát phê chuẩn.
Sau khi mở rộng điều tra, ngày 1/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam bị can (thời hạn 2 tháng) đối với Phạm Đình Quý về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình điều tra, 2 đối tượng bước đầu đã khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hiện nay cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra về hành vi của 2 đối tượng nêu trên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Công an đã giao Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm thông tin chi tiết hơn nếu nhà báo cần hỏi về vụ án này.
PV Hiếu Công (Zing News): Gần đây, gia đình ông Nguyễn Đức Chung có xin cho ông này được tại ngoại và điều trị ung thư. Xin hỏi Bộ Công an sức khỏe của ông Chung như thế nào và diễn biến điều tra vụ việc liên quan đến ông này tiến triển ra sao?
Vừa qua, bão số 5 làm khoảng 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ. Xin hỏi Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản có chỉ đạo gì với các đơn vị thành viên làm rõ chất lượng cột điện và có kế hoạch cử đoàn thanh tra về vấn đề này hay không? Nhân đây xin hỏi Bộ Xây dựng, về góc độ chuyên môn thì chất lượng của cột điện đang như thế nào?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Về sức khỏe của ông Chung, theo báo cáo của cơ quan điều tra, ông Chung hiện nay tình trạng sức khỏe bình thường trong điều kiện mới. Vụ án của ông Chung đang được tiếp tục mở rộng điều tra. Như chúng tôi đã thông tin thì cơ quan điều tra cho rằng ông Chung liên quan đến 3 vụ án, hiện nay mới là 1 vụ, còn các vụ tiếp theo cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành trong thời gian tới.
Về việc luật sư hay gia đình ông Chung nộp đơn bảo lãnh để thay đổi biện pháp ngăn chặn, cơ quan điều tra đã nhận được đơn này và cũng đang xem xét. Qua kết quả điều tra và trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì thấy rằng tội "Chiếm đoạt bí mật Nhà nước" có tính chất rất nghiêm trọng. Do đó cơ quan điều tra chưa thay đổi biện pháp ngăn chặn. Cơ quan điều tra đã phố hợp với cơ quan y tế trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bị can Nguyễn Đức Chung trong trại tạm giam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Như chúng ta đã biết, bão số 5 đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhân dân và cả các cơ sở hạ tầng trong khu vực, trong đó lưới cung cấp điện cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại, gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị.
Theo số lượng mà EVN báo cáo thì có tới hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý vận hành của Tổng công ty Điện lực miền Trung bị đổ gãy do ảnh hưởng của bão. Ngay trong bão và sau khi bão tan, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo và EVN, trực tiếp là Tổng công ty Điện lực miền Trung, đã nỗ lực huy động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, vật tư để khắc phục sự cố. Chỉ trong vòng 3 ngày, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khắc phục, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng ở trong vùng bị tác động của cơn bão số 5.
Liên quan đến chất lượng của cột điện mà phóng viên hỏi, thì cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định số 46 ban hành ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thi công, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách và cũng đã rất kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2/10/2020 tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê công cốt thép li tâm sử dụng trên các công trình đường dây chuyển tải điện trên không, yêu cầu tất cả các công trình có các cột điện bê tông cốt thép li tâm phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra để khắc phục tốt nhất những nguy cơ, ví dụ như do cơn bão số 5 gây ra.
Về phía Bộ Công Thương, ở lĩnh vực điện, chúng tôi đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Thứ hai cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và tăng cường kiểm tra, quản lý công tác vận hành, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm xung yếu trên lưới điện để bảo đảm an toàn lưới điện.
Cần phải khẩn trương lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của ngành điện. Hiện nay chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan không những của EVN mà cả các doanh nghiệp sản xuất và vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
PV Ngọc An (Tuổi trẻ TPHCM): Vừa qua báo Báo Tuổi trẻ TPHCM đã có bài viết về tình trạng đẩy giá thiết bị y tế, không chỉ Bệnh viện Bạch Mai mà còn nhiều bệnh viện lớn khác. Trước đây, sau những vụ việc được thông tin thì Bộ Y tế cũng tiến hành rà soát. Xin hỏi đến nay kết quả kiểm tra thế nào? Với vụ việc vừa qua ở Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế có tiếp tục làm việc, tiến hành rà soát tiếp ở các bệnh viện công hay không? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lỗ hổng thất thoát giá thiết bị y tế, khi có nhiều ý kiến cho rằng có chính sách tự chủ bệnh viện công nhưng chưa có quy định về giá dịch vụ y tế? Qua tình trạng trên, Bộ Y tế có nhận định thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Chủ trương xã hội hoá về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua trong Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định 16, 42, 43 của Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành thông tư về vấn đề này.
Vấn đề xã hội hoá này đã đạt được nhiều thuận lợi, thành tựu, liên quan đến lợi ích của các cơ sở y tế, để tiếp cận được quy trình kỹ thuật cao, giúp cho cơ sở y tế trong điều kiện ngân sách có hạn có thể mở rộng được thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ cao cho người dân. Thầy thuốc cũng là những người thụ hưởng thông qua các thiết bị kỹ thuật cao như robot, nâng cao hoạt động chuyên môn, giúp người dân hạn chế ra nước ngoài điều trị, người dân được thụ hưởng ở mức chi phí không cao.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thông qua xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị.
Bộ Y tế không phải bây giờ mới có rà soát đề án đầu tư trang thiết bị y tế. Trước đây chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các đề án, Giám đốc các Sở Y tế, người đứng đầu các bệnh viện phải có trách nhiệm khi phê duyệt đề án dịch vụ y tế, công khai đến người dân.
Về vấn đề xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019 xây dựng 2 thông tư về giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Chúng tôi đã xây dựng dự thảo thông tư từ quý I, quý II năm 2019. Tuy nhiên, khi ban hành chúng tôi cũng phải có sự chấp thuận của các bộ, ngành, bên cạnh đó phải phụ thuộc vào giá tiêu dùng, làm sao để không bị ảnh hưởng đến CPI của quốc gia.
Chúng tôi dự định sẽ ban hành Thông tư này sớm nhất để hướng dẫn các đơn vị có trách nhiệm công khai giá dịch vụ theo yêu cầu, tuân thủ theo khung giá của Bộ Y tế.
Gần đây nhất, Bộ Y tế cũng đã thực hiện việc công khai giá trang thiết bị lên Cổng TTĐT Bộ Y tế, giá thuốc, vật tư y tế cũng vậy, để làm kênh thông tin khi tổ chức mua sắm, xã hội hoá. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm công khai giá dịch vụ lên Cổng TTĐT Bộ Y tế. Chúng tôi dự kiến từ tháng 9/2020, hoàn tất vào 31/12/2020, tất cả các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế như vậy.
PV Vũ Viết Tuân (báo điện tử VnExpess): Đề nghị Bộ Công an cho biết, sai phạm của cán bộ Bệnh viện Bạch Mai vừa bị khởi tố là gì và căn cứ để xử lý hình sự trong việc tăng giá bán robot Rosa của Bạch Mai là gì? Bạch Mai có phải là bệnh viện đầu tiên bị điều tra trong việc xã hội hóa thiết bị y tế hoặc robot chữa bệnh hay không? Sau Bạch Mai, cơ quan điều tra có kế hoạch mở rộng đến các bệnh viện khác hay không?
Trước những khó khăn của Ngân hàng Nhà nước thì gần đây Ban IV đã đề xuất kiến nghị miễn đóng phí công đoàn năm 2020. Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết quan điểm về việc này như nào? Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước gần đây cũng đưa ra con số 29 nghìn tỷ đồng phí công đoàn đã gửi vào 4 ngân hàng có kỳ hạn. Quan điểm của Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc này như thế nào?
Gần đây, người dân phản ánh có kẽ hở trong việc định danh, nhân viên bỏ qua quy trình khiến nhiều người không vay tiền nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm về việc này!
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Về định danh của người sử dụng dịch vụ thanh toán, trước hết phải nói những trường hợp báo chí đưa ra có thể là những trường hợp mang tính chất lừa đảo hoặc có sự sơ hở của một số ngân hàng thương mại nên một số đối tượng có được thông tin của khách hàng và lợi dụng để vi phạm. Những trường hợp như vậy khi phát hiện, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xử lý cũng như các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh vi phạm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong việc xác định cũng như tạo điều kiện cho định danh khách hàng trong sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng dịch vụ thẻ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành về Thông tư thay thế Thông tư 23 ban hành từ 2014. Sẽ cố gắng ban hành sớm trong tháng 10/2020. Tại dự thảo, chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan công an để sử dụng thông tin được lưu trữ trong dữ liệu công dân, và quan trọng nhất là trao quyền cũng như trách nhiệm cho các tổ chức cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán; xác định, đảm bảo được giải pháp về mặt công nghệ, đảm bảo an toàn cho việc định danh của những người tham gia sử dụng những dịch vụ này.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Liên quan đến vụ Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra đã trả lời, cung cấp đầy đủ rồi. Tiếp tục như thế nào, có điều tra hay không thì căn cứ tài liệu thu thập được, lời khai của các bị can, cơ quan điều tra sẽ tiến hành mở rộng. Vụ Bạch Mai không phải vụ đầu tiên, chắc chắn không phải vụ cuối cùng. Nếu có chỗ nào vi phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Về đề xuất miễn đóng phí công đoàn năm 2020, thực ra câu hỏi này dành cho Công đoàn. Sáng nay, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Lễ giao trải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động do Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, có nói về việc tạm dừng, miễn phí công đoàn năm 2020. Việc miễn này cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trước hết là giảm mức phí đóng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư cũng như tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người lao động. Việc sử dụng 29 nghìn tỷ quỹ công đoàn gửi vào ngân hàng có kỳ hạn, đây là việc của công đoàn muốn tăng đầu tư quỹ này để thêm nguồn quay trở lại hỗ trợ người lao động.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến người lao động, người lao động nghỉ việc cũng như người lao động đang làm. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ trực tiếp cho người lao động hàng nghìn tỷ đồng giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Đối với ngành LĐTB&XH, thời gian vừa qua cũng luôn theo dõi tình hình người lao động qua gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Bộ LĐTB&XH đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị quyết 42, trong đó có bổ sung một số đối tượng là các giáo viên của các trường mầm non, trung học phổ thông tư thục, dân lập và một số cơ sở giáo dục đảm bảo chi thường xuyên và một số người khác; giảm bớt điều kiện vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, giảm một số điều kiện đối với việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất.
Hiện nay chúng tôi cũng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết trong thời gian tới, đồng thời thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Khi nào có kết quả chính thức chúng tôi sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.
PV Như Quỳnh (Dân trí): Mới đây Bộ Ngoại giao cho biết có 126 nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Xin hỏi trong số những tập đoàn này có những tên tuổi nào đáng chú ý? Apple có động thái về việc muốn đầu tư vào Việt Nam, xin hỏi Apple có nằm trong danh sách này không?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Về mặt thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…
Từ đầu năm đến nay, Bộ KH&ĐT đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…
Cùng với chính sách Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình.
Về tên của các nhà đầu tư cụ thể, Bộ KH&ĐT xin phép không nêu tên vì lý do bảo mật thông tin cũng như giữ cho các nhà đầu tư trong kế hoạch sắp tới của mình. Đây cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.