Vụ doanh nghiệp tặng xe cho tỉnh Cà Mau: Tổng giám đốc công ty tặng xe giải trình

Thứ Tư, 22/02/2017 12:16

|

(CAO) Thời gian qua, dư luận xôn xao thông tin Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) tặng cho tỉnh Cà Mau 2 xe Lexus GX 460 trị giá 6,2 tỷ đồng để được “ưu ái”.

Phóng viên Báo Công An TP.HCM đã gặp ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý để nghe ông giải trình về vấn đề trên.

CẢM THẤY VINH DỰ

Ông Tô Hoài Dân (THD): Đến bây giờ, tôi cảm thấy vinh dự việc mình đã làm. Tôi là người con của quê hương Cà Mau. Khi làm doanh nghiệp, tôi ý thức được rằng, ngoài việc góp phần tham gia phát triển kinh tế ở địa phương phải thường xuyên ủng hộ các hoạt động từ thiện xã hội. Trước đó, tôi đã thực hiện nhiều công trình thiện nguyện có ý nghĩa tại địa phương.

Những lần về thăm quê, nơi tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Đầm Dơi không có tuyến đường ô tô, tôi đã hỗ trợ địa phương 2 tuyến đường nông thôn trị giá 5 tỷ đồng. Ngoài ra, tôi tặng cho huyện Cái Nước 1 tỷ đồng, TP. Cà Mau trị giá với số tiền 500 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa và các hoạt động chính sách... Nhiều hoạt động thiện nguyện 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, tôi cũng tham gia thường xuyên...

Một trong hai chiếc xe Lexus GX460 được công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau

PV: Duyên cớ nào mà ông tặng 2 chiếc xe sang cho tỉnh Cà Mau gây xôn xao dư luận vừa qua ?

Ông THD: Thực ra, việc tặng xe cho tỉnh Cà Mau, tôi đã có ý định từ lâu. Thời gian dài tham gia hoạt động xã hội, tôi nghĩ nên tặng cho tỉnh Cà Mau phương tiện đi lại phục vụ cho mục đích chung. Tôi từng chứng kiến, mỗi khi lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đê điều, phòng chống cháy rừng hết sức khó khăn.

Năm 2016, thiên tai hạn mặn gay gắt ở tỉnh Cà Mau và khu vực. Tôi trực tiếp liên hệ với lãnh đạo tỉnh tặng 2 chiếc xe phục vụ vào việc công có hợp lý không. Tỉnh cho rằng, doanh nghiệp tặng xe vào mục đích công phù hợp với quy định của pháp luật. Ngày 23-3-2016, công ty có văn bản gởi UBND tỉnh Cà Mau về việc tặng xe ô tô trên và được sự đồng ý. Do đó, việc tặng 2 chiếc xe ô tô cho tỉnh Cà Mau cũng như tôi tham gia hàng loạt công tác hoạt động xã hội ở địa phương.

Ông Tô Hoài Dân cho rằng Công ty Công Lý hoạt động theo đúng pháp luật

CÔNG TY TỪNG TẠM ỨNG BẢO TRÌ NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC

PV: Dư luận cho rằng, chính nhờ vào tặng 2 chiếc xe sang mà công ty được “ưu ái”. Nghi vấn càng lên đến đỉnh điểm, trong thời gian năm 2016, công ty tặng 2 chiếc xe trên lại được tỉnh tạm ứng 25 tỷ đồng để bảo trì bảo dưỡng Nhà máy xử lý rác tại Cà Mau. Ông giải thích vấn đề này như thế nào ?

Ông THD:  Đây là 2 chuyện hoàn toàn khác. Mười lăm năm công ty đi vào hoạt động, công ty hoàn thành nhiều dự án lớn như nhà máy Điện gió Bạc Liêu gồm 62 turbine với công suất 99,2 MW vốn đầu tư 4.193 tỷ đồng, Khu Du lịch Khai Long với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng... Trở lại Nhà máy xử lý rác thải tại Cà Mau do công ty làm chủ đầu tư, tôi khẳng định, thực hiện dự án là vì môi trường tại địa phương. Nhiều năm liền, nguồn rác thải ở Cà Mau không xử lý hết gây ô nhiễm. Năm 2010, tỉnh thuyết phục công ty thực hiện dự án xử lý đảm bảo môi trường.

Đây là dự án hoạt động môi trường chứ thực ra không có lãi. Trong điều kiện hết sức khó khăn, công ty vẫn thực hiện hoàn thành và hoạt động với tổng số vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng. Tháng 5-2012, nhà máy chính thức hoạt động với công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày. Tính đến nay, mỗi năm nhà máy xử lý 43.183 tấn rác thải góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau, năm 2012 được tạm ứng 20 tỷ đồng để duy trì hoạt động bảo vệ môi trường

PV: Xin ông nói rõ hơn việc tạm ứng bảo trì, bảo dưỡng Nhà máy xử lý rác.

Ông THD: Nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động là niềm vui của lãnh đạo tỉnh, nhân dân Cà Mau. Không phải năm 2016, công ty được tỉnh tạm ứng với số tiền 25 tỷ đồng vì chúng tôi tặng xe đâu. Năm 2012, tỉnh nhận thấy khó khăn mà công ty thực hiện vì bảo vệ môi trường nên cho chúng tôi tạm ứng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xử lý rác thải hàng tháng để giải quyết khó khăn những ngày hoạt động. Theo quy định, mỗi tháng công ty trả 50%/ tổng số kinh phí ngân sách chi trả cho nhà máy. Công ty đã thực hiện đúng như cam kết với tỉnh và chi trả xong số tiền tạm ứng trước đó.

Đến năm 2016, sau 4 năm hoạt động, hệ thống xử lý rác thải xuống cấp cần phải được bảo trì, bảo dưỡng. Công ty đã đặt mua một số thiết bị để thay thế. Trước khó khăn trên, công ty mời các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khảo sát. Các cơ quan chức năng có kết luận, thiết bị của nhà máy đã hư hỏng nhiều. Nếu không sửa chữa, thay thế thiết bị thì không đảm bảo hoạt động đúng theo công suất. Vì vậy, đề xuất của công ty là phù hợp. Tháng 11-2016, tỉnh thống nhất cho công ty tạm ứng. Đến nay hàng tháng, chúng tôi trả đúng theo quy định.

CÔNG TY HOẠT ĐỘNG ĐÚNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

PV: Thưa ông, dư luận cho rằng công ty đã bơm 150 m3 cát/ngày thực hiện dự án Khu Du lịch Khai Long nhưng vẫn không bị xử lý. Ông nghĩ sao về ý kiến trên.

Ông THD: Tôi không hiểu, khi đăng những thông tin liên quan công ty nên gặp chúng tôi để ghi nhận ý kiến của công ty. Thời gian trước, nhiều doanh nghiệp nhận đất làm dự án du lịch nhưng không thực hiện để cho sạt lở kéo dài. Công ty Công Lý đã thực hiện dự án trên với số vốn chúng tôi đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Khi thực hiện dự án trên, công ty nhận thấy nếu không xây dựng bờ kè chống sạt lở sẽ ảnh hưởng toàn dự án cũng như rừng phòng hộ. Vì vậy, chúng tôi thực hiện bờ kè chống sạt lở với số vốn đều tư hơn 300 tỷ đồng gần 2km. Đây là công trình không những bảo vệ dự án mà bảo vệ rừng phòng hộ. Trong quá trình thực hiện dự án, tại Điều 64 của Luật khoáng sản cho phép, chủ đầu tư được sử dụng nguồn cát tự nhiên tại diện tích nhà nước cho thuê để thực hiện dự án.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động với 62 trụ turbine

PV: Qua hồ sơ, công ty chưa có giấy phép về việc này

Ông THD: Công ty đã có tờ trình gởi Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh. Thế nhưng, quá trình hết sức cấp bách thực hiện dự án, công ty bơm cát để phục vụ cho dự án. Khi có ý kiến phản ánh, tỉnh đã thành lập tổ công tác kiểm tra đúng theo quy định. Phía công ty đã bổ sung hồ sơ cho đúng thủ tục.

PV: Còn việc làm chết 4 ha rừng ?

Ông THD: Thực hiện dự án khu du lịch Khai Long, cây mắm có tuổi đời 8-9 tuổi chết do bị sâu bệnh. Nhiều khách tham quan bị sâu bám vào người gây ngứa. Để tạo điều kiện mỹ quan cho khu du lịch, công ty xin thay những cây bệnh bằng cách trồng mới bằng cây đước. Một là tạo bóng mát, mỹ quan, hai  là tạo cảm giác an toàn cho du khách không bị sâu bám vào người. Cây mắm không có giá trị về kinh tế. Do đó, đề xuất của công ty được ngành lâm nghiệp ủng hộ...

Trao đổi với phóng viên báo Công an TP.HCM, Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN-MT Cà Mau nhấn mạnh: “Không có chuyện “ưu ái” cho Công ty Công Lý. Khi nhận được thông tin khai thác cát tại Dự án khu du lịch Khai Long, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở thành lập đoàn kiểm tra. Chúng tôi có báo cáo kết luận trình với tỉnh.

Việc công ty khai thác cát thực hiện dự án đúng theo điều 64 của Luật Khoán sản. Thế nhưng, công ty chưa có giấy phép UBND tỉnh đã khai thác là sai quy định. Theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 142, hành vi trên công ty bị phạt hành chính với số tiền từ 100 đến 140 triệu đồng. Đoàn kiểm tra nhận thấy, công ty khai thác cát là thực hiện dự án hết sức cấp bách phục vụ cho công tác bờ kè phòng chống sạt lở. Mặc khác, công ty đã đầu tư số vốn khá lớn nên thành viên trong đoàn thống nhất đề xuất với tỉnh nhắc nhở doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh chưa có ý kiến chứ không phải là không xử lý”.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc hỗ trợ, tạm ứng cho công ty 25 tỷ đồng là căn cứ vào Luật Ngân sách và nhu cầu của công ty. Sở Tài chính căn cứ vào hợp đồng mua thiết bị của Công ty Công Lý sau khi đã khảo sát thực tế nhu cầu của công ty này. Trước khi tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài chính cùng Sở Xây dựng và nhiều cơ quan ban ngành khảo sát, kiểm tra và trình tỉnh”.

Còn ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Ngay sau khi báo chí phản ánh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cùng chi cục thành lập đoàn xuống kiểm tra. Qua kiểm tra, diện tích mắm bị chết khoảng 4ha. Nguyên nhân, mắm bị sâu bệnh, triều cường dâng, mắm bị ngập nước... Ban đầu, diện tích chết đến 8ha nhưng nay mắm tái sinh lại còn 4ha chết với mức độ chết trên 80% và không có khả năng khắc phục được. Công ty đề nghị tận thu để trồng mới bằng cây đước là hợp lý”.

 

Trước đó, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh: “Việc doanh nghiệp tặng hai chiếc xe hay năm chiếc xe tiền tỷ cho cơ quan nhất định nào đó để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, phục vụ mục đích chung cho sự phát triển một bàn tỉnh nhất thì điều này là quá tốt rồi, đó được xem như là xã hội hóa. Nếu xe tặng đó chỉ phục vụ riêng cho một cá nhân là sai quy định pháp luật. Còn phục vụ cho mục đích hoạt động chung của một tỉnh thì điều này không sai về quy định tặng quà, biếu quà”

Ông Phạm Trọng Đạt - Ảnh: ĐẶNG TRUNG/ báo Pháp luật TP.HCM

Bình luận (0)

Lên đầu trang