(CAO) Vụ nâng điểm cho một số thí sinh ở Hà Giang, bao gồm cả con gái và cháu ruột của Bí thư Tỉnh ủy, trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia vừa qua, đã được làm rõ về lai lịch người trực tiếp tác nghiệp.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xem xét, đánh giá bản chất, mức độ nghiêm trọng của sự vi phạm và chiều 19-7, Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ vụ “điểm thi bất thường” tại Hà Giang.
Cục trưởng Quản lý Chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh chủ trì buổi họp báo công bộ vụ việc sửa điểm 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang
Được biết đây có khả năng không phải là nơi duy nhất có chuyện tiêu cực trong chấm thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay. Các đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến Sơn La và Lạng Sơn. Không loại trừ khả năng có những nơi khác nữa cũng xảy ra việc tương tự nhưng chưa bị phát hiện, cáo giác.
Thật ra, ai cũng biết tình trạng gian lận trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học, nói chung, trong thi cử tất cả các loại và ở tất cả các cấp học, đã diễn ra từ nhiều năm, như một vấn nạn dai dẳng. Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục cũng đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, xây dựng đối sách nhằm ngăn chặn, hạn chế sự hoành hành của tệ nạn này. Nhưng rồi gian lận vẫn tiếp diễn.
Một số chuyên gia và người có quan tâm khẳng định rằng giao quyền tổ chức, quản lý kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học cho địa phương là một sai lầm; họ đề nghị nên giao việc tổ chức thi cử để tuyển sinh cho các trường hoặc trở lại với mô hình tuyển sinh đại học quốc gia như trước.
Tuy nhiên, ai cũng biết rằng trong thời kỳ áp dụng mô hình tuyển sinh đại học quốc gia, hiện tượng thông đồng với những người có trách nhiệm và có thẩm quyền để nâng điểm vẫn xảy ra. Mặt khác, không ai có thể bảo đảm không có chuyện tiêu cực khi giao quyền tổ chức đánh giá năng lực học sinh phổ thông cho các trường đại học. Thậm chí không ai dám mạnh miệng phản bác, một khi có ý kiến cho rằng việc mua điểm, bán bằng ngày càng lan rộng, càng táo tợn và tinh vi và trở thành một tệ nạn xã hội vô phương cứu chữa.
Rốt cuộc vấn đề là gì? Và đâu là giải pháp?
Hẳn một khi tìm cách đổi trắng thay đen trong thi cử, người ta tin rằng kết quả thi cử, đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp, có ý nghĩa quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định, đối với việc thực hiện một mục tiêu nào đó - xin được việc làm, củng cố được vị trí, được thăng chức...
Đúng là có một thị hiếu tuyển trạch, đề bạt dựa chủ yếu vào bằng cấp hơn là năng lực thực tế, nhất là trong khu vực công, khiến con người ta sẵn sàng tìm mọi cách để có được mảnh bằng.
Nhưng chính là nạn thân quen, bè cánh trong lựa chọn, cất nhắc con người vào các vị trí trong bộ máy, hoành hành trong điều kiện pháp luật đòi hỏi phải chuẩn hóa cán bộ, công chức, viên chức về phương diện trình độ học vấn, trình độ chuyên môn mới là nguyên nhân chính của sự tràn lan mua bằng, bán điểm.
Trong trường hợp điển hình, người ta mong muốn con, cháu của mình được bố trí vào một chỗ nào đó; và do muốn ngồi vào chỗ đó, thì phải có một bằng gì đó mà con cháu chưa có, thì phải làm mọi cách để con cháu có được tấm văn bằng cần thiết. Nếu con cháu không thể có bằng cấp nhờ công phu học tập, thì phải chạy chọt....
Rốt cuộc, muốn hạn chế tiêu cực trong thi cử, thì việc cần thiết là phải thu gọn bộ máy công quyền bằng cách xã hội hóa các dịch vụ công mà tư nhân có thể đảm nhận việc cung ứng. Chắc chắn ông chủ tư nhân sẽ quan tâm đến thực lực của người muốn làm việc cho mình, hơn là bằng cấp mà người này có. Còn ông chủ muốn sử dụng người nhà hay người ngoài làm việc cho mình là chuyện riêng của ông ấy, xã hội không bận tâm.
TS.Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TPHCM)