Bức tranh kinh tế những tháng đầu năm vừa qua thật sự không lạc quan: doanh nghiệp ít đơn hàng phải cho công nhân nghỉ việc có thời hạn hoặc nghỉ hẳn; số doanh nghiệp đóng cửa rút khỏi thị trường tăng đột biến; thu nhập của người lao động giảm sút đáng kể khiến sức tiêu dùng xã hội cũng giảm mạnh. Để kích thích hoạt động kinh tế trên địa bàn trong giai đoạn này việc đẩy mạnh đầu tư công được xác định là biện pháp chủ lực. Tuy nhiên, hàng loạt rào cản chính sách, cơ chế và luật pháp đã khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công không được thực hiện theo tiến độ mà kế hoạch đề ra. Sau 3 tháng kể từ đầu năm, chỉ có 2% vốn đầu tư công được phân bổ cho Thành phố trong cả năm được giải ngân. Thành phố không chỉ đứng trước nguy cơ không hoàn thành các chỉ tiêu về đầu tư công mà còn đối mặt với viễn cảnh kinh tế trì trệ do các dự án sử dụng vốn Nhà nước bị đình đốn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ TPHCM đã lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị siết chặt hàng ngũ và hợp lực đưa con tàu kinh tế - xã hội của địa phương vượt qua giông bão, sóng gió để đi tới trên con đường phát triển. Trên cơ sở nhận diện, xác định những nguyên nhân của tình trạng trì trệ trong đời sống kinh tế, lãnh đạo Thành phố, trong chừng mực tuân thủ các quy định của pháp luật, đã đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khai thông bế tắc. Đúng ngay thời điểm Thành phố đang nỗ lực vượt bậc để xây dựng các quyết sách nhằm ứng phó với khủng hoảng và thúc đẩy sự phát triển, thì Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết này được xem là đòn bẩy được trao đúng lúc để vực dậy nền kinh tế của Thành phố.
Kể từ khi có Nghị quyết 98, TPHCM vươn lên mạnh mẽ từng ngày
Trong lĩnh vực đầu tư công, các vướng mắc kỹ thuật từng bước được tháo gỡ. Với thẩm quyền được giao trong khuôn khổ triển khai Nghị quyết 98, cũng như với tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm, Thành phố đã tiến hành các biện pháp mang tính đột phá để xử lý những điểm nghẽn trong đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Từ chỗ chỉ giải ngân được một số rất nhỏ, vốn đầu tư công đã chạy trơn tru vào các dự án trong những tháng sau đó của năm 2023. Cuối năm đã có khoảng trên dưới 70% vốn đầu tư công đến tay người sử dụng cuối, một kết quả thật sự ấn tượng nếu so với kết quả èo uột được ghi nhận vào đầu năm. Điều quan trọng là người dân trong các khu vực giải tỏa nhận được tiền đền bù và có điều kiện chi tiêu, đầu tư làm ăn theo kế hoạch riêng; các dự án xây dựng hạ tầng vận hành kéo theo các dịch vụ vệ tinh tạo công ăn việc làm cho người dân. Đời sống kinh tế dần sôi động trở lại.
Du lịch được xác định từ lâu là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp này bị tổn thương nặng nề: lượng du khách giảm mạnh; nhiều doanh nghiệp thua lỗ phải dừng hoạt động hoặc bị bán rẻ; một bộ phận lớn những người làm dịch vụ du lịch chuyển sang công việc khác, trong đó không ít người thuộc thành phần tinh hoa của nghề.
Sau khi đại dịch lắng xuống, Thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để khôi phục sức sống của ngành. Cùng với các doanh nghiệp, những nhà quản lý đã tiến hành rà soát các tiềm năng về du lịch trên địa bàn Thành phố, đặc biệt chú trọng các sản phẩm du lịch gắn với phong cảnh độc đáo của sông Sài Gòn, các kênh rạch, các di tích lịch sử văn hóa; du khách có nhiều lựa chọn so với trước để khám phá cuộc sống, con người bản địa, vui chơi thư giãn, mua sắm. Bên cạnh đó, Thành phố xây dựng các tuyến phố đi bộ mới với nhiều dịch vụ kinh tế đêm đa dạng, bắt mắt cho du khách có điều kiện thưởng thức không khí thành phố về đêm cũng như trải nghiệm cuộc sống trong không gian văn hóa đa sắc màu.
Đặc biệt, việc liên kết vùng để làm đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch cũng như để thúc đẩy phát triển du lịch ở các vùng, miền trên nền tảng cộng sinh: du khách đến TPHCM được chào mời tham gia các chuyến du lịch đến các nơi khác trong nước và ngược lại, du lịch đến nơi khác được khuyến khích đến tham quan TPHCM. Những giải pháp hợp lý đối với bài toán phát triển du lịch đã giúp ngành du lịch Thành phố đạt các kết quả đáng khích lệ. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ du lịch của Thành phố đạt hơn 80.800 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ 2019 và đứng đầu cả nước. Trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch tiếp tục bứt phá và doanh thu cả năm đạt 160.000 tỷ đồng. Con số này tăng 22% so với năm 2022, tăng 25% so với năm 2019 và cao nhất trong vòng 5 năm từ 2019 đến 2023.
Chuyển đổi số được xác định là chìa khóa mở cánh cửa vào kỷ nguyên kinh tế mới. Đối với đất nước chúng ta, vận hội chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra có nhiều nét tương đồng với thời kỳ tiếp cận các thành tựu của phương Tây vào nửa cuối thế kỷ XIX. Giá như lúc đó chúng ta nắm bắt và tận dụng cơ hội tiếp cận đó để tổ chức chuyển giao các ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật từ các nước tiên tiến, thì đất nước chúng ta đã có thể bứt phá đi lên. Rất tiếc, sự kém hiểu biết và nỗi ngờ vực đã khiến chúng ta đã bỏ lỡ vận hội và đánh mất luôn cơ duyên trở thành quốc gia phát triển như Nhật Bản. Lần này chúng ta nhất quyết không để lỡ chuyến tàu đi đến tương lai xán lạn.
Bến Nhà Rồng - một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại TPHCM
Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị. Các thành tựu nhất định đã được ghi nhận. Người dân, doanh nghiệp đã dần quen với việc giao tiếp trên nền tảng số trong khuôn khổ thụ hưởng dịch vụ công (đăng ký hộ tịch, nơi cư trú, đăng ký tài sản...); các cơ quan, tổ chức cũng dần quen với các hoạt động tương tác, phối hợp, chỉ đạo thông qua nền tảng trực tuyến và các ứng dụng số hóa. Lãnh đạo Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố thông minh trong đó, các giao tiếp giữa người và người có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi mà không cần gặp gỡ trực tiếp trong không gian và thời gian vật lý.
Kinh tế xanh được xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Lãnh đạo Thành phố đã tích cực chỉ đạo việc rà soát toàn bộ hệ thống sản xuất và tiến hành phân lại các cơ sở theo mức độ tác động tiêu cực đối với môi trường, từ đó có giải pháp cấu trúc lại hoạt động sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các mô hình sản xuất mới, thân thiện với môi trường, bao gồm mô hình tận dụng phế liệu theo phương thức kinh tế tuần hoàn cũng được thực hiện.
Song song với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, lãnh đạo Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các lực lượng bảo đảm an ninh luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao và liên tục triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm tra, bảo đảm kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh trật tự được cải thiện: các điểm nghẽn giao thông, tội phạm hình sự giảm mạnh; người dân thoải mái đi lại và yên tâm làm ăn hơn trước.
Mặt trận ngoại giao cũng được lãnh đạo Thành phố quan tâm, coi là nơi xây dựng các tiền đề của phát triển kinh tế. Thời gian qua, Thành phố không ngừng nỗ lực để tôn tạo hình ảnh của địa phương trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều đoàn đại biểu cấp cao của các nước đã đến thăm, thảo luận về các khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa... Thành phố luôn đứng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời là nơi được lựa chọn ưu tiên của nhân tài trong và ngoài nước trong quá trình tìm kiếm cơ hội, môi trường làm việc thuận lợi để thể hiện tài năng và cống hiến.
Hướng tới kỷ niệm lần thứ 95 và lần thứ 100 ngày thành lập Đảng, toàn Đảng bộ Thành phố quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, nhằm khẳng định, củng cố vị trí đầu tàu trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng, phồn vinh.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN