Chính những ngôi trường ấy đã góp phần đào tạo nên hàng ngàn những hạt giống đỏ trưởng thành, trở về miền Nam trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, cũng như đảm nhận các công việc nặng nề đa dạng sau ngày miền Nam giải phóng.
Năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước tạm thời chia thành hai miền, cùng với cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định đưa một số lớn con em cán bộ chiến sĩ miền Nam ra Bắc nuôi dưỡng và đào tạo. 32.000 em đã được đưa ra, thành lập 28 trường từ nhi đồng đến cấp 1, 2, 3. Có những em xuống tàu đi tập kết chỉ mới 6, 7 tuổi. Nhớ lại hồi ấy có một bài hát rất dễ thương mà các em thường hát: “Ngày con mới ra miền Bắc, con còn bé xíu xiu như là cái hạt tiêu...”.
Nhớ lại 50 năm trước vào tháng 9-1967, tôi vừa tốt nghiệp khoa Văn hệ 4 năm ĐHSP Hà Nội thì được Bộ Giáo dục điều sang giảng dạy tại trường cấp 3 Nguyễn Văn Bé, Quế Lâm. Trên chuyến tàu lửa tôi đi ngày ấy, có những em chỉ mới 5, 6 tuổi, đêm nhớ mẹ khóc vang cả khoang tàu. Tôi phải đi dỗ dành từng bé, đắp chăn, thay quần áo cho từng em. Mới 23, 24 tuổi tôi đã tập làm mẹ. Tôi vẫn nói đùa với các bạn: “Tôi biết làm mẹ trước khi làm vợ”.
Từ năm 1969 - 1970, trường lại nhận tiếp những em học sinh vượt Trường Sơn ra Bắc. Nhiều em tâm sự: “Em không thể nào quên được 3 tháng đi bộ vượt đèo lội suối, đói khát, bom đạn, ốm đau. Những ngày tháng đó đã trở thành một phần trong cuộc đời em”.
Ở Quế Lâm hồi ấy, bên cạnh các thầy cô giáo còn có rất nhiều bảo mẫu chăm sóc các em từ miếng cơm manh áo, đến tắm giặt học hành như những người cha, người mẹ thực sự. Hồi ấy dạy cấp 3, nhưng tôi vẫn sang trường nhi đồng chăm sóc các em. Tôi đã rất xúc động khi đọc sơ yếu lý lịch của từng em và những lời dặn dò của cha mẹ gửi lại cho con, trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ở Đà Nẵng vừa rồi, có rất nhiều em nhỏ hồi ấy giờ đây đã trưởng thành.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ đoạn thư của một người cha để lại cho con: “Con thân yêu của ba mẹ! Sau này con lớn lên con sẽ hiểu tại sao ba mẹ phải xa con trong những ngày con còn thơ dại. Con ơi! Tổ quốc gọi! Miền Nam gọi! Ba mẹ phải lên đường. Nếu sau này ba mẹ không trở về thì đây là những dòng cuối cùng ba mẹ để lại cho con. Lớn lên con hãy đến địa chỉ này để tìm chú của con... địa chỉ này để tìm dì của con...”. Hàng triệu triệu con người đã sống và cống hiến hết mình như thế, nên rất tiếc là tôi đã không có dịp tìm hiểu xem trường hợp này cha mẹ của em sau 1975 có còn trở về với em không.
Trong những năm tháng sống ở Quế Lâm, có những sự kiện, những câu chuyện mà tôi không thể quên được. Đó là sự kiện nhận được tin ông Hoàng Lệ Kha, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh bị giết hại. Cả trường đã tổ chức mít-tinh phản đối. Những tiếng hô đả đảo vang dậy cả khu trường. Khi diễu hành, hai con của ông Hoàng Lệ Kha chít khăn tang cầm ảnh cha và bát nhang đi đầu, vừa đi vừa khóc. Các bạn nhỏ cũng khóc chia sẻ tình cảm với hai bạn. Tôi lại nhớ Tết Mậu Thân năm 1968, cả khu trường reo hò suốt đêm không ngủ được, vì ai cũng nghĩ mình sắp được trở về miền Nam, về quê hương gặp lại cha mẹ.
Trong trường hồi ấy còn có 2 học sinh da màu có tên là Irene và Monique. Chúng tôi cứ nghĩ 2 em là con của tổng thống Congo Federik Lumumba bị sát hại 1961. Hai em học giỏi, hòa đồng với bạn bè. Mãi mấy chục năm sau, qua tìm hiểu các bạn mới biết 2 em là con của ông Ernest Quandie - một anh hùng dân tộc Cameroon. Có lẽ năm 1961, trong thời gian hoạt động cách mạng bí mật, nghĩ rằng mình có thể hy sinh bất kỳ lúc nào, nên ông đã gửi 2 con cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng. Năm 1978 hai em được Chính phủ Việt Nam gửi sang Cuba học đại học y khoa. Giờ đây hai em đã trở thành những bác sĩ giỏi.
Năm 2015, Ban liên lạc học sinh miền Nam Quế Lâm tổ chức một chuyến trở về thăm trường cũ. Đây là lần thứ 4 ban liên lạc tổ chức. Đoàn hôm ấy có 92 thầy trò. Khi về tìm lại những kỷ niệm xưa, ai cũng bồi hồi xúc động. Nhiều thầy cô, học sinh đã khóc. Những tiếng reo đây là phòng ở của mình, đây là nhà ăn, đây là sân bóng. Tất cả chạy tung tăng khắp nơi như thời còn bé.
Đến lúc lên xe, kiểm tra lại thiếu một người, mọi người đổ xuống đi tìm. Cuối cùng tìm thấy bạn ấy đang ngồi ở một nơi rất xa, gục xuống khóc. Bạn nói: “Em nhớ lại cách đây 48 năm, em đã ra đây ngồi khóc khi nhận được tin ba hy sinh ở chiến trường”. Thật tội nghiệp!
Kỷ niệm những năm tháng sống ở trường học sinh miền Nam Quế Lâm, đã ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ thầy trò. Vì vậy ngày 24-3-2017, thầy trò đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Khu giáo dục học sinh miền Nam Quế Lâm tại Đà Nẵng. Rất hoành tráng, xúc động. Có bí thư thành ủy đến dự. Gần 100 thầy cô chú má và hơn 500 học sinh trên cả nước đã có mặt. Câu khẩu hiệu được treo trước khách sạn số 2 Ông Ích Khiêm cũng khá đặc biệt: “Nhiệt liệt chào mừng các thầy cô chú má và các bạn về dự kỷ niệm 50 năm học sinh miền Nam Quế Lâm 1967 - 2017”.
Các bạn tổ chức đón thầy cô rất chu đáo. Mọi người đã đi thắp hương cho anh Nguyễn Bá Thanh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, bạn học cùng lớp thuở nào. Thắp hương tại nhà tưởng niệm anh Nguyễn Văn Trỗi. Các em còn tổ chức đưa thầy cô lên Bà Nà, chùa Linh Ứng, thăm Đà Nẵng ban đêm. Với nhiều thầy cô còn nghèo thì đây là một chuyến đi thật tuyệt vời.
Năm 2014, Ban liên lạc học sinh miền Nam cũng đã từng tổ chức “60 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc” tại Mỹ Đình, Hà Nội. Có bộ trưởng Bộ Giáo dục, bí thư, chủ tịch Hà Nội đến dự. Những hạt giống đỏ ấy đã nảy mầm trở thành những cây vạm vỡ, cao lớn - những anh hùng lực lượng vũ trang, những ủy viên bộ chính trị, những bí thư, chủ tịch tỉnh khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tôi nghĩ những quyết sách đúng đắn của Đảng và Bác Hồ đối với vấn đề giáo dục cách đây 50, 60 năm đã gặt hái được những thành công tốt đẹp. Hy vọng sự nghiệp giáo dục của chúng ta hôm nay cũng sẽ có những quyết sách đúng đắn, để thu được nhiều thành quả cho hiện tại và tương lai.
Năm 1966 - 1967, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngày 14-2-1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định di chuyển một bộ phận học sinh miền Nam (HSMN) sang Trung Quốc và thành lập trường HSMN tại Quế Lâm. Ngày 19-8-1967, Khu giáo dục HSMN Quế Lâm được thành lập gồm các trường cấp 1, 2, 3 Nguyễn Văn Bé; cấp 1, 2, 3 Dân tộc và trường Nhi đồng Võ Thị Sáu... Từ năm học 1969 - 1970, bắt đầu tiếp nhận HSMN vượt Trường Sơn ra Bắc. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, các trường HSMN trên đất Bắc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Khu giáo dục HSMN Quế Lâm cũng kết thúc nhiệm vụ. |
NGƯT Nguyễn Đắc Diệu Hương