Sẽ không để xảy ra ô nhiễm
Sáng 18-8, tại công trường Gò Cát, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp với Cty Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và UBND Q. Bình Tân đã tổ chức buổi tham quan đề án thực nghiệm Nhà máy điện rác Gò Cát.
Đến tham dự có ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, ông Nguyễn Gia Long – Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực – Máy (HMC), ông Ngô Thành Đức – Phó giám đốc Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố, ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cùng với lãnh đạo UBND và các ban ngành đoàn thể phường Bình Hưng Hòa, đặc biệt là sự có mặt của bà con nhân dân sống xung quanh công trường.
Bà con nhân dân sống xung quanh tham quan Nhà máy điện rác Gò Cát
Công ty đã dẫn đoàn đi tham quan và giới thiệu công nghệ nhà máy điện rác, đây là đề án thực nghiệm công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn để mọi người hiểu rõ hơn về dự án. Ngay sau khi tham quan công trường Gò Cát, bà con nhân dân đã có những ý kiến đóng góp xây dựng, đặc biệt quan tâm khi nhà máy đi vào hoạt động thực tiễn với quy công nghiệp (xử lý khoảng 1000 tấn/ngày) đơn vị vận hành cần lưu ý đảm bảo chất lượng môi trường trong và ngoài nhà máy.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, Công ty được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý Công trường Gò Cát nên trong quá trình phối hợp với HMC sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai vận hành nhà máy đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Hạn chế thấp nhất các thiếu sót mà trước đây các công nghệ khác mắc phải như: mùi, bụi, tiếng ồn... Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tại điều kiện thuận lợi để bà con nhân dân vào để cùng giám sát quy trình hoạt động của nhà máy. Cam kết cùng HMC sẽ thực hiện kiểm soát tốt môi trường xung quanh nhà máy nếu để xảy ra sai sót sẽ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố và nhân dân.
Ông Nguyễn Gia Long – Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực – Máy (HMC) khẳng định, việc gây ô nhiễm tuyệt đối sẽ không xảy ra khi nhà máy đi vào hoạt động, nếu để xảy ra công ty chấp nhận di dời nhà máy và hoàn toàn chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân đề nghị các đơn vị tạo điều kiện để người dân giám sát công trường và thông tin cho người dân hiểu được các công nghệ tại nhà máy để người dân an tâm và ủng hộ dự án.
Ông Nguyễn Gia Long – Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực – Máy (HMC) khẳng định việc gây ô nhiễm tuyệt đối sẽ không xảy ra khi nhà máy đi vào hoạt động, nếu để xảy ra công ty chấp nhận di dời nhà máy và hoàn toàn chịu trách nhiệm, đồng thời sẽ mời các đoàn hàng tuần vào giám sát hoạt động tại nhà máy.
Sản phẩm sau rác là năng lượng xanh
Vừa qua, Bí thư Thành ủyTP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy điện rác Gò Cát. Đây là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM phối hợp đầu tư xây dựng.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị TP.HCM, bãi rác Gò Cát đã đóng cửa từ năm 2007. Tổng lượng rác đang chôn lấp 5,3 triệu tấn. Nhà máy điện rác Gò Cát được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 2007. Theo đó, nhà máy thực hiện thu khí từ bãi rác Gò Cát (đã đóng cửa) để đốt phát điện. Để hỗ trợ cho hoạt động xử lý rác thải thành điện năng, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện để hỗ trợ nhà máy điện rác hoà vào lưới điện quốc gia. Giá bán điện rác của nhà máy này hiện đang là 7,38cent/kwh.
Phát huy kết quả đạt được, đầu năm 2017, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô Thị TP.HCM đã phối hợp cùng Công ty TNHH Thủy Lực - Máy đề xuất với UBND TP.HCM thực hiện Đề án thực nghiệm “ Xây dựng nhà máy Điện - Rác Gò Cát”, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu Xử lý chất thải rắn Gò Cát với quy mô công nghiệp, nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V. Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát, sử dụng hoàn toàn công nghệ của Hà Lan, đề án thực nghiệm nhà máy điện rác của hai công ty sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.
Ngay khi đề án thực nghiệm trên được UBND TP.HCM phê duyệt, từ tháng 2-2017, Đề án thực nghiệm Điện Rác Gò Cát, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) bắt đầu được triển khai thực hiện, vận chuyển và lắp đặt thiết bị.
Ngày 30-3-2017, hệ thống dây chuyền thiết bị tiền chế, tiếp nhận rác và được vận hành đầu tiên.Ngày 20-4-2017, vận hành đồng bộ các cụm thiết bị của công nghệ Điện Rác và đã hòa lưới điện quốc gia vào ngày 22-4-2017.
Buổi họp mặt đoàn tham quan
Ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy cho biết, tính cho đến thời điểm cuối tháng 6-2017, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, hoà vào lưới điện quốc gia 7MW. Ông Nguyễn Gia Long nhấn mạnh, bản chất của Công nghệ Điện Rác là chuyển hóa các vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy. Dây chuyền thiết bị theo Công nghệ Điện Rác gồm nhiều phần tích hợp thành một dây chuyền hoàn thiện bao gồm ba công đoạn.
Công đoạn xử lý tiền chế, Rác công nghiệp (hỗn hợp rác) khi tập kết về sẽ được đưa vào hệ thống máy cắt, cắt đồng điều kích thước và loại bỏ kim loại có lẫn trong rác. Rác sau cắt được đưa vào hệ thống máy ép định hình thành viên nhiên liệu RDF. Công đoạn khí hóa là quá trình chuyển hóa nhiên liệu từ dạng rắn sang dạng khí, sản phẩm của công đoạn này là khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch). Nguồn năng lượng xanh này được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện ở công đoạn cuối cùng của Công nghệ Điện Rác - công đoạn phát điện và hòa lưới điện quốc gia.
Đây là dây chuyền tự động, khép kín, quá trình nhiệt hóa kín thiếu oxy nên không phát thải thứ cấp. Sản phẩm sau rác là năng lượng xanh - Điện Rác. Đặc biệt, công nghệ điện rác này không còn chôn lấp, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường. Công nghệ này chuyển hóa các vật chất thải loại mà không phân biệt các loại chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt hay độc hại, miễn là chất thải loại có chứa năng lượng, trong khi các công nghệ khác phải loại rác vô cơ (thủy tinh, sành, sứ, đất, cát, đá…). Đối với công nghệ trên, chính những chất thải vô cơ lại là tác nhân để chuyển hóa chất thải rắn, tức là sử dụng nhiệt hóa, chứ không đốt, để bẻ gãy các mạch hidrocacbon, chuyển hóa chất thải rắn từ thể rắn sang thể khí và tạo ra khí đốt tổng hợp syngas và phần còn lại là than cacbon.
Lãnh đạo công ty giới thiệu nguyên liệu đốt rác
Lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP.HCM đã chỉ đạo đơn vị đầu tư là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM và Công ty TNHH Thủy Lực - Máy, ngoài phát huy những kết quả đạt được, cần nghiên cứu thêm việc xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp thành điện. Với rác thải đã qua chôn lấp, có thể tiến hành thực nghiệm trước với lượng rác thải đang chôn lấp tại Gò Cát. Từ đó, giúp tạo quỹ đất sạch để xây dựng công trình nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân khu vực lân cận.
Mặt khác, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành liên quan thành lập hội đồng khoa học thành phố đánh gía hiệu quả công nghệ điện rác đang thực nghiệm. Đồng thời, cho phép Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Thủy Lực - Máy lập đề án xử lý điện rác từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20MW điện. Theo đó, công đoạn tách mô mềm từ rác thải sinh hoạt phải được thực hiện tại Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Còn xơ bả rác chuyển về nhà máy điện rác tại Gò Cát để tạo thành dòng điện xanh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các đơn vị đầu tư phải nghiên cứu kỹ công tác quản lý quá trình vận hành, xử lý rác thải sinh hoạt quy mô khoảng 1.000 tấn/ngày, không để phát sinh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố.