Vấn đề hoạch định chính sách đô thị thông minh vì thế đã trở thành một chủ đề “nóng” nổi bật trong ngày làm việc hôm nay.
Phiên họp với chủ đề “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực Đô thị thông minh” nằm trong khuôn khổ SOM3, quy tụ nhiều cuộc họp ở khắp các lĩnh vực từ tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển bao trùm kinh tế đến bàn về cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC và sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Công an, PGS.TS Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, TS Santhi Kanoktanaporn, Tổng Thư ký Tổ chức Năng Suất Châu Á (APO), ông Francis Anthony S. Garcia, Thị trưởng thành phố Balanga, Philippines cùng đại diện đến từ các Bộ ngành, tỉnh thành phố, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang triển khai nghiên cứu và áp dụng mô hình Đô thị Thông minh tại Việt Nam.
Hội thảo còn có sự tham gia tích cực của các báo cáo viên đến từ Mỹ , Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam và các Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, IEC.
Hội thảo APEC về Đô thị thông minh lần này là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế liên quan cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận những biện pháp cải tiến và thúc đẩy việc xây dựng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động tiêu chuẩn, chứng nhận hướng tới phát triển bền vững mô hình Đô thị thông minh trong khu vực APEC.
Trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra càng đòi hỏi chính quyền các nước quan tâm cấp thiết đến việc phát hiện đô thị thông minh. Hội thảo là cơ hội tốt để các nền kinh tế đang phát triển của APEC như Việt Nam, Thái Lan, Philippines... có cơ hội học hỏi những mô hình điểm, kinh nghiệm tốt về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về phát triểu Đô thị thông minh từ các nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, Singapore... hướng tới mục tiêu ưu tiên của năm APEC 2017 là phát triển Nền kinh tế số.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Với trọng tâm phát triển và thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số, đây là một lĩnh vực khá mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi các thành viên APEC phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm đạt được các mục tiêu Bogor đã đề ra”.
Trong khi đó, phát biểu tham luận tại Hội thảo, nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Lê Cường, Trần Thu Hà - Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định Đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước.
Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới được hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở: đường xá, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực phát triển, nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại.
Tuy nhiên, Phát triển đô thị và đô thị hóa ở Việt Nam hiện chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị hóa lan rộng làm các khu vực này lại nằm lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia.
Năng lực thu gom xử lý rác thải rắn đặc biệt là các chất thải rắn nguy hại chưa được thực hiện đúng quy định. Đặc điểm thói quen sử dụng giao thông cá nhân gây lãng phí nghiêm trọng nguồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn.
Chỉ có hướng phát triển đô thị thông minh mới là giải pháp triệt để cho Việt Nam và nhiều nước khác giải quyết triệt để những bất cập trên.
Kẹt xe là một trong những vấn nạn của việc phát triển "nóng" đô thị Việt Nam hiện nay
Theo nhóm tác giả trên, nhìn một cách tổng thể, Đô thị thông minh là một không gian đô thị với các cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông minh chứa hàng triệu các bộ cảm biến và bộ dẫn động tương tác với con người thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông.
Không gian như vậy kết hợp với việc sử dụng các công nghệ phân tích tiên tiến tại thời điểm thực sẽ cho phép các thành phần đang hoạt động trong đô thị (cư dân, doanh nghiệp, chính quyền) nhận thức và hiểu biết về các sự kiện đang diễn ra tại mọi thời điểm, từ đó đưa ra các quyết định cũng như các thông tin và dịch vụ phù hợp nhất cho cư dân của đô thị, hoặc từ đó nâng cấp và cải tiến các dịch vụ được cung cấp.
Đô thị thông minh chứa đầy đủ các thành tố của một đô thị thông thường, nhưng các thành tố chính vượt trội hơn các đô thị thông thường bao gồm:
- Giao thông đô thị: giao thông trong đô thị thông minh được kiểm soát tại thời điểm thực, thông qua việc kiểm soát các phương tiện công cộng, kiểm soát các bãi đỗ xe, sử dụng các ứng dụng theo dõi quãng đường, khuyến khích sử dụng xe đạp, xe điện.
Xây dựng đô thị thông minh đang ngày càng trở nên cấp thiết
- Quản lý năng lượng hiệu quả thông qua các hệ thống lưới điện thông minh: Đồng hồ đo thông minh, kiểm soát các thông số môi trường như hàm lượng CO2, NOx v.v.. Một số đô thị trên thế giới đã triển khai các hệ thống quản lý năng lượng thông minh và có hiệu quả rất cao.
- Quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị thông qua việc quản lý các tòa nhà công: Quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị như công viên, cây xanh, đường phố, thông báo về tai nạn do cư dân phát hiện v.v.. Việc quản lý này có thể thực hiện thông qua hàng triệu bộ cảm biến và bộ kích động, kết hợp với các thiết bị điện thoại thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông có thể cho phép chính quyền cũng như cư dân tham gia vào việc quản lý cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả hơn rất nhiều.
- An ninh cho cộng đồng: An ninh của cộng đồng được đảm bảo nhờ việc quản lý hiệu quả các dịch vụ cứu hộ và khẩn cấp, cũng như các lực lượng an ninh. Dựa vào các cảm biến, các camera thông minh cho phép phát hiện tình huống hoặc tai nạn phát sinh tại thời điểm thực, nhờ đó các lực lượng ứng cứu sẽ nhận được thông tin ngay lập tức, và triển khai phương án để xử lý và giải quyết.
Mô hình đô thị thông minh đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng
Ngoài ra, sức khỏe của cư dân trong đô thị cũng được quan tâm chăm sóc tốt hơn thông qua việc quản lý hiệu quả các dịch vụ khám chữa bệnh, thu gom và xử lý các nguồn thải, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho người dân nhờ việc kiểm soát chặt chẽ các thông số môi trường thông qua các đầu dò.
Một mô hình như thế đang được nhiều nước phát triển như Singapore áp dụng. SOM3 chính là diễn đàn để đưa những sáng kiến đô thị thông minh giữa các nước được đưa vào tham khảo và vận dụng.