Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cần từng bước nâng cao chất lượng đô thị

Thứ Tư, 16/08/2017 20:18  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 16-8-2017, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến và truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi, đặc biệt tại phiên chất vấn, ngoài đại diện Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, còn có Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tham gia giải trình những vấn đề liên quan.

Đô thị nào cũng có vấn đề

Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu một thực trạng: Quy hoạch đô thị nào cũng có vấn đề: về môi trường, nước thải, rác thải không có cách xử lý ổn thỏa; nơi có các công trình lớn thì gây ùn tắc giao thông; thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí.

Đặc biệt, nhiều đô thị làm đường mới xong, kinh phí rất lớn, nhưng phố xá vẫn nhếch nhác toàn nhà bé, nhà siêu mỏng. Tình trạng buông lỏng quản lý quy hoạch dẫn đến quá nhiều lệch lạc trong quy hoạch, quản lý đô thị: “Đường thẳng nắn thành đường cong, sân golf nằm trong sân bay, khu đô thị không có chợ, hoặc bệnh viện, nhà cao tầng nọ sát nhà cao tầng kia vi phạm quy định về xây dựng và phòng cháy, chữa cháy”.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) thì phản ánh tình trạng trong thời gian qua, cử tri, nhân dân cả nước bức xúc trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, đất rừng đặc dụng, lấn chiếm đất nông nghiệp, thậm chí lấn chiếm đất quốc phòng – an ninh,…

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thiếu đồng bộ thậm chí ngay trong cùng một quy hoạch và nguồn lực thực hiện còn hạn chế; trong khâu tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch chậm, không đồng bộ, chắp vá.

“Cái lẽ ra làm trước thì làm sau, lẽ ra làm toàn phần thì làm một phần”, Bộ trưởng cho biết và chỉ ra nguyên nhân do cơ quan quản lý nhà nước không làm đúng chức trách; giám sát cộng đồng hạn chế, thanh tra kiểm tra không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ việc không kịp thời tạo tiền lệ cho vi phạm.

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Thúy là có trục lợi trong lập, tổ chức thực hiện quy hoạch không, ông Hà khẳng định: “Về tập thể tôi cho là không có, nhưng một số trường hợp cá nhân thì có”. Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng có hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, một số vấn đề về phương pháp luận tính toán, các chỉ tiêu đô thị hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa phù hợp với điều kiện phát triển nhanh của đất nước; thủ tục trình tự quy hoạch đô thị có những điểm còn phức tạp nặng về mục tiêu quản lý nên không khả thi.

Trong quá trình kiểm tra, Bộ Xây dựng có lúc phối hợp chưa thường xuyên với các địa phương để sớm phát hiện bất cập. “Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về việc này” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Bộ trưởng thừa nhận tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng là một hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Giấy phép được cấp nhưng không đúng với quy hoạch chi tiết, không thường xuyên thanh tra kịp thời, thanh tra được thì lại xử lý không dứt điểm…Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng cam kết không để xảy ra sai phạm nữa thì rất khó, nhưng chúng tôi sẽ tập trung xử lý thanh tra cụ thể một số dự án có quy mô sử dụng đất lớn”.

Xử lý ùn tắc giao thông, ngập nước cần có lộ trình

Trả lời câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về vấn đề ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, nguyên nhân do chúng ta cấp phép xây dựng đô thị, chung cư ở trung tâm nội đô quá nhiều, gây quá tải về dân số, về cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Tham gia giải trình tại Phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ, theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo quy mô dân số đến năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng năm 2017 đã đạt 13 triệu người.

Hiện TP có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy và 700.000 xe ô tô, trung bình mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi đường sá không mở rộng, các công trình giao thông không giải quyết kịp với lượng phương tiện. “TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực rất lớn về dân số, tác động lên toàn hệ thống hạ tầng giao thông” -Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các tuyến đường khép kín, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị… “Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, nhưng thực tế, nguồn vốn ngân sách để giải quyết các tuyến giao thông công cộng hiện không có khả năng, chỉ có thể dựa vào vốn ODA và đầu tư theo hình thức PPP”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng chủ động giãn dân ra khu vực ngoại thành, góp phần đô thị hóa nhanh chóng khu vực ngoại thành; tạo sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để giải quyết ùn tắc giao thông; quản lý chặt chẽ quy hoạch, đối với những quy hoạch đã được phê duyệt với số dân quy định thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang tập trung xử lý, triển khai các dự án giao thông để giải quyết ùn tắc giao thông. Trên địa bàn TP có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, do vậy, TP cũng chủ động phân luồng, phân tuyến hợp lý, tổ chức các lực lượng, kể cả biên phòng, thanh niên xung phong... cùng phối hợp giải quyết ùn tắc giao thông.

“Chính quyền TP hiện nay chỉ có thể triển khai giải pháp lâu dài để ùn tắc giao thông không xảy ra. Mặt khác, có những dự án giao thông phải triển khai ngay và có giải pháp trước mắt để chống ùn tắc” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.

Về tình hình chống ngập của TP, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, “muốn trị được bệnh phải xác định được nguyên nhân gây ra bệnh”. Ngập của TP có nhiều nguyên nhân: do thủy triều dâng, do nước biển dâng, do tác động biến đổi khí hậu, ngập do lũ, ngập do mưa. Ngập cũng do một phần quản lý yếu kém, và cả ý thức của người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân TP cũng đề ra những giải pháp tổng hợp. Thường trực UBND TP đã giao các Phó Chủ tịch UBND TP xuống kiểm tra từng điểm ngập, và thực tế thấy rằng, chúng ta đã có nhiều nỗ lực, giải pháp triển khai công trình chống ngập, nhưng do xả rác, chất thải làm ứ đọng dòng chảy, dẫn đến ngập.

“Trước mắt chúng tôi vận động người dân không xả rác”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói. Còn về giải pháp trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý cũng như các giải pháp mang tính chất công trình ra sao nhằm làm giảm tình hình ngập của TP, thì “xin thưa kể cả ùn tắc giao thông, ngập nước cần có lộ trình để xử lý, chứ không thể xử lý được ngay trong thời gian này được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Kết luận phiên chất vấn, ghi nhận các giải pháp mà đại diện Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị.

Các đơn vị tiếp tục triển khai chương trình, đề án, dự án cấp quốc gia phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật nhằm từng bước nâng cao chất lượng đô thị, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, thúc đẩy tăng trưởng tại địa bàn còn khó khăn; tổ chức rà soát các quy hoạch đô thị gắn với đảm bảo giao thông, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị nhất là trong xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng,…

Bình luận (0)

Lên đầu trang