Hồi xưa nghệ sĩ ăn Tết ra sao?

Thứ Năm, 15/02/2018 14:31

|

(CATP) Từ sáng đến trưa mùng một Tết, các nghệ sĩ đến nhà riêng chúc Tết ông bà bầu gánh. Đáp lại, ông bà chủ chúc vài câu lấy lệ và phong bao cho từng nghệ sĩ, tùy theo tài năng mà phong bao tiền nhiều hay ít.

Có anh bạn kể chuyện hồi còn trẻ, anh yêu một cô ca sĩ. Đầu những năm 1990, cả xã hội bung ra làm ăn. Làm nhiều, kiếm được tiền thì ngành giải trí càng “ăn nên làm ra”, nên các sân khấu luôn đỏ đèn. Cô bạn của anh ngày nào cũng có vài “sô” dù không phải là “vơ-đét” (ngôi sao). Mỗi tối, anh chở cô đi diễn, xong hai đứa đi ăn khuya, rất vui.

Đến Tết, “sô” diễn còn nhiều hơn. Tết đầu tiên, anh chở cô mỗi tối chạy cả chục “sô”, diễn từ Sài Gòn ra Chợ Lớn, về Gia Định. Lúc đầu thấy cũng hay hay, người yêu vô diễn thì mình ở ngoài hút thuốc ngó thiên hạ đi du xuân. Đến đêm thứ ba, thứ tư thì chán ngấy vì thấy vô lý quá, Tết mọi người sum họp vui vầy, còn mình lêu bêu ngoài đường. Đêm thứ tư thì cãi nhau ngay đầu năm.

Cuối năm sau, trước Tết, anh và cô kia chia tay. Anh trở lại những ngày Tết đúng nghĩa: cúng kiếng, tiếp khách, có buồn nhưng dần cũng quen, vì nghĩ sau này cưới về làm sao mà chịu đựng nổi.

Chân dung nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Ảnh sưu tầm của Lê Hoan Hưng

Anh Hữu Thạnh, con trai của một nhạc sĩ chuyên biểu diễn các sân khấu, vũ trường bảo rằng, nghệ sĩ thường không ăn Tết, trừ khi thất nghiệp. Từ nhỏ anh đã quen chuyện cảnh nhà vắng teo ngày Tết. Tối ba anh đi diễn và sau đó đi chơi với bạn bè về khuya, ngày mệt ngủ vùi nên đâu có tiếp khách nổi. Sau này anh nối nghiệp cha, cũng xem Tết là dịp làm việc căng nhất, kiếm tiền nhiều nhất và đó chính là “Tết nghệ sĩ”.

Trong một bài báo hơn 60 năm trước Hồi xưa nghệ sĩ ăn Tết ra sao? (Báo Ánh Sáng xuân Ất Mùi 1955), tác giả Lê Vân thuật lại tỉ mỉ về chuyện chuẩn bị Tết của các nghệ sĩ cải lương. Để chuẩn bị hát Tết, trước hết các ông bà bầu gánh lo tính toán tiền nong thừa thiếu với các nghệ sĩ và các nhân viên khác để ký thêm giao kèo, mục đích là giữ lấy những nhân tài để kiếm ăn vào các buổi diễn đầu xuân.

Thường thường, các gánh hát cho đào kép nghỉ hai đêm 29 và 30 tháng Chạp, để lo chuyện nhà cửa Tết nhất, để rồi sau đó sẽ “vẽ phấn bôi son” lên sân khấu khóc cười vào buổi khai trương đầu xuân. Các ông bà bầu gánh kỵ nhất là ngày sát chủ, cho nên đêm diễn đầu năm phải được chọn lựa kỹ càng căn cứ vào Âm lịch. Ngày khai trương có thể là một trong bốn ngày Tết, miễn sao là ngày tốt.

Trước khi cho đào kép nghỉ sớm ăn Tết, các bầu gánh cho cả đoàn bàn bạc nên chọn tuồng tích nào để trình diễn buổi đầu xuân. Căn cứ vào ý kiến thầy tuồng, soát số quần áo, phông cảnh... cùng những nghệ sĩ “gà nòi” đang có, bầu gánh mới quyết định ngày diễn, ngày nào sẽ diễn vở tuồng nào. Ngày xưa, có một tục lệ là “Bói tuồng”, khán giả đi xem tuồng và qua đó sẽ đoán năm nay hên xui ra sao.

Nghệ sĩ đoàn Kim Chung trang điểm phía sau sân khấu - Ảnh tư liệu PCL

Chiều theo thị hiếu của khán giả muốn dịp Tết chỉ mong gặp được điều may mắn cho cả năm, các gánh hát thường diễn những tuồng vui, đẹp mắt, có hậu như: Tam hoàng tử tranh hôn, Tần vương du xuân, Phụng Nghi đình, Lục quốc phong tướng, Tứ tử đăng khoa... Soạn giả cố ý cắt xén những đoạn thương tâm tang tóc, cho diễn những cảnh đời đẹp đẽ huy hoàng, hạnh phúc ấm êm đầy đủ (như cảnh lấy vợ lấy chồng, sinh con, thi đỗ làm quan, cảnh gia đình đoàn tụ sau thời gian lưu lạc...).

Đó là chuyện trước thập niên 1950, sau đó vài năm, cách chuẩn bị diễn Tết của vài gánh hát có hơi thay đổi. Vì thiếu hia mão, giáp bào, phong cảnh rực rỡ của tuồng Tàu, thiếu cả những kiện tướng đóng tuồng, nên để làm vừa lòng khán giả ưa ca vũ nhạc diễm huyền, có những gánh trình diễn mười màn đặc sắc ca cải cách, nhạc kịch, nhạc cảnh, một lớp cải lương tuyển lựa...

Ở những gánh hát cũng có tục lệ xông rạp do chính ông bầu gánh xông lấy rạp của mình đang diễn. Tối 30, cửa rạp đóng kín mít đúng đến phút Giao thừa thì mở ra đón ông bà bầu gánh xông rạp. Ông bầu đến ngay bàn thờ Tổ cúng vái xong tự tay hạ đồ lễ thưởng thức một hai miếng lấy phước, rồi phân phát lộc Tổ cho anh chị em toàn gánh hát có mặt trong buổi lễ Giao thừa. Kế đó, một người đại diện cho anh chị em bưng đĩa trầu lộc Tổ mời ông chủ dùng trước để lấy may mắn cho năm mới. Sau đó, đến lượt ông thầy tuồng đại diện cho anh chị em trong nghề cúng vái, xin Tổ ban ơn làm ăn thông đồng bén giọt quanh năm mới. Trước khi về nhà riêng, ông bầu chúc cho toàn thể “nhất bản vạn lợi”.

Những nghệ sĩ không nhà sau Giao thừa, lễ Tổ đã xong, liền quây quần trút tâm sự vào khói thuốc muội đèn, vào lá bài hay thả hồn phiêu diêu trong cảm xúc đầu xuân.

Từ sáng đến trưa mùng một Tết, các nghệ sĩ đến nhà riêng chúc Tết ông bà bầu gánh. Đáp lại, ông bà chủ chúc vài câu lấy lệ và phong bao cho từng nghệ sĩ, tùy theo tài năng mà phong bao tiền nhiều hay ít.

Và từ đêm đầu xuân, gánh hát khai trương đầu năm đón Tết, các nghệ sĩ lại sống với ánh đèn huy hoàng, phong cảnh giáp bào hia mão rực rỡ, kèn trống rộn ràng, giúp vui khán giả.

Ba nghệ sĩ Từ Anh, Cô Tư Thanh Tùng, Phùng Há trong một vở diễn ở đoàn Phụng Hảo. Ảnh sưu tầm của Lê Hoan Hưng

Tác giả Lý Di A trong bài Khi xuân đến với kép đào trên nguyệt san Thời Nay số xuân Kỷ Dậu 1969 cho rằng, các đoàn hát tuồng Tết với mục đích có thêm tiền tiêu xài trong năm, như giới viết lách thì làm báo Tết vậy. Ông cũng cho rằng, khách đi xem hát ngày Tết chọn lựa tuồng tích rất kỹ, gọi là tục bói tuồng, dựa vào vở tuồng xem diễn biến tuồng tích ra sao, mang lại điềm may mắn suốt năm hay không. Điều đó khiến chủ gánh hát và soạn giả cân nhắc nhiều khi đưa ra một vở tuồng diễn Tết. Gánh nào thiếu tuồng mới thì dùng lại tuồng cũ, lựa tuồng vui và phải chế biến lại: thay thế cảnh sát phạt, phục thù bằng tha thứ, bao dung, sự chia ly cuối cùng phải “Châu về hợp phố”, vui vẻ cả làng, những kẻ yêu nhau phải lấy được nhau.

Trước kia, dịp Tết thường hát các vở cũ như: Phụng Kiều Lý Đáng, Tứ tử đăng khoa, Trần Nhựt Chánh hội tam thê... bao hàm ý nghĩa vinh hoa đỗ đạt, thành công, đoàn tụ. Điều quan trọng là phải có chữ xuân mới được khán giả thích, như Người đưa tin xuân, Mùa xuân của nàng, Nắng đẹp vườn xuân... miễn có chữ xuân mới ra không khí Tết.

Đi diễn ngày Tết là hoạt động nghề nghiệp đặc thù của giới nghệ sĩ. Là người mang “tiếng hát câu cười” cho khán giả, họ chấp nhận điều đó dù trong lòng ít nhiều tiếc nuối. Họ quen dần qua thời gian, không diễn Tết thì thấy thiếu vắng và thấy mình chưa sống trọn với nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống của gia đình họ. Nếu chồng vợ cùng nghề dễ thông cảm, có chồng hay vợ khác nghề mà được thông cảm thì là may mắn lớn, còn không thì mâu thuẫn và chia tay.

Nghệ sĩ đoàn Kim Chung trong một vở diễn. Ảnh tư liệu PCL

Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, tên tuổi lớn của sân khấu cải lương miền Nam, có những suy nghĩ về chuyện diễn Tết ở khía cạnh riêng tư: “Ngày xưa đi hát không phải mệt nhọc như sau này. Nghệ sĩ tuy có mệt nhọc nhiều về việc di chuyển từ nơi này qua nơi nọ, nhưng ai nấy đều thong thả về mặt tiền nong và biết thương yêu đùm bọc nhau hết lòng. Nợ nần cũng không làm khổ sở nghệ sĩ như bây giờ. Ai cũng sợ nợ lắm, ăn uống tiêu xài có chừng mực, mọi người đều có tinh thần chịu đựng sự thiếu thốn, ít có người không biết giữ căn giữ bổn, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít.

Tôi thấy lớp nghệ sĩ của bọn tôi ngày xưa hát ít tiền hơn bây giờ, nhưng họ sống có phần sung sướng hơn bây giờ nhiều. Tết không hát; khoảng 25, 26 Tết là gánh hát chuẩn bị nghỉ rồi. Bầu gánh cho đào kép mượn tiền xài Tết đầy đủ và mọi người chia tay về quê quán thăm viếng gia đình. Đến mùng 7, mùng 8 Tết, gánh hát mới bắt đầu khai trương. Do đó mà người nghệ sĩ có dịp sum họp vui vẻ với gia đình như tất cả mọi người. Ngày nay, nghệ sĩ đều phải hát Tết nên họ mất lạc thú của con người Á Đông vào dịp Tết nhứt” (Lê Hoài Hà – Đứa con hai dòng máu, Báo Tiếng Chuông xuân Quý Mão 1963).

Qua những bài báo xưa, tâm tình và những niềm vui, nỗi buồn và sự hy sinh thầm lặng của giới nghệ sĩ biểu diễn ngày xưa trong dịp Tết được bộc lộ ít nhiều, mang một sự cảm thông trước một mùa xuân đang đến. Đó là một phần trong cuộc đời nghệ thuật rất khác đời thường của họ.

Xúc động lễ tưởng niệm 7 năm ngày mất NSND Phùng Há
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang