TPHCM: Bắt kẻ "nhập vai" bảo vệ sau khi ôm tiền tỷ bỏ trốn

Thứ Sáu, 04/03/2022 10:36

|

(CATP) Đội Truy nã & truy tìm Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM vừa bắt được đối tượng truy nã trong vòng... 48 giờ sau khi nhận được lệnh "đặt hàng". Điều đáng nói, đối tượng từng là giám đốc một công ty đã ôm tiền tỷ của nhiều đối tác rồi trốn nã suốt 12 năm. Ly kỳ hơn nữa là trinh sát ra tay quá nhanh, quá gọn khiến doanh nghiệp với hàng trăm công nhân không hề hay biết.

Lập kỷ lục phá án mới

Một ngày bắt 3 đối tượng trốn nã ở 3 địa phương khác nhau, trong đó có đối tượng vừa được "đặt hàng" trong vòng 48 giờ là kỷ lục của Đội truy nã & truy tìm (Đội 6) Phòng Cảnh sát Hình (CSHS) Công an TPHCM vừa thiết lập vào ngày 3-3-2022. Tinh thần các tổ công tác rất phấn chấn - đó là chia sẻ của các trinh sát tham gia phá án.

Theo số liệu cập nhật thì từ ngày 15-2-2022 đến 3-3-2022, đơn vị đã bắt 12 đối tượng có lệnh truy nã của Công an TPHCM và các tỉnh thành khác. Trong đó, có không ít kẻ đã bị truy nã hơn chục năm, điển hình là Giám đốc Chu Đức Hậu, bị Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM ra quyết định truy nã từ tháng 9-2010 về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Nhiều năm qua, Hậu xóa sạch dấu vết, hóa thân trong vai nhân viên bảo vệ cho một công ty có vốn nước ngoài ở Bình Dương để né tránh pháp luật, nào ngờ vẫn bị trinh sát tìm ra sau 48 giờ nhận phân công nhiệm vụ. Tổ công tác thực hiện lệnh truy bắt Hậu chính là Tổ 3 Đội 6, do thiếu tá Nguyễn Thế Tiến làm tổ trưởng chỉ huy.

Tổ công tác đã hành động nhanh, gọn đến mức cả công ty không ai hay biết, không ảnh hưởng gì trong công việc. Đối tượng bị dẫn giải đi âm thầm giữa cái nắng trưa oi nồng của huyện Bến Cát, Bình Dương. Chia sẻ về việc làm này, tổ công tác cho biết lý do rất đáng trân trọng: "Đó là doanh nghiệp nước ngoài nên họ rất ngại ồn ào, xáo trộn và công an mình tôn trọng điều đó”.

Chu Đức Hậu

Vì sao Chu Đức Hậu (SN 1976, ngụ Q3) bị truy nã? Theo hồ sơ vụ án, Hậu là Giám đốc của Công ty TNHH TM, DV Hùng Tiến (trụ sở đóng ở phường 5, quận 3), chuyên về kinh doanh mua bán máy tính, linh kiện. Trong thời gian tại vị, Hậu đã gọi điện đến các công ty để mua máy tính xách tay, linh kiện máy tính. Sau khi thỏa thuận xong giá cả, hai bên nhất trí 7 ngày sau sẽ thanh toán tiền. Lợi dụng mối quan hệ này, Hậu chiếm đoạt hàng chục máy vi tính xách tay của 6 công ty trên địa bàn và 1 máy vi tính của nạn nhân khác.

Từ tháng 1 đến tháng 3-2008, Hậu đã lừa đảo Công ty TNHH Tin học Viết Sơn trên đường Nguyễn Thị Tần (phường 2, quận 8) do bà Phan Thị L. làm giám đốc, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong đó, Hậu chỉ trả được 17 triệu đồng, còn lại gần 300 triệu chiếm đoạt luôn rồi bỏ trốn. Ngày 25-10-2008, Công ty TNHH Tú Lộc (đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp) do ông Nguyễn Văn Lộc làm Giám đốc, ký hợp đồng đặt mua linh kiện máy tính với Công ty TNHH Hùng Tiến của Hậu với số tiền hơn 610 triệu đồng. Sau đó, Hậu ứng 200 triệu đồng nói là để mua linh kiện giao cho công ty ông Lộc.

Đến ngày 25-10-2008, Hậu chỉ trả cho ông Lộc được 30 triệu đồng còn lại 170 triệu, Hậu "ỉm" luôn. Trong những ngày tiếp theo, tức là ngày 27-10-2008 đến tháng 7 và 8-2008, Hậu liên tiếp lợi dụng mối quan hệ với các công ty khác để đặt và bán hàng chục máy vi tính loại đắt tiền, linh kiện máy tính... chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Sau khi nhận được hàng, bán lấy tiền rồi Hậu bỏ trốn.

Chưa hết, từ tháng 7 và 8-2008, Hậu lợi dụng quen biết đã vay ông Nguyễn Hữu Tuấn (ngụ quận 3) lần lượt là 17.000USD và 185 triệu đồng. Khi vay tiền, đối tượng nói để trả tiền nhập máy vi tính cho Công ty Hoàng Tiến do Hậu làm giám đốc và hứa trả cho ông Tuấn trong vòng 10 đến 30 ngày. Nhưng sau khi nhận được tiền, "giám đốc" Hậu đã chiếm đoạt luôn rồi bỏ trốn.

Theo điều tra của Công an TPHCM, tổng cộng Hậu đã chiếm đoạt là 24.057.5USD và gần 661 triệu đồng của nhiều công ty. Khi các nạn nhân tố giác, cơ quan công an xác minh thì Hậu không có mặt ở nơi thường trú hay công ty. Sau khi tiến hành đủ các bước xác minh theo quy trình, ngày 2-8-2010, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Chu Đức Hậu về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ngày 15-9-2010, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu) ra quyết định truy nã Hậu về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Sau 12 năm trốn chạy pháp luật, đối tượng cũng sa lưới lúc 10 giờ 15 ngày 3-3-2022, khi đang khoác áo bảo vệ công ty X. (xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương). Theo tài liệu của trinh sát, trong thời gian trốn nã, Hậu đi qua nhiều tỉnh thành, không ở lâu một chỗ vì sợ công an sẽ tìm ra. Phương thức trốn sâu của đối tượng là nhận làm ở các rẫy khuất sâu của tỉnh Bình Phước.

Gần đây, nhận thấy tháng rộng ngày dài, có lẽ sự việc xưa đã không còn nhiều người chú ý nên Hậu đầu quân làm nhân viên bảo vệ để kiếm sống và trốn tránh pháp luật tiếp. Nào ngờ lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát. Hiện Phòng CSHS đã bàn giao đối tượng cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu xử lý.

Đừng đi vào con đường... bế tắc

Hai đối tượng còn lại bị Đội 6 bắt trong ngày 3-3 là Phạm Thị Hoa (tên gọi khác là Vũ Thị Hoa, Hổng Ngọc) và Nguyễn Thị Phượng (SN 1988, quê Quảng Ngãi). Hoa bị Cơ quan thi hành án Hình sự Công an TPHCM ra quyết định truy nã từ tháng 7-2019, về hành vi "cướp tài sản" và bị Tổ 1, Đội 6 do trung tá Cao Cự Hòa (chỉ huy) bắt tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào lúc 15 giờ cùng ngày. Còn Phượng bị cơ quan CSĐT công an huyện Củ Chi ra quyết định truy nã vào tháng 1-2020, về tội danh "trộm cắp tài sản", bị Tổ 3, Đội 6 do thiếu tá Nguyễn Thế Tiến chỉ huy bắt vào 18 giờ ngày 3-3.

Nguyễn Thị Phượng và Phạm Thị Hoa

Theo quyết định truy nã, đến nay Phượng trốn được hơn 2 năm. Chia sẻ của Tổ 3 cho thấy, sau khi bắt giám đốc ôm tiền tỷ bỏ trốn là Chu Đức Hậu ở huyện Bến Cát xong, Tổ công tác liền thẳng tiến qua xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo, Bình Dương) luôn để bắt Nguyễn Thị Phượng. Tại sao việc phá án được nhanh cấp kỳ như vậy?

Thực ra với chuyên môn sắc sảo, chắc chắn, trước khi quyết định ra quân kéo lưới, Tổ 3 Đội 6 đã xác định cụ thể nơi trốn nã của các đối tượng. Đồng thời, mọi di biến động của các đối tượng đều nằm trong tầm kiểm soát của tổ công tác nên vấn đề là họ quyết định bố trí thời gian di chuyển như thế nào và "kéo lưới" ra sao mà thôi.

Tính từ khi Đội truy nã & truy tìm Phòng CSHS được thành lập vào tháng 3-2020 đến nay, đơn vị đã bắt gần 300 đối tượng có quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, số trốn nã mới được vài tháng không ít mà số đã trốn sâu, trốn kỹ từ 20-30 năm cũng rất nhiều.

Qua quá trình công tác, rất nhiều trinh sát chia sẻ cảnh báo: Thực ra với tội danh phạm phải, nếu tòa án xét không ít bị can, bị cáo chỉ phải chịu mức hình phạt vài năm tù. Thi hành án xong, cả quãng đời dài rộng còn lại mỗi cá nhân đều được sống tự do, tự tại. Thế nhưng không ít người vì quá lo sợ tù tội mà bỏ trốn rồi bị truy nã. Có đối tượng thời gian trốn nã vật vờ, khổ sở gấp 4-5 lần thời gian phải chịu án phạt. Ngoài ra, lúc về già, bị bắt thi hành án khi tuổi cao sức yếu mới thật khổ thay.

Chúng tôi khuyến cáo, số đối tượng đang trốn nã, đang bị truy tìm nên sớm nhận ra con đường sáng trở về đầu thú, trình diện sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Với nghiệp vụ sắc bén và nhiều điều kiện hỗ trợ tốt như hiện nay, dù đối tượng có tinh quái đến đâu rồi cũng sẽ bị bắt giữ. Do đó, nẻo sáng vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang