Cảnh giác:

Cô giáo trẻ bị ánh hào quang của anh công an 'dỏm' che mắt

Thứ Sáu, 17/06/2016 05:21

|

(CAO) Quê ở Hà Nam, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm vào năm 2015, Hoàng Thị Linh về làm giáo viên tại một trường trung học cơ sở tại quê nhà. Qua gặp gỡ trong lần giao lưu hội diễn văn nghệ, Linh quen biết một thanh niên tên Đào Văn Cường, mới ngoài ba mươi.

Cường giới thiệu mình làm công an ở Hà Nội, là giáo viên của một trường Trung cấp cảnh sát! Tình yêu đến nhanh, sau đó cả hai quyết định tiến tới hôn nhân.

Cưới nhau được 1 tháng (nhà trai chỉ có ông chú Cường cùng vài người bạn làm đại diện do cha mẹ Cường mất sớm). Cường bảo với vợ là được cơ quan cấp một căn phòng ở trong khu tập thể giáo viên của trường, tiêu chuẩn này dành cho những cán bộ độc thân, gia cảnh khó khăn nhưng khu tập thể này lại nằm trong khuôn viên trường, do đó không cho phép người ngoài vào. Đây cũng chính là lý do mà chưa bao giờ Cường dắt Linh về nơi làm việc. Linh vẫn tiếp tục ở lại quê dạy học, cô chỉ gặp lại chồng khi Cường tranh thủ thời gian đi công tác họăc nghỉ phép về thăm. Dù vậy, tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng.

Cô giáo Linh có chút nghi ngờ về chồng mình khi cô khi có thai và tới lúc cần ra Hà Nội để chờ sinh nở. Linh nói với Cường là khi sinh con phải lên Hà Nội sinh cho an toàn, đồng thời cũng là dịp xem nơi ăn ở, công tác của chồng thế nào vì cưới nhau lâu mà Linh vẫn chưa có dịp làm nghĩa vụ một nàng dâu bên gia đình chồng. Do đó, Cường phải sắp xếp thuê một căn phòng bên ngoài cho Linh ở vì: “Trong trường thì không thể nào đưa vợ vào được, đó là nguyên tắc của trường quy định “, theo lời Cường nói.

Đầu năm 2016, Linh lên Hà Nội ở chờ sinh và phát hiện Cường không đi làm như một cán bộ ngành công an mà Cường từng nói trước đây. Đồ đạc thì có mỗi bộ cảnh phục để hoài không thấy mặc nữa. Ngược lại, cứ chiều chiều Linh lại thấy chồng nghe điện thoại nói toàn về chuyện sửa sang điện nước gì đó, rồi lại lục đục xách túi đồ nghề cùng vài người bạn mang vác ống nước, dây điện đi sửa chữa đâu đó. Đôi lần gặng hỏi chồng nhưng Linh chỉ nhận được câu trả lời là vì muốn kiếm thêm tiền lo cho Linh sinh nở, lo cho con nên Cường phải làm thêm, còn quân phục thì để trong trường, có người giặt giũ.

Nhiều lần như thế, Linh sinh nghi ngờ nhiều hơn về chồng mình và quyết hỏi cho ra lẽ, thế là đôi bên bất hòa. Tuy vậy, Linh vẫn tin chồng mình là giáo viên trường trung cấp cảnh sát và anh đang trục trặc gì đó trong công tác nên chị nhủ thầm: “Thôi cứ để từ từ tính!”.

Sau khi sinh đứa con trai bụ bẫm, Cường định đưa Linh về quê, nhưng Linh nhất quyết đòi ở lại Hà Nội và mẹ con Linh lại trở về căn phòng nhỏ mà Cường thuê trong một khu chung cư phía ngoại thành Hà Nội. Cường thì vẫn cứ tiếp tục đi sửa điện nước kiếm tiền, Linh ở nhà lo chăm con và cơm nước. Chính có thời gian gần gũi và quan sát kỹ hơn nên Linh mới tra hỏi Cường lần nữa, lần này mâu thuẫn tăng lên nhưng Cường vẫn khư khư chối quanh với giọng gắt gỏng: “Cô không tin thì đi đi, để con cho tui, kiếm thằng công an như cô mơ ước đi”.

Sau hôm cãi nhau, Cường bỏ đi ra ngoài từ sáng sớm, chiều hôm đó Cường quay về và dẫn thêm hai người bạn. Vừa vô nhà, Cường la lối vợ um sùm, nhưng tay lại bồng con cưng nựng. Không để ý, Linh cũng xuống bếp lo cơm nước cho chồng và khách, tưởng nói thế thôi vì Cường đang chơi với con nên Linh cũng chẳng để ý gì. Nấu nương xong, Linh lên trên thì không thấy con đâu. Linh la lên và chạy báo công an vì sợ Cường bắt mất con mình.

Đồng chí trực ban hình sự ở công an phường xem hồ sơ xin tạm trú trước đó của Cường và cho Linh biết là chồng chị không phải là công an, mà là thợ sửa điện, ống nước. Linh chạy đến trường Trung cấp cảnh sát hỏi thăm thì cũng được ban quản lý trường cho biết, không có giáo viên nào tên Cường ở trường này. Cô giáo Linh cảm thấy như trời đất đổ sụp.

Sau khi được Linh trình báo, Trưởng công an phường báo ngay lên cấp trên và lực lượng công an nhanh chóng chặn bắt được Cường và hai thanh niên kia. Đứa bé được giao lại cho cô giáo Linh. Cường và hai người kia được đưa về đồn công an để xử lý. Nói về hai người mang con của Linh đi, đó là sự sắp xếp của Cường. Họ mang đứa bé ra ngoài để Cường mang về nhà ông bà nội của đứa bé ở Vĩnh Phú và Cường cũng dự định trốn luôn Linh.

Tại trụ sở công an, Cường khai nhận, anh ta nguyên là thợ sửa điện nước của một công ty chuyên buôn bán vật liệu và lắp ráp sửa chữa đường điện và ống nước tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một lần được phân công sửa điện nước tại một trường Trung cấp công an trên địa bàn Hà Nội, Cường có cơ hội tiếp xúc nên hiểu biết được phiên hiệu của một số đơn vị công an. Với bản tính muốn thể hiện mình, luôn cầu cao để lòe người khác, nhất là trong quan hệ với bạn bè và giao tiếp với các cô gái trẻ nên trong thời gian quen Linh, Cường tìm cho mình một bộ cảnh phục.

Kể từ khi gặp và quen được Linh, Cường luôn thể hiện mình là một người trong ngành công an và luôn tỏ ra nghiêm túc mỗi dịp gặp Linh. Đặc biệt mỗi lần về quê Linh, Cường luôn chỉnh tề với bộ cảnh phục của mình cùng với cách ăn nói chững chạc làm cho cô giáo Linh tin tưởng và đem lòng yêu thương anh “công an” trẻ.

Cường khéo léo thu xếp cho cuộc hôn nhân bằng màn kịch “mồ côi từ nhỏ” nên Linh càng thêm cảm phục vì tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên của chồng mình. Thời gian đầu lấy nhau, Cường vẫn đi đi về về với Linh, sau thì thưa dần vì Cường viện lý do công tác và bảo công tác ngành công an là phải như thế. Linh là cô giáo hiền lành, chất phác nên tin chồng tuyệt đối.

Thật đáng tiếc cho một cô giáo hiền đặt niềm tin nhầm chỗ. Với kẻ xem chuyện hôn nhân như một trò đùa, xem thường luật pháp khi dám giả danh một cán bộ công an để lừa bịp chính người bạn đời của mình. Một bài học đắt giá!

Bình luận (0)

Lên đầu trang