Cảnh giác thủ đoạn giả danh công ty tài chính để lừa đảo

Thứ Sáu, 31/05/2024 13:11

|

(CATP) Trong nhiều thủ đoạn tinh vi sử dụng công nghệ cao (CNC) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kiểu giả danh nhân viên công ty tài chính lừa cho vay tiền đang rộ lên. Qua một vụ có dấu hiệu lừa đảo đang được cơ quan công an thụ lý điều tra, truy tìm những nạn nhân đã sập bẫy, người dân cần tăng cường cảnh giác với thủ đoạn tinh vi này.

Ai là nạn nhân cần sớm trình báo

Ngày 30/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an Q.Tân Bình (TPHCM) cho biết: Đơn vị đang xác minh vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Công ty Mcredit). Qua đó, xác định đối tượng Hồ Minh Tân (SN 1993, HKTT: ấp 1, xã Xuân Quốc, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai; chỗ ở tại số 45/24 Cống Lở, P15, Q.Tân Bình, TPHCM) cùng đồng phạm thực hiện. Nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn giả danh nhân viên Công ty Mcredit gọi điện cho khách hàng đang xài thẻ tín dụng tại công ty này, vờ tư vấn, hỗ trợ kích hoạt thẻ, rút tiền mặt, hủy thẻ hoặc làm các thủ tục pháp lý không phát sinh phí thường niên..., rồi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mã OTP và thực hiện theo hướng dẫn của nhóm đối tượng. Sau khi nhận được mã OTP do nạn nhân cung cấp, các đối tượng lập tức thanh toán tiền qua giao dịch Shopee rồi chiếm đoạt.

Theo Cơ quan CSĐT - Công an Q.Tân Bình, do tin tưởng các đối tượng là nhân viên của Công ty Mcredit nên nhiều khách hàng đã cung cấp thông tin thẻ tín dụng, mã OTP và thao tác trên điện thoại theo hướng dẫn rồi mất tiền. Để phục vụ công tác điều tra, đề nghị những ai là nạn nhân có liên quan đến vụ việc trên liên hệ Cơ quan CSĐT - Công an Q.Tân Bình (địa chỉ số 340 Hoàng Văn Thụ, P4, Q.Tân Bình, TPHCM) để trình báo hoặc gặp Điều tra viên Trương Cường Thịnh (Đội Cảnh sát hình sự), ĐT: 028.3811.1147 để cung cấp thông tin, tài liệu.

Lợi dụng hình ảnh công ty tài chính

Cùng kiểu giả danh nhân viên công ty tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo phản ánh từ Công ty tài chính cổ phần Điện lực (viết tắt là EVNFinance), từ đầu tháng 8/2021 đến nay, Tổng đài Dịch vụ chăm sóc khách hàng của EVNFinance (Hotline: 19001066) đã tiếp nhận 269 trường hợp phản ánh của người dân. Bộ phận an ninh của EVNFinance đã liên hệ và trực tiếp làm việc với 109/269 trường hợp, ghi nhận các nội dung phản ánh về cùng một sự việc liên quan đến đối tượng mạo danh nhân viên của EVNFinance, sử dụng thương hiệu Easy Credit (một thương hiệu cho vay tiêu dùng của EVNFinance) để liên hệ những người dân có nhu cầu vay vốn, tư vấn các sản phẩm tín dụng thông qua các kênh kết nối bằng ứng dụng Zalo.

Một băng nhóm giả danh nhân viên tài chính vờ cho vay tiền để lừa đảo đã bị bắt giữ

Theo đó, các đối tượng đã "diễn một kịch bản" có các bước tiếp nhận, giả mạo xét duyệt cho vay hết sức tinh vi (sử dụng các câu hỏi nghiệp vụ tín dụng về mục đích cho vay, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ cư trú, nghề nghiệp, mức thu nhập....) nhằm tạo niềm tin cho người dân rằng các đối tượng đang cung cấp thông tin, sử dụng dịch vụ của một tổ chức tín dụng hợp pháp. Nhóm đối tượng đã gửi cho người dân các đường dẫn tới website, ứng dụng trên ĐTDĐ (có sử dụng hình ảnh, nhãn hiệu Easy Credit) do nhóm đó lập ra; hướng dẫn người dân thực hiện thao tác điền thông tin, đăng ký khoản vay và các thủ tục khác để hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng tại website, ứng dụng trên ĐTDĐ. Tiếp theo, các đối tượng khởi tạo một mẫu hợp đồng tín dụng cùng việc giả hình ảnh con dấu, sử dụng toàn bộ hình ảnh, logo, địa chỉ, đăng ký kinh doanh và các thông tin của EVNFinance, với mục đích giả mạo như một hình thức cho vay của tổ chức tín dụng để khách hàng ký kết hợp đồng vay.

Sau khi hoàn tất việc giao kết hợp đồng, nhóm đối tượng yêu cầu người dân chuyển trước một khoản phí tương ứng (từ 10 - 50% giá trị khoản vay) vào tài khoản ngân hàng được các đối tượng cung cấp tại thông báo tín dụng, viện cớ để xác thực thông tin ngân hàng của khách hàng. Thông báo tín dụng này cũng được nhóm đối tượng làm giả một cách tinh vi bằng cách sử dụng chữ ký qua hình chụp của người đại diện theo pháp luật của EVNFinance và hình chụp con dấu giả. Trường hợp người dân không hợp tác chuyển khoản phí xác thực theo yêu cầu, nhóm đối tượng dựng lên chuyện khoản vay đã được kích hoạt, tiền trong tài khoản của người dân sẽ bị trừ hàng tháng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xếp thông tin của người dân vào danh sách lừa đảo. Ngoài ra, các đối tượng còn dọa sẽ đăng thông tin cá nhân của người dân (thu thập trong quá trình thẩm định) lên các trang mạng xã hội và thông tin liên hệ trong danh bạ ĐTDĐ. Không ít nạn nhân lo lắng và chuyển khoản tiền để nộp phí theo yêu cầu của các đối tượng thì không nhận lại bất kỳ khoản tiền nào.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, EVNFinance đã đối chiếu, so sánh với hồ sơ nội bộ và nhận định rằng các hồ sơ vay mà người dân cung cấp là giả, công ty chưa từng tư vấn, cấp tín dụng đối với những khách hàng này. EVNFinance đã hướng dẫn những người dân bị lừa đảo trình báo vụ việc đến cơ quan công an, đồng thời EVNFinance thu thập hồ sơ, thông tin từ người dân (đã có 36 trường hợp bị lừa đảo, với tổng số tiền bị nhóm đối tượng chiếm đoạt là 1,5 tỷ đồng).

Vạch trần thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao

Chuyên đề Công an TPHCM đã nhiều lần phản ánh, cảnh giác đến bạn đọc và người dân về hàng loạt thủ đoạn sử dụng CNC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, thủ đoạn giả danh nhân viên các công ty tài chính đã được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ. Đó là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng nhắm vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn vay số tiền lớn nhưng lại gặp khó khăn do vướng nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính hợp pháp. Từ đó, các đối tượng mạo danh một số ngân hàng, công ty tài chính có thật tại Việt Nam, tạo lập website, ứng dụng trên ĐTDĐ, thuê đăng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lợi dụng thương hiệu, hình ảnh của công ty tài chính để chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an và Công an các địa phương thời gian qua liên tục cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Đáng lưu ý, các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng nghìn tài khoản trên mạng xã hội Facebook với nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (khoảng 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp, có nợ xấu vẫn vay được, không cần thế chấp tài sản, không thẩm định, chỉ cần chụp hình CMND hoặc CCCD và có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ATM là được vay... Khi có người liên hệ hỏi vay, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, hình chụp CMND, CCCD, hình chân dung...) để làm hồ sơ vay.

Sau khi dẫn dụ người vay chuyển tiền để hỗ trợ xác minh và duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện ra hàng loạt cớ khiến khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ (ghi sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên CMND, CCCD...). Các đối tượng yêu cầu người vay phải nộp thêm những khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại đủ sau khi khoản vay được giải ngân. Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiếp tiền vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp, các đối tượng lập tức chiếm đoạt và chặn liên lạc với nạn nhân.

Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, các nạn nhân không những bị mất tiền mà còn bị mất thông tin bí mật cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị kẻ xấu lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ: đăng ký sim điện thoại không chính chủ, đăng ký mở tài khoản ngân hàng online, ví điện tử nhằm phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến...

Cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhiều biện pháp phòng tránh để người dân không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Theo đó, người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Khi có nhu cầu vay tiền cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ở địa phương nơi mình đang cư trú để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Đặc biệt, cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính và tư vấn viên thuộc công ty tài chính hợp pháp trước khi tiến hành các thủ tục vay vốn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang