Mạo danh cán bộ Bảo hiểm xã hội để lừa đảo

Thứ Năm, 23/05/2024 14:10

|

(CATP) Vừa qua, ngành Bảo hiểm xã hội tại huyện Hóc Môn nói riêng và TPHCM nói chung đã nhận được nhiều phản ánh của người dân (ND), người lao động (NLĐ) về việc một số đối tượng yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân như số căn cước công dân (CCCD) hoặc địa chỉ email trên ứng dụng VssID (BHXH) nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, những đối tượng này cũng yêu cầu người dân kết bạn Zalo để hướng dẫn điều chỉnh thông tin, nhằm mục đích khai thác thông tin cá nhân của người dùng. Trước tình trạng trên, BHXH huyện Hóc Môn khẳng định không có chủ trương yêu cầu NLĐ cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID, đồng thời khuyến cáo ND và NLĐ cần nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.

Điển hình, khoảng đầu tháng 5/2024, anh N.T.H (ngụ H.Hóc Môn) nhận được điện thoại của người đàn ông tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH huyện Hóc Môn thông báo hồ sơ BHXH của anh cần phải đồng bộ dữ liệu CCCD và yêu cầu lên cơ quan BHXH huyện để cập nhật lại thông tin. Lát sau, người này gọi lại hỏi anh H. có sử dụng phần mềm VssID không. Tưởng thật, anh H. liền trả lời có.

Tiếp đến, người này hướng dẫn anh không cần lên cơ quan BHXH huyện, chỉ gọi vào số điện thoại khác để cập nhật online... Chừng vài phút sau, người này tiếp tục gọi lại và nói đang bận xử lý công việc nên sẽ chuyển hồ sơ của anh H. cho người khác để hỗ trợ cập nhật thông tin. Đến đây, anh H. cảm thấy nghi ngờ nên gọi điện thoại tới cơ quan BHXH huyện Hóc Môn để xác minh lại thông tin thì phát hiện suýt "sập bẫy" kẻ gian.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phát đi nhiều thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ quan, viên chức và NLĐ thuộc cơ quan BHXH để lừa đảo ND. BHXH Việt Nam đã gửi các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và thông tin rộng rãi tới ND, NLĐ. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, ND chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVC), các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu cá nhân. Lợi dụng việc này, thời gian gần đây nhiều đối tượng mạo danh là cán bộ BHXH Việt Nam đã gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN yêu cầu ND đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID - BHXH số.

Tin nhắn mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội

Theo BHXH TPHCM, với mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi của ND và NLĐ, BHXH TPHCM thông báo chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh: Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm x ã h ội TPHCM: https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn/; các trang mạng xã hội của Bảo hiểm xã hội TPHCM như Fanpage Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/hcmbhxh, Zalo official account: Bảo hiểm xã hội TPHCM, ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số", tổng đài chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hotline: 1900.9068; gửi thư đến địa chỉ email: truyenthong.hochiminh.vss.gov.vn; cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố và các quận, huyện.

Để tránh chiêu lừa đảo nêu trên, BHXH huyện Hóc Môn khuyến cáo ND, NLĐ cần cảnh giác trước các cuộc gọi, không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID; tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn.

Liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, ngày 10/5/2024, Công an TPHCM còn cảnh báo người dân về chiêu trò lừa đảo mới giả danh TAND TPHCM gửi quyết định, thông báo giả mạo cho ND. Theo ghi nhận, nhiều ND đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo tinh vi khi sử dụng các quyết định, thông báo giả mạo của TAND TPHCM. Những đối tượng này đã làm giả các văn bản như quyết định công nhận thuận tình ly hôn, quyết định tuyên bố người đã chết, thông báo thụ lý vụ án, thông báo xác nhận đơn khởi kiện...

Tình trạng này đã được TAND TPHCM phát hiện và thông báo đến Công an TPHCM. Khi ND đến tòa án để tra cứu hồ sơ theo các văn bản giả mạo, cơ quan chức năng đã xác nhận đây là những quyết định, thông báo hoàn toàn giả mạo. Trước thực trạng trên, TAND TPHCM khuyến cáo ND tuyệt đối không nên tin tưởng vào những thông tin giả mạo này. Để nhận các quyết định, thông báo chính thức từ tòa án, ND cần liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng. Khi tòa án tống đạt văn bản, họ sẽ có biên bản tống đạt cho đương sự.

Qua các vụ việc trên, Công an TPHCM đưa ra lời cảnh báo để ND đề cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là những tin nhắn liên quan đến cán bộ các cơ quan Nhà nước. ND không nên thực hiện bất kỳ giao dịch nào, cung cấp thông tin cá nhân hay làm theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang