Chiêu lừa thông báo dấu tay bị mờ, cần cài định danh điện tử mức 3

Thứ Ba, 28/05/2024 09:02

|

(CATP) Sáng 25/5, người dân ngụ tại Quận 12 (TPHCM) phản ánh đến Công an Quận 12 về việc, đối tượng tự xưng tên Long, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Quận 12 thông báo với công dân rằng "dấu vân tay bị mờ". Tiếp đó, Long yêu cầu người dân phải lấy lại dấu vân tay, phục vụ cho việc chuẩn bị cài đặt định danh điện tử mức 3. Chưa dừng lại, đối tượng hướng dẫn họ đợi điện thoại, có cán bộ khác từ Phòng QLHC về TTXH Công an TPHCM liên hệ hướng dẫn. Nghi gặp phải đối tượng xấu, người dân đã gọi điện trình báo cơ quan Công an.

Liên quan sự việc này, Công an Quận 12 khẳng định: Cơ quan Công an tuyệt đối không thông báo các lỗi liên quan đến định danh điện tử, căn cước công dân... Cũng như không làm việc với công dân qua điện thoại, mà chỉ làm việc trực tiếp tại trụ sở đơn vị. Cơ quan Công an đang triển khai đến người dân đăng ký định danh điện tử mức 2. Đề nghị người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lạ mặt; không truy cập vào các đường link lạ, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản. Đồng thời, người dân ghi âm cuộc gọi và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Trước đó, rất nhiều nạn nhân "dính bẫy" bọn lừa đảo giả công an yêu cầu kích hoạt VNeID, gây thiệt hại tiền tỷ. Theo đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng hình thức gọi điện thoại đến người dân, giả danh Công an để hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID. Thực tế, bọn chúng dùng ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cập nhật thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử.

Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân, đọc tài khoản ngân hàng, đọc tin nhắn chứa mã OTP...). Từ đó, các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân. Tiếp đó, chúng thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Đáng lưu ý, ngoài việc giả danh Công an cài đặt VNeID, chúng còn dùng thủ đoạn thông báo cho người dân biết tài khoản ngân hàng của họ có liên quan đến các vụ án hình sự và đường dây tội phạm về ma túy, rửa tiền. Chúng đe dọa người dân rằng, hiện cơ quan Công an đang thi hành lệnh bắt tạm giam đối với họ để điều tra. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ Internet Banking và cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, để chúng thực hiện rút tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Người dân cần cảnh giác chiêu trò giả danh Công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (giả mạo) nhằm lừa đảo

Một cán bộ công an phường tại TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố đang xuất hiện tình trạng đối tượng lừa đảo, điện thoại cho người dân tự xưng là trực ban công an phường, công an quận, cảnh sát khu vực, cán bộ ủy ban phường yêu cầu người dân ra trụ sở công an phường khắc phục đồng bộ VNeID mức 2 (lý do là bị lỗi). Cụ thể, đã xảy ra vụ việc liên quan đến lừa đảo giả mạo công an phường hướng dẫn làm định danh điện tử mức 2 và nạn nhân đã bị mất 920 triệu đồng.

Những đối tượng này cố tình báo gấp để người dân bị động. Sau đó các đối tượng hướng dẫn cài đặt phần mềm có logo VNeID giống như thật, yêu cầu cung cấp khuôn mặt, vân tay và số điện thoại. Sau khi cài đặt, các đối tượng này nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát điện thoại và thực hiện chuyển hết tiền từ tài khoản trong máy, không cần đến số tài khoản hay mã OTP. Hiện cảnh sát khu vực đang mời gọi công dân làm định danh mức 2 bằng cách trực tiếp xuống nhà hoặc gọi điện thoại mời đến trụ sở làm việc.

Việc xác thực định danh mức 2 chỉ thực hiện tại trụ sở công an phường, không thực hiện online. Người dân tuyệt đối không nghe lời các đối tượng mạo danh cán bộ công an phường hướng dẫn qua điện thoại. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lỗ hổng trên một số trang web có đuôi .gov.vn hoặc com.vn để cài blacklink dowload app khiến người dân hiểu lầm là ứng dụng của các trang mạng chính thống. Từ đó, người dân có tâm lý chủ quan tải về trên điện thoại và máy tính.

Qua quá trình theo dõi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an TPHCM cơ bản xác định đối tượng phạm tội thường sử dụng phương thức, thủ đoạn là tạo lập các website, trang, hội nhóm để tiến hành dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động phạm tội. Theo đó, ban quản trị, thành viên tham gia phần lớn có liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật. Các đối tượng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thường sử dụng các công cụ, thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chiếm quyền quản trị tài khoản của cá nhân, tổ chức... Sau đó nhắn tin về người thân, gia đình, bạn bè, đối tác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này cũng tạo lập các hội, nhóm để làm nơi dẫn dụ nạn nhân tham gia các hoạt động kiếm tiền trực tuyến, đầu tư tài chính, vay tiền trực tuyến; mạo danh, sử dụng thông tin, hình ảnh của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, một số đường dây tội phạm là người nước ngoài đã móc nối, thuê các đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, các đối tượng có xu hướng chuyển dịch, sử dụng địa bàn, hạ tầng công nghệ viễn thông tại Việt Nam để tổ chức, điều hành các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia như đánh bạc, cá cược thể thao, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Trước tình hình trên, Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý các hoạt động sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, từ đầu năm 2024 đến nay đã khởi tố 18 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang