(CATP) Ngày 19-1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra thông báo truy tìm đối tượng liên quan tố giác "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang điều tra, xác minh tố giác về tội phạm "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", do các đối tượng chưa rõ lai lịch thực hiện, bằng thủ đoạn thành lập các website: www.tailoc888.com, www.qxia68.com, www.qtrj.ssdh5.com, www.nasdaq666.com, huy động vốn bằng tiền mặt, dùng đặt đơn hàng ảo, hưởng tiền hoa hồng từ các ứng dụng mua bán online (Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, Taobao, Sendo).
Quá trình thực hiện, các đối tượng cung cấp tài khoản số 04101014973426 mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) mang tên Lương Thị Thanh Loan (SN 1974, trú 325/4 Hòa Hảo, P4Q10), để các bị hại chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt, được phát hiện năm 2020 tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Hiện Loan không có mặt tại địa phương.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM yêu cầu Lương Thị Thanh Loan hoặc ai biết đương sự đang ở đâu, liên hệ ngay Cơ quan CSĐT ở số 459 Trần Hưng Đạo (Q1), gặp điều tra viên Lê Văn Sáng, ĐT: 0989.681.964 để phối hợp điều tra làm rõ.
Trước đó, ứng dụng Tailoc888.com đã liên tục quảng cáo về việc người chơi có thể làm giàu nếu tham gia "mua hàng hộ" hay còn gọi là giật đơn trên ứng dụng này. Người chơi có thể tải app "Tailoc888" về điện thoại hoặc giao dịch qua trang web tailoc888.com để đăng ký tài khoản. Ứng dụng này được quảng cáo là app "quét" đơn mua hàng hộ cho khách hàng tại Shopee, Lazada, Tiki, Amazon. Trong các clip quảng cáo, ứng dụng tự giới thiệu là một hệ thống chi phối đơn hàng cho hàng nghìn thương gia, giúp các thương gia cung cấp đơn đặt hàng, thu về hàng tỷ tiền hoa hồng.
Trong các clip trên mạng, ứng dụng Tailoc888 quảng cáo nếu "giật đơn" trên Tiki sẽ được hưởng hoa hồng 0,25%, trên Shopee gói thường hưởng 0,3%, Shoppe gói Vip hưởng hoa hồng 0.5%, trên Lazada hưởng 0,35%. Tuy nhiên, muốn "giật đơn", người tham gia phải bỏ tiền thật để mua các gói tham gia. Gói 1 sơ cấp nạp 390.000 đồng, được giật 40 đơn. Gói 2 cao cấp nạp 990.000 đồng, được giật 50 đơn. Gói 3 Vip nạp 1.890.000 đồng, được giật 60 đơn. Sau khi "giật đơn" hàng thành công, tiền mua hàng và hoa hồng sẽ được chuyển về tài khoản để người tham gia có thể giật các đơn khác.
Chị M. biết ứng dụng tailoc888 qua một người bạn giới thiệu. Người này cũng nhiều lần "giật đơn" thành công và rút được tiền hoa hồng. Giữa tháng 9-2020, chị nạp tiền 1.980.000 triệu đồng mua gói Vip để giật 60 đơn, sau đó nạp thêm 15 triệu đồng để mua hàng. Ngày đầu tiên chị "giật đơn" được 630.000 đồng tiền hoa hồng, tương tự ngày thứ 2 cũng vậy. Chị đã đặt lệnh để rút số tiền hoa hồng của 2 ngày trên nhưng chưa kịp lấy được tiền, ngay đêm thứ 3 ứng dụng đã bị sập, không còn truy cập được. Một nạn nhân khác cũng không giấu được lo lắng khi cho biết số tiền vài chục triệu đồng đầu tư vào ứng dụng tailoc888 là tiền đi vay lãi cao bên ngoài. Giờ ứng dụng này sập, họ chưa biết lấy tiền đâu để trả nợ.
Tương tự những trang www.nasdaq666.com, www.qxia68.com, www.qtrj.ssdh5.com... cũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức trên. Hầu hết những nạn nhân đã tố cáo công an. Con số các nạn nhân lên tới hàng chục ngàn người. Sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh thì phía đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, đây là trường hợp lừa đảo, lợi dụng sơ hở để có thông tin khách hàng, làm điều phi pháp. Khi phát hiện, ngân hàng thương mại phải xử lý, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết có 37 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được phép hoạt động. Theo quy định, các tổ chức này phải đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng, tuân thủ quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ TT&TT đang rà soát xây dựng hành lang pháp luật, đảm bảo chặt chẽ an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ngăn chặn việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để lừa đảo. Về phía tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần cảnh báo, đưa ra nhiều hình thức dễ bị lừa đảo.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 23 ban hành từ năm 2014 về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Dự kiến ban hành trong năm nay. Dự thảo thông tư này trao quyền cho tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với điều kiện phải đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng.