Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Chế tài rõ ràng trong xử lý vi phạm

Thứ Năm, 23/06/2022 09:02

|

(CATP) Ngày 22-6, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đã ra quyết định tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng, nhằm phục vụ công tác điều tra vì có nhiều tình tiết phức tạp. Bên cạnh đó, vụ án tương tự cũng được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chuyển đến Công an TPHCM nhập chung vào vụ án bà Hằng, nên cần thời gian tạm giam đối với bị can này.

Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp

Theo Cơ quan CSĐT, trong quá trình điều tra từ ngày khởi tố, bắt tạm giam (3 tháng) đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can này trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản lý và sử dụng 12 kênh mạng xã hội, cũng như chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật cho bị can Hằng thực hiện các lần livestream không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đời tư nhiều cá nhân... Đến nay, Cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục lấy lời khai, điều tra mở rộng để xem xét vai trò đồng phạm của một số cá nhân và chủ kênh YouTube.

Về xử lý hành chính, các cơ quan của TPHCM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát và ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết trên Facebook, 439 video trên YouTube và 573 video trên TikTok. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng đối với các hành vi như phát tán, truyền đưa, lưu trữ những thông tin có nội dung chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, gây ảnh hưởng đến an toàn trật tự - xã hội và an ninh thông tin, thông tin sai sự thật, vu khống...

Cũng theo Công an TPHCM, ngày 22-4-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" liên quan đến 6 cá nhân tố cáo bị can Nguyễn Phương Hằng. Theo 6 đơn tố cáo này, Nguyễn Phương Hằng nhiều lần livestream gọi tên và nói những lời lẽ thô tục, đưa ra những thông tin không đúng sự thật để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín... của họ cũng như người thân. Sau đó, Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ án lên Công an TPHCM nhập vào vụ án Nguyễn Phương Hằng đang được Công an TPHCM điều tra.

Do vụ việc cùng nội dung, tính chất, người tố cáo và người bị tố cáo với vụ án mà Công an TPHCM đang giải quyết, nên Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển đến nhập chung vào cùng vụ án để Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang thụ lý điều tra. Cụ thể, ngày 24-3-2022, Công an TPHCM đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), để điều tra về vì hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác...

Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị bắt tạm giam

Dư luận lên án mạnh mẽ, trong đó nhiều cử tri bức xúc cho rằng trường hợp "gần gũi" với bà Nguyễn Phương Hằng và có những lời lẽ xúc phạm người khác, đó là ông Đặng Anh Quân (hiện là tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM), mặc dù ông này đang làm công tác giáo dục, dạy dỗ, hướng dẫn sinh viên lại có những phát ngôn thiếu chuẩn mực...

Đơn cử, ca sĩ Vy Oanh, người đã gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng và một số người khác liên quan đến các hoạt động livestream, trong đó có tiến sĩ Đặng Anh Quân, cùng một luật sư khác... Trong đó, bà Hằng là người chửi bới nặng nề. Còn những vị khách mời tung hứng, moi móc, chế giễu đối với ca sĩ Vy Oanh.

Không dừng lại ở đó, sau khi bà Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thực hiện các quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bắt tạm giam bị can đối với bà Hằng, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, cho rằng sau khi Công an TPHCM khám xét nơi ở, bà Hằng đã "được thả về và chỉ bị phạt hành chính".

Vào thời điểm sau khi khởi tố vụ án, khởi tố thi hành lệnh bắt tạm giam bị can, Công an TPHCM khẳng định thông tin bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại, được bảo lãnh hay bà này chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng... đăng tải trên mạng là sai sự thật.

Hiện Công an TPHCM đang mở rộng điều tra, đã mời làm việc với một số người đã tiếp tay, có dấu hiệu đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng. Đó là các trợ lý được bà Hằng giao quản lý 12 kênh, trang mạng xã hội, những người tư vấn, soạn thảo kịch bản để bà Hằng nói trong các buổi livestream, các khách mời tham gia các buổi livestream, các YouTuber...

Chế tài rõ ràng trong xử lý vi phạm

Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi lộng ngôn, cho mình quyền lực ảo trên mạng xã hội là rất nguy hiểm mà vụ án như nêu trên.

Hiện nay, có thể nhắc lại để nhiều người quan tâm bởi các chế tài, xử phạt đề ra là rất rõ ràng khi tham gia trên mạng xã hội. Cụ thể là theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực "bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Thu giữ nhiều tài liệu khi khám xét nhà bà Hằng

Đối với trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Chưa hết, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, như buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, người phạm tội có thể bị phạt tù... Bên cạnh đó, trường hợp vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật, các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 17-6-2021 đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT về "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội".

Nội dung "Bộ Quy tắc" có 3 chương, 9 điều nhằm quy định rất chi tiết và cụ thể về các hành vi ứng xử, nhằm chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên không gian mạng, khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. "Bộ Quy tắc" thể hiện tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội trong nước, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

"Bộ Quy tắc" xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh trên không gian mạng internet. Trường hợp những ai để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đề nghị khởi tố những người giúp sức cho bà Hằng vi phạm pháp luật

Cũng trong ngày 22-6, nguồn tin của báo Công an TPHCM cho biết, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (tức ca sĩ Vy Oanh) và nhà báo Hàn Ni đã gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị khởi tố một số cá nhân có vai trò đồng phạm, giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng livestream vu khống, xúc phạm danh dự người khác.

Theo đó, Vy Oanh đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM điều tra và xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Đặng Anh Quân; nhóm ê-kip hậu trường các buổi livestream của bà Phương Hằng, gồm: ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi); nhóm những cá nhân (chủ kênh YouTube) tham gia phát tán, đăng tải các video ủng hộ bà Hằng gồm bà Bùi Thanh Quỳnh Như (kênh Lang thang đường phố), Jimmy Huỳnh, chủ kênh YouTube Anh Nông Dân, chủ kênh YouTube Chinh Lê, Long Ngô về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vu khống, làm nhục người khác.

Nhà báo Hàn Ni có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố bà Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Huỳnh Công Tân, Đặng Anh Quân, Võ Minh Điền về hành vi trên. Bà Hàn Ni cho rằng những cá nhân trên đã có hành động hỗ trợ tổ chức, giúp sức, cổ vũ, phát tán cho hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng. Hiện Công an TPHCM tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để làm rõ vai trò của các cá nhân liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang