(CATP) Các bến xe khách liên tỉnh tại TPHCM nhiều năm nay không chỉ xảy ra tình trạng tranh chấp "lãnh địa" dai dẳng của các tài xế xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, mà còn là nơi gây ra nhiều phiền toái cho hành khách có nhu cầu đi lại bằng xe ôm công nghệ.
Từ tranh chấp bến bãi
Hiện nay, việc sở hữu điện thoại thông minh rất phổ biến, giao dịch thương mại, kể cả ứng dụng gọi xe công nghệ khá dễ dàng. Ở các đô thị, có thể thấy số người đi xe ôm, taxi công nghệ có tỷ lệ áp đảo xe ôm, taxi truyền thống. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nghề xe ôm truyền thống đã mai một.
Tại các bến xe khách liên tỉnh, lực lượng đón khách chủ yếu vẫn là xe ôm truyền thống. Do đặc thù riêng, xe ôm công nghệ hầu như không lấy các bến xe này làm "đại bản doanh", mà có thể tá túc bất kỳ địa điểm nào trên các tuyến phố. Trong khi đó, không ít tài xế xe ôm truyền thống cậy quyền, mặc nhiên coi bến xe khách là "lãnh địa riêng" của mình. Bất đồng ngày càng tăng khi nhiều hành khách lựa chọn xe ôm công nghệ vì giá rẻ hơn nhiều, tài xế xe công nghệ có thêm thu nhập, ngược lại tài xế xe ôm truyền thống càng ngày càng mất khách.
Ngày 7-6-2020, sau khi đi du lịch từ Vũng Tàu về, các nhân viên của một ngân hàng ở Q10 được nhà xe Hoa Mai đổ khách tại số 81 Nguyễn Thái Bình (Q1). Mặc dù họ đã đặt xe Grap trước, nhưng lúc này có nhóm xe ôm truyền thống chạy đến giành khách. Sau khi từ chối, chị Thái Ngân (ngụ Q.Gò Vấp) bị một tài xế tuổi trung niên, dáng dấp có vẻ "anh chị”, hăm dọa: "Chỗ này không được ai đón khách đâu! Tốt nhất là về đâu thì tôi chở tận nhà”.
Tài xế xe ôm truyền thống và tài xế xe ôm công nghệ thường tranh giành khách trước cổng Bến xe An Sương
Không hiểu có phải vì vậy mà sau đó, một số đồng nghiệp của chị Ngân gọi mãi mà vẫn không thấy xe ôm công nghệ mình đặt trước chạy đến. Nghe theo lời chỉ dẫn qua điện thoại, nhóm chị Ngân phải đi bộ khoảng 100m mới được xe đặt trước tới chở. Chị Ngân được tài xế giải thích rằng mặc dù không có quy định nào cấm, nhưng hầu hết xe ôm công nghệ đến đây đón khách đều bị người khác kiếm chuyện, làm khó. Một số bác tài liều lĩnh đến đón khách, phải rời đi thật nhanh để tránh gặp họa. Không ít lần đã xảy ra cãi vã, thậm chí xô xát trên tuyến đường Nguyễn Thái Bình.
Mất mát khó lường
Đó cũng là tình trạng tồn tại nhiều năm nay ở phòng vé của nhà xe Phương Trang tại phường Phạm Ngũ Lão (Q1), nhà xe Quốc Hoàng (số 45 Phạm Hữu Chí, Q5), giữa tài xế xe ôm truyền thống và tài xế xe ôm công nghệ. Như "luật bất thành văn", nhiều tài xế xe công nghệ dù có hợp đồng trước với khách, nhưng khi đến đây đón thì đều ngán ngẩm vì sự hăm dọa của "đối thủ” theo kiểu: "Bến của tụi tao, ai cho mày đậu? Liệu hồn cút xéo mau!".
Các bến xe, bệnh viện, trường học, nhà ga, sân bay luôn là những "điểm nóng" chưa bao giờ hạ nhiệt, hai loại hình xe ôm trên thường xuyên xảy ra tranh chấp. Cũng từ đây, nhiều cuộc cãi vã tay đôi diễn ra căng thẳng. Nếu một trong hai bên (thường là bên xe công nghệ) biết nhường nhịn thì cuộc cãi cọ sớm kết thúc. Còn không ai nhường ai thì xung đột từ "võ mồm" giữa chốn đông người, sau đó là đánh nhau sứt đầu, mẻ trán bằng vũ lực.
Người dân trước cổng các Bệnh viện Ung bướu, Chợ Rẫy, Trung tâm Medic Hòa Hảo hàng ngày vẫn thường chứng kiến những xung đột xảy ra giữa 2 bên xe ôm mặc thường phục và đồng phục. Tương tự, Công an xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) đã phải nhiều lần đứng ra giải quyết, dàn hòa và cả lập biên bản xử phạt các tài xế.
Cảm thấy mình yếu thế theo kiểu "đò dọc phải tránh đò ngang", nhiều tài xế xe ôm công nghệ nảy sinh ý định trả thù. Không ít bác tài thủ cả dao, kéo, dũa, tuốc-nơ-vít trong cốp xe, nhằm phòng thân hoặc để... gây hấn với đối phương. Các cuộc xô xát này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt có trường hợp tử vong. Tình trạng trên gây hoang mang cho dư luận. Nhiều cái chết vô cớ của tài xế còn gây ra sự mất mát cho gia đình và tổn thất cho xã hội.
Ngày 14-6-2020, người dân sống gần cổng Bến xe An Sương (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) thấy 2 người đàn ông cãi nhau. Sau đó, 1 người bị đâm, gục tại chỗ. Nạn nhân là anh Mai Thanh Tú (SN 1977, ngụ H.Hóc Môn). Sau khi gây án, hung thủ nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Được biết, anh Tú chạy xe công nghệ 4 chỗ, thường chở khách ở khu vực Bến xe An Sương. Đến tối 15-6, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, nghi phạm Lê Đăng Xuân (SN 1977, ngụ Tây Ninh) đến Công an xã Bà Điểm đầu thú, khai nhận đã đâm anh Tú.