Những ngày qua, thông tin về việc Cơ quan CSĐT Công an Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt tạm giam Bùi Thị Mai Liên (SN 1974, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng, vợ ông Đoàn Xuân Sơn - SN 1972, Giám đốc sở này) cùng 3 bị can là cán bộ 2 phòng công chứng, gây xôn xao dư luận tại Đà Lạt.
Từ hơn một tháng trước, những ồn ào xung quanh bà Liên về việc làm ăn, vay nợ, xù nợ hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận bàn tán không ngớt.
Số tiền hàng trăm tỷ đồng đi đâu để đến nỗi một gia đình tưởng như không thiếu gì: sức khoẻ, tuổi trẻ, công việc, điều kiện kinh tế... phải vướng vòng lao lý, đánh đổi cả danh dự, uy tín?
Bùi Thị Mai Liên
Thông tin chúng tôi được biết, từ khoảng năm 2015, bà Liên bắt đầu kinh doanh bất động sản và tỏ ra "mát tay", sở hữu khoảng trên 10 bất động sản gồm 2 căn nhà, 9 mảnh đất.
Sau đó bà Liên cuốn theo, mua lô đất lớn hàng héc-ta tại khu Măng Lin (P.7, Đà Lạt), phân thành 51 lô. Bà Liên đi học thạc sĩ, khoe với mọi người về việc cả vợ và chồng sẽ lên chức cao nữa. Có thông tin, quá trình học thạc sĩ, bà Liên quen một nhóm bạn, họ rủ đầu tư vào một khu du lịch ở Quảng Ninh sẽ 'trúng đậm" nên bà này lao theo.
Lợi dụng vị trí nghề nghiệp, chức vụ của bản thân và chồng là Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, sau khi mang hết khối tài sản có được đi cầm cố, thế chấp ngân hàng vay nhiều tỷ đồng, bà Liên tiếp tục mang 51 lô đất ở Măng Lin chưa làm được sổ ra "dụ" các chủ nợ, hứa hẹn làm sổ... để nhận tiền đặt cọc, bán đất, vay nợ nhiều nơi, thậm chí vay lãi "nóng", "lấy chỗ này đắp chỗ kia".
Không rõ số tiền bà Liên đã đầu tư bao nhiêu ở Quảng Ninh hay còn ở đâu khác, tiền còn hay mất, nhưng từ chỗ là "đại gia bất động sản", từ năm 2018, bà Liên trở thành con nợ của rất nhiều người. Ông Sơn tham gia ký giấy vay 2 món nợ cùng vợ.
Ngoài ra, nhiều bị hại, người cho vay, cho biết, trong những cuộc "xuống tiền", bà Liên dùng hành vi gian dối, hứa hẹn sẽ có cả vợ cả chồng cùng ký giấy vay nợ, nhưng sau đó bà này "nại" nhiều lý do chồng không đến được và ký giấy nợ một mình.
Nhiều bị hại cho biết, sau khi vỡ lở mới biết đất ở Măng Lin của bà Liên nhiều lô nằm dưới vực sâu heo hút, nhưng trước đó, do tin tưởng, bị bà Liên cho ăn "bánh vẽ", chỉ những lô đất đẹp, bằng phẳng nên tin tưởng giao tiền cho vay hoặc đặt cọc mua đất.
Có những tài sản, vợ chồng bà Liên đã thế chấp vay ngân hàng, nhưng bà Liên vẫn cầm sổ photo công chứng, hứa hẹn bán tài sản cho người khác, nhận số tiền lớn, tương đương giá trị tài sản, sau đó chuộc sổ ra và... đem bán cho người khác.
Một số cán bộ ngân hàng đã tiếp tay nâng khống giá trị tài sản cho bà Liên vay tiền vượt mức giá trị thực tài sản. Trong các cuộc mua bán, lập hợp đồng công chứng sang nhượng tài sản có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi, có sự giúp sức của 3 công chứng viên đã cùng bị bắt tối 15-6 với Liên.
Đến nay, thông tin được biết, nhiều bị hại của Liên đã khởi kiện đòi tài sản đến TAND TP.Đà Lạt và gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Trong đó, nhiều đơn kiện nêu đích danh cả ông Đoàn Xuân Sơn.
Trong số đơn tố cáo vợ chồng bà Liên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các bị hại gửi đến Công an tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo Tỉnh uỷ, có bà Hồ Thị V. (trú P.8 - Đà Lạt, vợ của nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Lâm Đồng).
Bà V. tố cáo vợ chồng Liên, thông qua người cháu của họ là công chứng viên Bùi Hữu Quang Luận (bị can bị bắt chung trong vụ án với Liên, tối 15-6), đã lập hợp đồng chuyển nhượng cho cho vợ chồng bà V. căn nhà tại địa chỉ 11B Nguyễn Văn Cừ, phường 1 - Đà Lạt giá 11,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản này trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng, đã thế chấp ngân hàng và còn mang cầm cố vay tiền của nhiều người khác.
Ngoài ra, có bà Trương Thanh L. cùng ông Đặng Nguyễn Anh Kh. (trú xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng) tố cáo vợ chồng bà Liên cùng Luận lừa gần 14 tỷ đồng, ông Đỗ Văn K. (trú đường Trần Quang Diệu, P.10 - Đà Lạt), tố bị bà Liên lừa chiếm đoạt 17,5 tỷ đồng...
Thời điểm Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt giam các bị can tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng
Ông Trần Đình Văn - Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng, cho biết, Tỉnh uỷ có nhận được đơn tố cáo của bà Hồ Thị V. cùng chồng tố cáo vợ chồng bà Liên, ông Sơn. Tỉnh đã chuyển đơn, đề nghị Công an tỉnh làm rõ. Do ông Sơn là giám đốc một sở, thuộc sự quản lý của UBND tỉnh nên việc xử lý thế nào với ông Sơn thuộc thẩm quyền của UND tỉnh. Vụ việc hiện đang do các cơ quan chức năng là Cơ quan điều tra và Toà án thụ lý, xử lý theo tin báo tố giác tội phạm, đơn kiện của những người liên quan, thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng.
Mọi việc đều được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ai có thể can thiệp, làm trái sự thật. Mọi hành vi làm ẩu, vi phạm pháp luật đều phải được làm rõ. Có kết quả về toàn bộ vụ án, vụ việc, sai phạm cụ thể của cán bộ đến đâu, Văn phòng sẽ báo cáo lãnh đạo Tỉnh uỷ để xử lý nghiêm minh, không dung túng.
Theo Đại tá Lê Vinh Quy - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, vụ án đang được điều tra, làm rõ. Ông cho biết, một thời gian nữa, khi có kết luận rõ ràng về vụ án, sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Thẩm phán Hoàng Trình - Chánh án TAND TP.Đà Lạt xác nhận với phóng viên, TAND TP.Đà Lạt hiện đã nhận một số đơn khởi kiện của các nguyên đơn, đang xem xét, ra quyết định thụ lý vụ án.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị can Bùi Thị Mai Liên cùng nhiều đơn tố cáo, đơn thư tố giác tội phạm, hiện đang được Văn phòng Cảnh sát điều tra (PC01) Công an Lâm Đồng thụ lý, điều tra, mở rộng vụ án.
Theo những người quen biết, thân thiết với bị can Liên là người có lối sống đơn giản, cởi mở, không trưng diện, thậm chí không thuộc tuýp phụ nữ có lối sống phung phí, hưởng thụ, con cái không du học.
Việc bà Liên "vỡ nợ" khiến nhiều người khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa là cả vợ và chồng đều công tác ở một trong những sở đầu ngành về luật pháp, tư pháp, nắm rõ luật, nhưng bà Liên lại có hành xử vi phạm pháp luật.
Đơn đề nghị ngăn chặn tài sản gửi cơ quan chức năng của một bị hại