Chuyện ly kỳ trong vụ án Thanh Nga:

Kỳ 2: Nỗ lực "chạy" theo từng lời khai

Chủ Nhật, 04/06/2023 18:16

|

(CATP) Lẽ ra vụ án sát hại vợ chồng nữ NS Thanh Nga (được lập chuyên án điều tra với bí số TN.11) đã được nhanh chóng làm rõ nếu như ngay từ đầu công tác khám nghiệm hiện trường do Công an quận 1 thời đó thực hiện được làm kỹ hơn. Tiếc rằng ngoài những vết máu, 1 vỏ đạn, 1 đầu đạn, 1 mũ mềm mà bọn cướp để lại hiện trường được thu giữ, thì những người thực hiện khám nghiệm hiện trường đã bỏ qua một vật chứng vô cùng quan trọng là chai xá xị... Chính từ "sai một li" này đã dẫn đến "đi vạn dặm", lực lượng phá án phải tốn thêm rất nhiều công sức, thời gian, tiền của và cả xương máu của 2 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy...

Anh Nguyễn Văn Các - võ sư, vệ sĩ cho gia đình Thanh Nga, ngồi ghế trước trên chiếc Volks Wagen BS: 51A73-39 vào đêm định mệnh 26/11/1978 của Thanh Nga, cũng bị nghi ngờ vì sao lại dễ dàng chịu khuất phục trước tên cướp mà không chống trả với khả năng võ thuật của mình? Phải chăng vợ chồng Thanh Nga đã "nuôi ong tay áo", đem Các về làm nội gián cho bọn cướp (giai đoạn tháng 5/1975 đến ngày Thanh Nga bị sát hại, Công an TPHCM đã phá rất nhiều vụ cướp mà người thân, người nhà hợp tác với tội phạm, với tỷ lệ 2,7% trên tổng số khoảng 1.400 vụ cướp được làm rõ). Vệ sĩ Các ngoài việc phải làm nghĩa vụ của một nghi can với cơ quan điều tra, còn chịu rất nhiều áp lực trước dư luận đặc biệt quan tâm đến Thanh Nga. Anh Các khi đó chưa tới 30 tuổi, khai: "Đêm đó chiếc Volks Wagen do ông Duy Lân, chồng Thanh Nga cầm lái trên đường trở về đến gần nhà thì có một chiếc Volk Wagen khác bám theo.

Những người trên xe này luôn nhìn sang xe Thanh Nga. Các là vệ sĩ dĩ nhiên không thể bỏ qua những tình tiết đó. Khi xe ông Lân quẹo vào nhà thì chiếc xe trên vẫn bám sau lưng. Xe đến nhà, Các mở cửa xe bước xuống thì bất ngờ có 2 ông một cao một thấp chở nhau trên Honda 67 lao gấp vào. Tên cao nhảy xuống rút súng ngắn khống chế Các, tên đồng bọn thì lao vào chiếc ôtô mở cửa để giựt, giằng co... rồi một tiếng súng vang lên, tiếng Thanh Nga la to: "Ba chết rồi mẹ con mình chẳng cần sống nữa...". Một tiếng súng nữa vang lên rồi tên đang khống chế Các nói: "Thôi bỏ đi mày...". Chúng ra lấy Honda 67 chở nhau phóng đi...". Một nữ sinh tên Thu nhà đối diện với hiện trường vụ án cũng có lời khai về 2 tên cướp... "Lúc đó gần nửa đêm rồi, nhưng cháu với chị đang ngồi học thì thấy xe nhà cô Nga (NS Thanh Nga) về. Có 2 ông đi xe Honda 67 một cao một thấp lao theo ôtô vào nhà rồi tiếng súng nổ...".

Trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS CATP trong vụ án Thanh Nga (ảnh cắt từ phim tài liệu TN-11)

Lực lượng điều tra Chuyên án TN-11 lập tức truy tìm chiếc Honda 67 khả nghi giữa thành phố có hàng ngàn chiếc như vậy. Một mũi trinh sát khác lần theo dấu vết chiếc Volks Wagen nghi vấn bám đuôi xe nhà Thanh Nga vào thời điểm gần nửa đêm 26/11/1978. Sau quá trình xác minh rất công phu thì chiếc ôtô đó là của cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam bộ phận thường trú phía Nam trên đường đi công tác về nên được loại ra khỏi danh sách điều tra. Ngoài vệ sĩ Các, các trinh sát, điều tra viên còn phải bí mật xác minh rất nhiều nghi can khác, như NS Thành Được, thiếu tá VNCH Nguyễn Minh Mẫn là 2 người chồng cũ của Thanh Nga. Trong lời khai của 2 nhân chứng nói trên có mô tả về một tên cướp cao như người lai Tây nên hàng loạt con lai Tây cũng được vào "tầm ngắm"... Đầu tiên là anh Chánh Hồng Phước - nhân viên trong đoàn Thanh Minh đã bị đuổi việc. Rồi đến Trần Phương Quốc, một người lai Tây khác đang sống ở Bình Thạnh. Ngoài ra còn rất nhiều nghi can là nghệ sĩ hoặc từng có quen biết, quan hệ với vợ chồng Thanh Nga...

Bí thư Thành ủy TPHCM lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: "Cái chết của NS Thanh Nga đã gây xúc động mạnh đối với giới văn nghệ sĩ cũng như đồng bào, nhất là trong bối cảnh chính trị đang diễn biến phức tạp. Ngành Công an phải tập trung lực lượng để phát hiện ra kẻ phạm tội nhằm trừng trị đúng quy định pháp luật, càng sớm càng tốt...".

Đám tang Thanh Nga với hàng vạn lượt người đến viếng dĩ nhiên cũng là mục tiêu của các trinh sát. Khi thợ chụp ảnh Trần Triệu Bình đến sát quan tài để bấm máy di ảnh Thanh Nga thì cậu con trai thoát chết trong chiếc ôtô đêm định mệnh bỗng chỉ vào anh ta, la lên: "Chú này bữa bắn chết ba má con giờ đến đây làm gì...?". Lời nói của cậu bé mới 5 tuổi làm bao nhiêu người bàng hoàng và lập tức anh Bình bị tạm giữ. Thật xui xẻo cho anh thợ chụp ảnh này khi băng ghi âm giọng nói của anh đưa cho vệ sĩ Các thẩm định thì Các reo lên: "Đây là tên cướp đã nói câu "Thôi bỏ đi mày ơi" với đồng bọn". Thêm một chứng cứ nữa là chó nghiệp vụ đánh hơi chiếc mũ mềm bọn cướp bị rớt lại hiện trường vụ án lại cho kết quả trùng khớp với đồ vật của Trần Triệu Bình được giám định nguồn hơi.

Điều thứ ba là anh Bình "ngắc ngứ" khi tường trình về thời gian xảy ra án mạng nên "chứng cứ" càng được củng cố. Thế nhưng anh Bình vẫn một mực kêu oan. Ban chuyên án không thể kết luận vội vàng nên 2 chó nghiệp vụ "cấp cao" hơn được đưa bằng máy bay từ Hà Nội vào TPHCM ngày 21/12/1978 để giám biệt hơi của chiếc mũ với đồ vật của những đối tượng nghi vấn, trong đó có thợ ảnh Trần Triệu Bình. Kết quả ngược lại với giám biệt trước đó. Hỏi kỷ lại cậu bé Cúc Cu (Hà Linh), thì cậu cho biết do thấy chú thợ ảnh bấm máy có ánh sáng lóe lên y hệt 2 tên cướp bắn súng giết hại cha mẹ cậu. Trần Triệu Bình lúc này cũng nói thật là trong thời gian bị nghi vấn, anh ta đang ở với người yêu nên lần trước "khó nói". Thế là anh Bình được loại khỏi diện nghi vấn. Các nhà điều tra, các trinh sát hình sự lại tiếp tục chạy đua với thời gian để truy tìm nút thắt vụ án...

Vợ chồng NS Thanh Nga (ảnh: sưu tầm)

Trong lúc đó lực lượng an ninh Sở Công an TPHCM cũng đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ vào hàng chục tổ chức, nhen nhóm phản cách mạng. Nhất là trước khi bị sát hại, NS Thanh Nga từng bị bọn khủng bố nhân danh các tổ chức phản động gửi thư hăm dọa, ném lựu đạn lên sân khấu làm Thanh Nga bị thương vì cô diễn những tuồng, vai kêu gọi lòng yêu nước trái với ý muốn của chúng. Đi theo hướng này, các trinh sát an ninh phát hiện trong lúc đám tang vợ chồng Thanh Nga đang gây xúc động cho hàng triệu người, thì trong một quán nhậu ngoại ô thành phố, có một nhóm người ăn nhậu, huênh hoang rằng chính "phe" của họ đã "ra tay" thành công với "văn công Cộng sản" Thanh Nga. Cả bàn nhậu được "hốt" gọn trong nháy mắt và khai là "lực lượng thống hợp chí nguyên quân Đông Dương" do tên Mười Núi (Thẩm Phan) cầm đầu.

Chúng bị bắt cùng súng, lựu đạn, tài liệu phản động và các "lon" ma dùng để phong chức, cấp bậc trong nội bộ. Chúng khai có "nhiệm vụ” ám sát ông Dương Văn Minh, cựu tổng thống vì đầu hàng quân cách mạng "làm mất miền Nam", nữ luật sư Ngô Bá Thành, dân biểu Ngô Công Đức vì những người này "tiếp tay cho Cộng sản chiếm miền Nam"; chúng sẽ giết luôn NS Thanh Nga, Kim Cương. Chúng đánh giá Thanh Nga với sự ảnh hưởng lớn của mình đến công chúng đã dẫn dắt họ theo Cộng sản, nhất là qua vai Dương Vân Nga trong tuồng "Thái hậu Dương Vân Nga" hay vai Trưng Trắc tuồng "Tiếng trống Mê Linh"... Khai thì hùng hồn thế, nhưng khi được hỏi về quá trình chuẩn bị, gây án và tẩu thoát thì chúng ú ớ. Trong các vũ khí thu được của chúng cũng không có khẩu súng nào phù hợp với vết thương dẫn đến tử vong cho vợ chồng NS Thanh Nga... Cuối cùng chúng đành khai thật là muốn dựa hơi tên tuổi Thanh Nga để tạo tiếng vang, lấy oai, kỳ thực không hề liên quan đến vụ án này!

Thanh Nga và mẹ là bà Bầu Thơ (ảnh: sưu tầm)

Sau khi thực lực và sự phô trương của một số tổ chức phản động được làm rõ, Ban chuyên án loại dần yếu tố chính trị trong vụ án Thanh Nga, tập trung tối đa lực lượng điều tra theo hướng đây là vụ án hình sự. Các thành viên Ban chuyên án đánh giá công tác khám nghiệm hiện trường lần đầu có sơ sót, cần dựng lại hiện trường để phân tích các tình huống. Ngày 10/01/1979 trên hiện trường được dựng lại, từng động tác của hung thủ và nạn nhân được thử đi, thử lại. Nhiều câu hỏi được nêu lên: "Vì sao 2 phát súng cách nhau một thời gian? Nếu nhằm mục đích giết người, thủ phạm chỉ cần vài giây là đủ hạ sát toàn bộ số người trong xe. Hướng đi của 2 viên đạn bắn vào vợ chồng Thanh Nga đều trái với vị trí của hung thủ và nạn nhân, chứng tỏ thủ phạm không bắn xối xả, bắn nhanh để chạy mà còn có ý đồ khác. Chúng chỉ nổ súng sau khi bị nạn nhân kháng cự lại. Phương thức thủ đoạn đó có thể cho thấy thủ phạm giết vợ chồng Thanh Nga với mục đích bắt cóc, tống tiền..." (trích từ phim tài liệu "Chuyên án TN-11").

Chính việc nhận định đúng bản chất vụ án này đã mở ra cơ hội giải quyết vụ án. Nhưng từ đây đến lúc truy tìm, bắt được hung thủ là chặng đường còn rất dài, rất gian nan, tốn rất nhiều công sức và cả xương máu của lực lượng tham gia chuyên án...

2 chó nghiệp vụ được đưa từ Hà Nội vào TPHCM tham gia điều tra vụ án Thanh Nga (ảnh cắt từ phim tài liệu TN-11)

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Sau 45 năm ngôi sao vẫn sáng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang