Nhiều khó khăn, vướng mắc trong triệt xoá các tụ điểm phức tạp về ma tuý

Thứ Tư, 16/03/2022 23:47  | Thanh Hoà

|

(CATP) Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an cho biết, hiện nay, khi Chính phủ và UBND các tỉnh nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để phát triển kinh tế-xã hội, thì tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên phạm vi cả nước có nguy cơ bùng phát trở lại.

Trong đó, điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, đặc biệt là tụ điểm tại các vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn… luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đồng thời có thể sẽ là xu hướng mới của tội phạm ma túy trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, triệt phá các tụ điểm này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguy cơ bùng phát

Theo thống kê của 63 tỉnh, thành phố, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 1.914 điểm, 156 tụ điểm mua bán lẻ các chất ma tuý, trong đó lực lượng Công an đã triệt xoá được 1.137 điểm, 88 tụ điểm; hiện vẫn còn 777 điểm (giảm 80 điểm so với 6 tháng đầu năm 2021), 68 tụ điểm (tăng 24 tụ điểm so với 6 tháng đầu năm 2021).

Trong năm qua, lực lượng Công an cũng đã đấu tranh gần 2.600 vụ, xử lý gần 3.600 đối tượng, xử lý hành chính gần 11.000 đối tượng có hành vi liên quan đến ma tuý và vi phạm pháp luật khác tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, quán bar, vũ trường…

Mặc dù năm 2021, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài suốt năm, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, nhưng tình hình tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến ma tuý nói riêng vẫn diễn biến rất phức tạp. Hiện các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy trên phạm vi cả nước có 4.255 cơ sở, trong đó karaoke 1.969 cơ sở (chiếm 46,27%); nhà nghỉ, khách sạn 1.784 cơ sở (chiếm 41,92).

Những số liệu thống kê trên cho thấy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên phạm vi cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp và có thể bùng phát trở lại khi các biện pháp chống dịch Covid -19 được nới lỏng, bình thường trở lại.

Gần 200 khách tụ tập bay lắc trong quán bar K-Club (huyện Bình Giang, Hải Dương) hồi 0h30 ngày 15/2

Trước tình hình trên, Cục C04 đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng CSĐT tội phạm ma túy cả nước tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tổ chức, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm, các địa điểm riêng như biệt thự, căn hộ cao cấp, resort, căn hộ cho thuê... Tuy nhiên, công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Công tác quản lý còn nhiều sơ hở

Về quy định pháp luật, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, nhưng đến nay, Chương các tội phạm về ma túy vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt là việc hướng dẫn, xử lý đối với tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tủy".

Hiện nay, nếu áp dụng theo Thông tư 17/2007 để xử lý đối với hai tội danh trên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, có nhiều cách hiểu khác nhau không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án).

Thực tế hiện nay, một số loại hình kinh doanh như quán bar, pub, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh, game bắn cả,... là nơi mà tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến ANTT, thường bị tội phạm và các loại tệ nạn lợi dụng để hoạt động, trong đó có tội phạm và tệ nạn ma túy.

Tuy nhiên, theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì các loại hình kinh doanh trên không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện về ANTT, cho nên dẫn đến việc khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý. Nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT hoặc đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ kinh doanh nhưng không chấp hành, vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí hoạt động quá giờ, bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động (chủ yếu là karaoke).

Tuy nhiên, khi phát hiện cũng rất khó để xử lý hình sự, đặc biệt là sau khi Bộ luật Hình sự 2015 bỏ tội danh “kinh doanh trái phép”. Việc thu hồi Giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường đang được thực hiện theo Điều 16 Nghị định 54/NĐ –CP ngày 19/6 2019, tuy nhiên trong 6 trường hợp bị rút Giấy phép lại không có quy định do để xảy ra tội phạm tổ chức sử dụng, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, việc xử lý chỉ ở mức độ hành chính lại rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với lợi nhuận mà loại hình kinh doanh này mang lại. Cho nên, nhiều cơ sở còn sẵn sàng chịu phạt, làm ngơ, thậm chí tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm diễn ra tại cơ sở mình để thu hút khách. Ngoài ra, các chủ cơ sở còn có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng như thay đổi người đại diện pháp luật, thay giấy phép kinh doanh,...

Hàng trăm người tụ tập tại quán bar Ferso (số 65 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) ngày 13/2, trong đó nhiều người dương tính ma túy, được đưa về trụ sở Công an để làm rõ

Cùng với đó, nhiều tụ điểm là các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm được đầu tư cơ sở vật chất rất kiên cố, lắp đặt nhiều camera để quan sát, có hệ thống cửa nhiều lớp, bố trí lực lượng bảo vệ vòng ngoài…gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng (trong và ngoài ngành) trong quản lý, trao đổi thông tin, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thường xuyên, đôi khi còn bị lộ lọt thông tin nên các cơ sở bị kiểm tra có thủ đoạn đối phó. Thậm chí, một số cơ sở còn được bảo kê, bao che cho các sai phạm từ các lực lượng chức năng.

Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh, đòi hỏi phải có lực lượng mạnh, cán bộ phải đam mê, nhiệt huyết. Tuy nhiên, chế độ chính sách chưa khuyến khích, thu hút được cán bộ có năng lực trực tiếp làm công tác phòng, chống ma túy; các điều kiện đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy tuy đã được quan tâm, nhưng chưa thực sự đầy đủ.

Để nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt xoá điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, hiện Cục C04 đã tập trung nghiên cứu, có kế hoạch giải quyết căn bản, tổng thể những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đôn đốc, hướng dẫn Công an các địa phương tiến hành rà soát điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; phân công, phân cấp và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh triệt xóa. Chủ động nắm chắc tình hình, xác định nguyên nhân, điều kiện hình thành, phát sinh, tái hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt xóa và làm vô hiệu hóa.

Cục C04 đã có kiến nghị Bộ Công an tăng cường biên chế cán bộ điều tra, trinh sát từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với các địa bàn phức tạp, trọng điểm về ma túy; quan tâm hơn nữa chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy.

Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan đến xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng chế tài xử phạt trong việc xử lý các chủ cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm, tiếp tay hoặc làm ngơ cho khách sử dụng ma túy; nghiên cứu bổ sung các loại hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống có sử dụng nhạc mạnh, câu lạc bộ, quán bar ... vào danh mục cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT để tổ chức giám sát, quản lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang