Nhóm cho vay lãi nặng nhắm đến... người nghèo

Thứ Hai, 19/09/2022 09:00

|

(CATP) Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Trương Ngọc Tính cầm đầu và điều hành, quản lý băng cho vay lãi nặng nhắm đến hàng rong, vé số, xe ôm... Trường hợp người vay đến hạn không đóng tiền lãi hoặc không trả tiền góp thì Sang cho người đến nhà người vay nhắc nhở. Nhóm này đăng hình người vay lên mạng xã hội Facebook chứ không đến nhà hủy hoại tài sản hay đe dọa con nợ.

Ngày 18-9, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố Trương Ngọc Tính (SN 1991), Trương Ngọc Tấn Sang (SN 1999), Nguyễn Phạm Ngọc Đăng Khoa (SN 2001), Huỳnh Vĩnh Tường (SN 2002, cùng ngụ TPHCM) cùng về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Nạn nhân là người bán hàng rong, vé số, xe ôm...

Theo điều tra, từ đầu tháng 01-2020, qua công tác nắm tình hình địa bàn, trinh sát PC02 phát hiện một nhóm với hàng chục người có hoạt động cho vay lãi nặng, đường dây này do Trương Ngọc Tính cầm đầu.

Nhóm này hoạt động bằng hình thức phát tờ rơi, đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...), nhắm đến nhóm người có thu nhập thấp (bán hàng rong, vé số, xe ôm...); thủ tục vay tiền rất đơn giản, người muốn vay tiền chỉ cần chụp hình căn cước hoặc chứng minh nhân dân và hộ khẩu; số tiền cho vay dưới 10 triệu, lãi suất từ 30 - 40%/tháng.

Nếu người vay không trả tiền đúng hạn hoặc bỏ trốn, nhóm cho vay sẽ in tờ rơi có nội dung xuyên tạc, khủng bố rải tại nơi làm việc, nơi ở của người vay và gia đình, bạn bè người vay tiền...

Ngày 13-6, trinh sát PC02 phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan khám xét tại 2 địa chỉ ở quận 6, bắt 9 người, trong đó có Trương Ngọc Tính; thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan. Qua xem xét ban đầu số tài liệu thu giữ, xác định nạn nhân của đường dây gồm nhiều người, trải khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM.

Kết luận điều tra thể hiện, cuối năm 2018, Tính và đồng bọn tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi ở nhiều quận, huyện tại TPHCM. Tính cầm đầu, điều hành, quản lý, tuyển chọn, trả lương cho nhân viên, kiểm tra hệ thống phần mềm quản lý người vay tiền đã đóng lãi suất, tất toán và đưa cho người vay số tiền thấp nhất là 1 triệu đồng, nhiều nhất là 5 triệu đồng với lãi suất 30 - 45%/tháng.

Tính phân công các thành viên của mình đăng quảng cáo hoạt động cho vay trên mạng xã hội, in tờ rơi quảng cáo cho vay kèm số điện thoại để người vay liên lạc. Khi đã có nhiều người vay tiền, Tính gợi ý cho những người này giới thiệu thêm nhiều người mới vay để hưởng hoa hồng.

Trương Ngọc Tính

Đăng hình người vay tiền lên mạng xã hội

Băng cho vay lãi nặng do Tính cầm đầu sử dụng nhiều số điện thoại liên lạc với người vay tiền để trao đổi thông tin, rồi chuyển lại cho đồng bọn đi gặp trực tiếp người vay tiền để chụp CMND/CCCD, giấy phép lái xe, đồng thời xác minh thông tin về nơi ở, khả năng trả nợ... của người vay tiền.

Quá trình điều tra, Công an TPHCM đã thu thập được 40 "giấy giao hụi". Tính khai nhận 40 "giấy giao hụi" chính là giấy vay tiền của 40 khách hàng, nhưng được thay đổi tên là "giấy giao hụi" để đối phó với công an khi bị phát hiện.

Kết luận điều tra thể hiện, nhóm của Tính cho người vay chọn nhiều mức gói đóng lãi như: 1 ngày/lần, 3 ngày/lần hoặc 7 ngày/lần. Nếu người vay 3 triệu đồng sẽ đóng lãi từ 30.000 - 40.000 đồng/ngày, tùy theo người vay mới hay cũ.

Dưới trướng của Tính có Trương Ngọc Tấn Sang (em ruột Tính). Người này quản lý 5 đối tượng có nhiệm vụ đi thu tiền của những người vay tới hạn chưa trả. Trong thời gian làm việc cho Tính, nhóm đối tượng do Sang quản lý đã thu đầy đủ cả tiền nợ gốc và tiền lãi của khoảng 20 người/100 người vay tiền. Trung bình mỗi ngày Sang thu tiền lãi suất được khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Trường hợp người vay tiền đến hạn không đóng tiền lãi hoặc không trả tiền góp thì Sang cho người đến nhà người vay nhắc nhở. Thậm chí đăng hình người vay lên mạng xã hội Facebook, chứ không đến nhà hủy hoại tài sản hay đe dọa con nợ.

Tại cơ quan điều tra, Sang khai nhận, bắt đầu làm việc cho Tính từ khoảng cuối năm 2019. Sang được trả lương hàng tuần là 2 triệu đồng và được cho thêm 2 triệu đồng để phụ giúp gia đình, tổng hưởng lương được khoảng hơn 200 triệu đồng.

Nguyễn Phạm Ngọc Đăng Khoa khai nhận, từ tháng 8-2021 làm việc cho Tính tới khi bị bắt. Nhiệm vụ của Khoa là gặp trực tiếp người vay để xác minh, chụp CMND/CCCD, giấy phép lái xe, giao tiền và chịu trách nhiệm thu tiền 3 ngày/lần. Khoa được trả lương 1,5 triệu/tuần.

Huỳnh Vĩnh Tường khai nhận làm việc cho Tính từ tháng 3-2021 tới khi bị bắt. Tường được phân công nhiệm vụ đến nơi ở, nơi làm việc hoặc nơi mua bán của người vay tiền để kiểm tra khả năng trả nợ và được trả công 300.000 đồng/ngày

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Trương Ngọc Tính và đồng bọn thực hiện đã vượt mức lãi suất cao nhất do Nhà nước quy định. Tổng số tiền thu lợi bất chính của Tính và đồng bọn đã hưởng của 40 người vay tiền là hơn 195 triệu đồng.

Hiện cơ quan công an đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý những cá nhân có liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang