Kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022):

“Chốn lưu đày” nở hoa (kỳ 2)

Thứ Ba, 26/04/2022 13:50

|

(CATP) “Đất hứa” của 49 gia đình từ thành thị đi KTM lần này là một bãi đất trống được phát quang bởi lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), nằm cạnh con đường vừa hình thành tạm bợ còn đầy rẫy các gốc cây lớn nhỏ trên mặt đường đắp đất sơ sài...

Kỳ 2: NƯỚC MẮT TRÊN "ĐẤT HỨA"!

Ngày nay, từ trung tâm TP.Đà Lạt về xã Tân Hội - Đức Trọng - Lâm Đồng, vùng KTM R’Chai của 46 năm trước, chỉ 40 cây số. Tôi nhiều lần đi xe đạp xuôi dốc, xuôi đèo cũng chỉ 50, 60 phút là đến. Thế nhưng hồi tháng 7-1976, 5 cây số từ Quốc lộ 20 đến khu vực định cư cho di dân KTM là đường rừng lầy lội, nhiều chỗ xe tải lớn, xe Be chở gỗ phải dùng thế móc cáp vào các gốc cây to để rị, lôi xe lên các vũng bùn sâu ngập bánh xe.

Bởi vậy, đoàn xe tải chở di dân từ 5 giờ sáng đã chộn rộn chất đồ đạc, 8 giờ bắt đầu khởi hành, qua trạm kiểm soát ở chân đèo Prenn làm thủ tục mất hơn 1 tiếng, rồi “bò” vào 5 cây số đường rừng mất thêm 2 tiếng nữa nên đến khoảng 13 giờ mới đến điểm tập kết. Các gia đình đã chuẩn bị cơm nắm hoặc bắp, khoai luộc ăn trưa trên thùng xe nên tạm ổn...

“Đất hứa” của 49 gia đình từ thành thị đi KTM lần này là một bãi đất trống được phát quang bởi lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), nằm cạnh con đường vừa hình thành tạm bợ còn đầy rẫy các gốc cây lớn nhỏ trên mặt đường đắp đất sơ sài...

Khu KTM R’chai – xã nông thôn mới Tân Hội ngày nay.

Đoàn xe vừa xuất hiện, hàng trăm TNXP nam, nữ đội nón tai bèo, đeo huy hiệu từ doanh trại gần đó reo hò chạy ào đến đưa trẻ con, người già, phụ nữ từ các thùng xe tải xuống rồi bốc hết hàng hóa trên các xe đưa xuống đất ngay ngắn.

Được sự hỗ trợ của TNXP, mỗi gia đình được chia 400m2 đất dọc con đường mới mở. Mỗi nhân khẩu còn có thêm 16 - 18kg gạo/tháng x 6 tháng, 2 tấm tole và mỗi hộ được vay 300 đồng tiền miền Bắc (tương đương 15.000 đồng tiền Sài Gòn cũ, mua được 70 - 80kg gạo vào thời điểm tháng 4-1976) để sắm dao rựa, cuốc, xà beng, đinh, dây kẽm...

Mỗi gia đình được một nhóm TNXP giúp chặt cây ở khu rừng gần đó, bóc vỏ rồi đem về dựng nhà, lợp tole, đắp nền... Đến lúc mặt trời sắp lặn thì làng KTM được hình thành bằng 49 nóc nhà lợp tole mới tinh, chói sáng nằm dọc hai bên đường. Mấy trăm TNXP hát tưng bừng những ca khúc cách mạng như: Tiến về Sài Gòn, Đi lên thanh niên, Giải phóng miền Nam, Đoàn giải phóng quân, Lên đàng... rồi lần lượt leo lên các xe tải chở di dân để trở về Đà Lạt. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai hoang để lập một khu KTM và vui vẻ hò reo chia tay hơn 200 di dân đang bỡ ngỡ với đêm đầu tiên giữa bốn bề rừng núi.

Khu KTM R’chai – xã nông thôn mới Tân Hội ngày nay đang đô thị hóa.

Nhưng các di dân không cô đơn vì cách làng mới khoảng 5, 6 cây số về hướng Tây đã có một ngôi làng lớn, có gần 300 hộ dân được chế độ cũ “di dân lập ấp” từ trước đó hơn một năm. Xung quanh ngôi làng KTM này cũng đã có hơn 150 hội dân “tự túc” - tức những người ở Đà Lạt tự bỏ tiền thuê máy ủi khai hoang làm vườn rẫy, cất nhà ở. Những người “tự túc” xuống trước mấy tháng nên khi di dân KTM đến, họ đã có các sản vật như bắp, lúa, khoai, gà, heo, vịt, chó, bầu, bí, rau cải... bán cho những người mới đến. Có những giếng nước trong mát cho xài chung.

Chỉ hơn 1 tháng sau, trước mỗi căn nhà KTM cũng tươi xanh những dàn bầu, bí, mướp; những luống khoai, luống đậu và bầy gà cục tác, líu ríu bươi đất kiếm ăn...

Cuộc sống thanh bình tưởng như trong truyện cổ tích, nhất là khi chiến tranh vừa kết thúc hơn một năm. Đối với những gia đình “vô sản” suốt đời ở nhà thuê như gia đình tôi, một căn nhà tự chủ giữa mảnh vườn nhỏ xanh tươi hoa lá, là giấc mơ, thiên đường. Cả nhà hí hửng vun đắp cho tổ ấm quý giá đó mà chưa kịp hình dung khó khăn phía trước!

*

* *

Ngày 28-9-1976, các làng “di dân lập ấp” của chế độ cũ, “di dân tự túc”, “kinh tế mới” và các làng sắc tộc Tây nguyên nằm giữa núi R’Chai và dãy núi Yên Ngựa của thác Ponguar được nhập chung thành xã Tân Hội thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (hợp nhất 2 tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức ngày 14-3-1976). Xã mới gồm 5 thôn: Tân Nghĩa (di dân từ thị trấn Tùng Nghĩa vào); Tân Liên (di dân từ khu vực Liên Khương vào); Tân Phú (gốc dân Phú Hội); Tân Lập (dân số nhiều địa phương cùng về khai khẩn đất đai) và thôn Tân Đà (dân Đà Lạt đi KTM và “tự túc” gộp lại) với tổng cộng 621 hộ, hơn 3.100 nhân khẩu, xã có diện tích tự nhiên 4.400ha.

Hơn một tháng sau đó, bọn phỉ Fulro đã tập kích vào trụ sở tạm của xã Tân Hội đặt trong dãy phòng học vừa mới xây dựng xong để cướp bóc tài sản, tài liệu và bắt đưa vào rừng ông Nguyễn Văn Một - xã đội trưởng đầu tiên của Tân Hội. Sau đó Fulro còn gây thêm tang tóc cho vùng đất mới này bằng các cuộc tập kích vào các thôn làng, bắt cóc, giết hại nhiều cán bộ, dân lành.

Các lực lượng công an, quân đội, xã đội và nhân dân phải kiên trì chiến đấu suốt hơn 15 năm mới giải quyết xong “bóng ma Fulro” để Tân Hội nói riêng, tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây nguyên nói chung được bình an, phát triển như hôm nay. Xương máu của không ít cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã đổ trên từng dặm đường đấu tranh trước khi các thủ lĩnh Fulro giác ngộ trở về với buôn làng và cách mạng, những nhóm Fulro cuối cùng ra đầu thú...

*

* *

Không chỉ súng đạn của Fulro, bà con di dân còn chịu mất mát, tang thương bởi những kẻ thù vô hình. Đám tang đầu tiên xảy ra chỉ vài ngày sau khi làng KTM hình thành.

Sau này, làng KTM còn có thêm nhiều đám tang nghèo không áo quan như thế. Họ bị sốt rét, rắn cắn, thương hàn và cả những cái chết vì đói quá ăn nhầm cỏ dại, nấm độc. Người bệnh thiếu thuốc men, toàn chích lễ, xoa dầu, uống rễ lá cây theo kinh nghiệm dân gian. Đến lúc sắp chết mới được bà con trong xóm đặt lên võng khiêng đi bộ suốt mấy cây số đường lầy lội, hiểm trở để ra Quốc lộ 20 đón xe đến trung tâm y tế huyện

Thời đó thuốc tây rất khan hiếm, bệnh gì cũng chỉ có mấy viên “xuyên tâm liên” bào chế sơ sài. Bác sĩ do chế độ cũ đào tạo thì đi vượt biên gần hết, số bác sĩ từ miền Bắc vào hay trong chiến khu ra chưa đáp ứng được vô số bệnh tật sinh ra từ hậu quả 30 năm chiến tranh, từ đói nghèo rách rưới... Tôi cũng từng suýt chết vì viêm ruột thừa và đi cấp cứu bằng nằm trên võng khiêng băng đường rừng như vậy. Mất cả ngày mới lên được bệnh viện Đà Lạt.

Các bệnh viện huyện, tỉnh thời đó có vô số bếp lửa ở khắp nơi, từ phòng cấp cứu, ngoài công viên, vỉa hè, gốc cây, tường nhà W.C... chỗ nào cũng có. Người nuôi bệnh cứ tìm ba cục đá, cục gạch hoặc đào lỗ dưới đất làm bếp. Họ mang theo xoong nồi, mua gạo mua cá, rau, thịt về lượm củi khô, giấy cũ đốt nấu ăn. Lúc đầu chỉ người sắc tộc, sau người Kinh cũng bắt chước nấu ăn trong bệnh viện như vậy. Đói nghèo cỡ đó thì con cháu sau này dù có nghe kể cũng không thể hình dung được.

Khu KTM R’chai – xã nông thôn mới Tân Hội ngày nay đang đô thị hóa.

Tôi nằm ở khoa ngoại, chung phòng với một thanh niên cũng bị mổ ruột thừa. Bố của anh cứ lặng lẽ dùng con dao mỏng chẻ đôi từng que diêm. Anh trách bố tiết kiệm quá đáng, ông bố thở dài:

Rồi có lúc que diêm sẽ chẻ làm tư chứ không chỉ làm hai đâu con.

46 năm rồi tôi cứ nhớ mãi câu nói của ông ấy, may mà đất nước ta sớm đổi mới để... “que diêm không cần chẻ làm bốn’!

*

* *

Mảnh đất 400m2 trên đất khai hoang của TNXP chỉ là chỗ tạm cư vài tháng. Khi mùa mưa của năm 1976 sắp kết thúc, 49 hộ di dân từ Đà Lạt được Nhà nước chuyển đến ngôi làng mới, cách làng cũ gần 1 cây số. Ở đó mỗi gia đình được cấp một lô thổ cư 2.000m2 để làm nhà, đào giếng, chuồng gia súc, gia cầm và trồng cây ăn trái, rau màu. Gia đình tôi dọn về nơi ở mới khi giáp Tết. Mảnh đất rộng là cánh rừng vừa được phát, đốt tạm, còn lô nhô gốc cây san sát nhau.

Để trồng tỉa được khi mưa xuống, cả gia đình 9 người lớn nhỏ hì hục đào gốc, rễ cây, cuốc đất. Làm vất vả cả tháng cũng chỉ làm được 3 - 400m2 đất. Một phần công việc quá nặng nhọc so với dân thành phố xưa nay chưa hề cầm cuốc; phần nữa là 6 tháng lương thực của Nhà nước trợ cấp đã hết nên phải vừa phá đất, vừa vào rừng chặt củi gánh bộ về nhà mất 3, 4 cây số. Từ nhà lại gánh ra ngã ba Tân Hội giáp Quốc lộ 20 thêm 4 cây số nữa. Tại ngã ba sẽ thuê xe lam chở củi ra chợ Tùng Nghĩa bán.

Đêm đêm cả xóm KTM nhà nào cũng đốt lửa để lấy ánh sáng, xua muỗi và khí lạnh cắt da. Lửa soi sáng cho họ cuốc đất phá lâm, chẻ củi, bó lại. Khi gà gáy canh 2 canh 3, cả xóm chộn rộn hú gọi nhau gánh củi ra ngã ba Quốc lộ 20. Cả đoàn người lam lũ rách rưới, quang gánh oặt ẹo đi thành một hàng dài dưới trăng muộn lờ mờ, nhìn không khác gì đoàn dân công hỏa tuyến gánh lương thực, đạn dược thời chiến tranh.

Quần áo và chằng đụp, không có xà phòng phải giặt bằng nước tro, tắm rửa, gội đầu “chay”. Đã vậy còn lao động nặng nhọc dưới nắng, bụi mồ hôi nhễ nhại... Đó là lý do đầu tóc người nào cũng lốm đốm trứng chí (chấy), quần áo đầy rận rệp, da thịt bị ghẻ mưng mủ, lở loét...

46 năm sau khi kiểm đếm lại, 49 hộ dân từ Đà Lạt về vùng KTM R’Chai chỉ còn 38 hộ. Nhiều người đã chết vì bệnh tật, tai nạn, tuổi già. Từ những vùng KTM tương tự, một số gia đình kéo nhau trở lại các đô thị sống lây lất trên vỉa hè, công viên mà không có hộ khẩu, phiếu vải, phiếu gạo của thời bao cấp. Họ bán vé số, làm thuê, con cái phần lớn không được học hành. Một số ít bị hoàn cảnh xô đẩy tham gia tệ nạn hoặc thành tội phạm... Số ít khác thì vượt biên hoặc xuất cảnh theo các diện con lai (Amerasisan Immigration Act - AC), sĩ quan học tập cải tạo từ 3 năm trở lên (Humanitarian Operation - H.O) và các diện xuất cảnh định cư khác (chương trình tái định cư nhân đạo - Humanitarian Resetlenment Program - HR)...

(Còn tiếp...)

“Chốn lưu đày” nở hoa (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang