Nhức nhối trẻ em đường phố!

Thứ Sáu, 22/04/2022 11:02

|

(CATP) Ăn xin trên địa bàn TPHCM cũng chẳng xa lạ gì với mọi người, nhưng để lắng đọng về không gian và thời gian, chúng ta chứng kiến những cảnh tượng quặn lòng, nhức nhối lắm! Trên các nẻo đường tấp nập, hay đã vào khuya, những bóng liêu xiêu, đứng có, lom khom, ngồi đó chờ sẵn... ngửa tay, giơ mũ mà đắng lòng. Chạnh lòng hơn cả, khi nhín thấy không ít cụ già, em bé ăn xin. Liệu có những đường dây chăn dắt, bắt họ "xuống đường"?

Lợi dụng trẻ em có lợi nhuận là vô nhân tính

Ghi nhận của chúng tôi vào những ngày tháng 4-2022, tại giao lộ đường Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, khu vực Vincom Gò Vấp, TPHCM cứ mỗi buổi chiều vào khoảng 18 giờ thời gian cao điểm tấp nập xe cộ.

Hình ảnh ở góc nơi vỉa hè làm lòng ai chứng kiến cũng nặng trĩu, một bé trai đang trong tình trạng ngủ say khác lạ, quần áo của em xộc xệch với nhiều vết dơ khó tả. Bé được một người phụ nữ bế trên một tay và tay kia cầm chiếc nón rách bươm ngửa mặt xin tiền người qua đường.

Cái nhếch nhác, lê lết khiến lòng người cảm động một cách chia sẻ hay thương hại trên những nét thoảng qua vội vã. Rồi trời đêm buông xuống, cái lạnh của gió, bụi càng khiến cảnh "thê lương" đổ dưới ánh đèn đường.

Tuy nhiên, sự thật càng đau lòng hơn, theo quan sát của chúng tôi, bé trai này không phải đang ngủ thông thường, mà đang bị chính người phụ nữ đó cho uống thuốc ngủ, lợi dụng trẻ ngủ mà người lớn vạch ra mọi thứ chuyện nhằm mục đích động lòng người đi đường để xin ăn.

Khi đứa bé ngủ thiếp đi và dần chìm vào mê man, thì bất ngờ người phụ nữ bế em ra chiêu rao lớn: "Cháu bị bệnh, không có tiền khám chữa bệnh" nhằm cầu xin sự thương hại từ mọi người xung quanh.

Một cháu bé mồ côi được Báo Công an TPHCM giúp đỡ trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành tại TPHCM

Thật xót xa hơn khi chứng kiến cảnh trẻ em bị cho uống thuốc ngủ li bì trên tay người khác để xin tiền. Họ biến trẻ vào tình trạng đáng thương của các em thành phương tiện kiếm chác. Có những đứa trẻ, bằng cách này cách khác, bị ép buộc vào tình cảnh hoàn toàn phụ thuộc vào sự sai khiến của bọn bất lương.

Đáng lên án hơn khi chính những người lớn, hay người thân của trẻ lại là người tổ chức, huấn luyện bài bản, tinh vi cho trẻ phạm pháp. Chúng tôi quan sát mà cay nơi hai khóe mắt. Lợi dụng trẻ em là tội ác, nhưng vẫn chưa có nhiều những phát hiện, bắt quả tang hành vi có thể lên án và vô nhân tính này. Rất mong chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn từ nhiều phía, nhiều ngành, đi đôi với những bản án nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe với những kẻ phạm tội.

Và nếu như cả cộng đồng đồng lòng vào cuộc, với sự quyết tâm lên tiếng trước hành vi lợi dụng trẻ em ăn xin đường phố, chắc rằng sẽ làm giảm tình trạng trục lợi qua việc hành hạ trẻ em.

Trẻ ăn xin không được học, mất nhiều niềm vui sống

Chúng tôi quyết tâm tiếp cận trẻ xin ăn tại đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM, đáng buồn với phát hiện có em bé mới 8 tuổi nhưng người em bé tí xíu, nặng chỉ chừng chục ký, đang trong tình trạng mệt mỏi, đờ đẫn. Đi cùng với bé là 2 chú cún xinh xắn. Em bé này ngồi tại đường Võ Văn Kiệt để xin tiền từ buổi chiều, rồi suốt đêm thâu sang sáng ngày hôm sau.

Thật sự khó khăn khi có thể tiếp cận được với bé bởi vì bé không tin ai, nhìn cuộc sống đầy ngờ vực, sợ hãi, bé hoàn toàn mất niềm tin ở người lớn. Sau những cố gắng, chúng tôi đã bắt chuyện được với cậu. Em đang sống cùng với bố mẹ, nhưng bố mẹ bé lại không cho đi học mà thay vào đó lại bắt bé phải đi xin ăn ở khắp nơi kiếm tiền về cho họ. Bé kể cho chúng tôi nghe trong tình trạng run sợ, nước mắt lăn dài trên gò má xanh xao.

"Chị cho em xin vài ngàn đồng, nay em chưa ăn gì hết, hai con chó của em nó cũng đói theo em", đứa bé năn nỉ. Nghe bé nói, thật đau lòng khi chỉ mới là một đứa trẻ mà đã có tấm lòng thương động vật đến như vậy, dù bé có đang đói hay cực khổ thế nào, thì bé vẫn luôn nghĩ đến hai chú chó của mình. Có lẽ, hai chú chó này là những người bạn để cho bé có thể nương tựa và coi chúng như người bạn, cùng nhau vượt qua khó khăn? Tôi thở dài: "Sao cuộc sống lại khắt khe với em đến vậy?".

Đánh đổi tuổi thơ và những vết hằn sương gió

Đến đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM cứ vào mỗi buổi tối, tấp nập đông đúc dòng người xe qua lại. Ngay tại cây đèn giao thông giao lộ, các hàng quán ăn, những bé trai được sắp đặt ở khắp nơi, những đứa trẻ này không quá 10 tuổi biểu diễn màn phun lửa dầu hôi để mưu sinh kiếm tiền. 21 giờ khuya, đường đã lên đèn từ lâu và các em biểu diễn với lửa.

Khi đèn chuyển đỏ, các em vội chạy ra thật nhanh để biểu diễn xin tiền mọi người khi xe dừng. Một đứa làm, còn đứa kia nhìn cây đèn để biết khi nào nó chuyển sang màu xanh, rồi nhìn ngó xem có xe chạy ngang không mà biết né. Đó là quy trình mưu sinh mỗi ngày, em tiếp tục chấm 2 cây bông gòn cầm bên tay phải vào dầu hôi, châm lửa. Lửa phừng lên sáng trưng, người chờ đèn xung quanh vẫn không mấy ai để ý, chỉ nhìn lên xem đèn đã chuyển sang màu xanh chưa và vội phóng xe đi.

Ngay những giây cuối cùng cậu bé dùng "tuyệt chiêu" của mình, sau vài ba động tác múa 2 bông gòn và hét lên khởi động, đứa bé bất ngờ phun ra lửa thật mạnh, chỉ một ngụm dầu hôi, cậu bé đã thực hiện được 4 - 5 lần phun lửa. Khi đèn vừa chuyển sang xanh, thì hai "nghệ sĩ đường phố" chạy vào lề ngồi xuống, dùng miệng ngậm cây bông gòn đang cháy cho tắt hẳn, rồi lấy bàn tay lau vội miệng ám màu khói dầu đen thui.

Quá nguy hiểm và khắc nghiệt đối với những đứa trẻ, việc làm này khiến khóe môi của các em ấy bị bỏng, nhưng vẫn cứ phải liên tục thổi lửa nên không lành hẳn được. Lúc dừng đèn đỏ, chúng tôi đã nhìn thấy rõ môi em ấy bị lở loét, em liên tục lấy tay lau vết thương, nhìn mà tội nghiệp vô cùng. Khi chúng tôi tấp xe vào, mua tạm cho hai em hai ly nước mía và trò chuyện cùng các em.

"Phun lửa vậy em có bị nóng miệng không?", bé hồn nhiên khoe chiếc miệng vẫn "an toàn" sau khi ngậm lửa dầu. "Làm công việc này hai em có được nhiều tiền không?", tôi hỏi tiếp. Hai bé thay phiên nhau trả lời: "Cứ một người vậy, người ta cho em từ 10 ngàn, 20 ngàn đồng". "Có những ngày không kiếm được đồng nào thì sao?" tôi buột miệng, em đáp "thì cả hai đều bị đánh".

Tình bạn giữa người và con vật

Tại vì khi hai em không làm "nghề" này thì còn rất nhiều đứa trẻ khác sẽ làm, ai cũng kiếm kế sinh nhai, bằng cách tranh giành địa điểm của nhau, thấy mình kiếm tiền nhiều hơn họ, thì bọn họ sẽ tới gây chuyện, bắt không cho tụi em đến đây nữa, nếu không nghe lời sẽ bị nắm áo và bạt tai vào mặt, ký đầu và thu hết tiền. Nhỏ bé hơn bọn họ, nên các em không thể chống cự được. Các em tâm sự tự đáy lòng, khiến chúng tôi buồn vô hạn. Hai em còn vô tư nói: "Có hôm miệng em bị sưng vù, lở loét nhưng mà vẫn cố làm để kiếm tiền mua cơm ăn".

Nhận được tiền từ khách, hai cậu bé cho biết rất vui, vì đây là thành quả từ công việc "nguy hiểm", hơn nữa, tiền là "bí quyết" để giảm cơn đau từ miệng. Thật tiếc, chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với các em tới đây, vì các em phải đi đến địa điểm khác để phun lửa và kiếm tiền.

Còn nhiều lắm hoàn cảnh éo le, phải tự bon chen, có thể dẫm đạp lên nhau để cố gắng được bữa cơm ngon, một cuộc sống có miếng ăn là vậy đó. Đáng thương những đứa trẻ, đáng trách những người lớn. Sinh các em ra được nhưng lại không cho các em được một cuộc sống trọn vẹn. Giá như cuộc sống dễ dàng hơn với các em, nhìn lại bản thân mình vẫn còn may mắn hơn các em rất nhiều. Ngước lên thì thầy mình chẳng bằng ai, nhìn xuống thì nhiều hoàn cảnh còn vất vả khổ cực hơn mình. Mong cho các em rồi mai đây khi lớn lên trong hoàn cảnh dù thiếu thốn thì các em sẽ tìm kiếm được sức mạnh hơn bao người.

Vượt qua... số phận

Trái ngược với cậu bé và 2 chú chó trên đường Võ Văn Kiệt, chúng tôi ngồi uống trà chanh tại một quán ở cạnh bến sông Sài Gòn, khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh thì vô tình gặp được cậu bé mời mua kẹo. Với giá hai chục ngàn đồng, rồi hỏi thăm: "Em đã ăn gì chưa?", bé trả lời là "dạ em chưa" nhưng khi chúng tôi hỏi "em có muốn ăn gì không để chị gọi cho em ăn" thì bé nói "không ạ, xíu em về nhà ăn". Cậu bé với vẻ ngoài trắng trẻo, dễ thương và vô cùng lễ phép, lúc nào cũng "dạ, vâng". Được biết, bé năm nay 9 tuổi, vẫn được đến trường. Thường thì bé đi học vào buổi sáng và đi bán vào lúc chiều tối. Nhà bé bên đường Phạm Văn Đồng, hằng ngày phải đi bằng chiếc xe đạp cũ kĩ, đến các nơi để bán kẹo. Khi bé mở túi ra, rất nhiều cây kẹo đựng trong chiếc túi ấy.

Chúng tôi không biết làm sao để có thể mua hết túi kẹo đó, cũng chỉ có thể mua giúp bé vài cây kẹo mà thôi. Ngồi trò chuyện cùng với bé, được biết cứ vào lúc 17 giờ mỗi chiều, bé chạy ra chiếc xe đạp, cũng với túi kẹo đầy ắp mẹ bé đã để sẵn ở giỏ. Khi hỏi: "Sao mẹ em lại để em đi bán thế này?" câu trả lời của cậu bé khiến chúng tôi vô cùng xúc động từ lời nói cậu bé chỉ mới 9 tuổi. "Mẹ em cực lắm, em thương mẹ, em đi bán kiếm tiền để đỡ đần cho mẹ”.

Thật sự thấy rất ngưỡng mộ vì năm nay em chỉ mới 9 tuổi nhưng đã có suy nghĩ rất người lớn, trong khi ngoài kia biết bao nhiêu bạn cùng tuổi đang vui chơi, chưa phải lo nghĩ gì về cuộc sống bon chen. Tuy trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng cậu bé lúc nào cũng cười nói hồn nhiên. Bán hàng rất lễ phép, đôi chân thoăn thoắt, gặp ai cũng niềm nở chào: "Chị ơi, chị mua kẹo giúp em nha". Mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt, nhưng bé vẫn luôn cười tươi, dõng dạc: "Dạ, em cảm ơn chị”, khi được mua kẹo.

Em kể: "Mới đi bán 2 tháng nay, mẹ em dặn em đi bán cẩn thận, đi gần nhà thôi nhưng khi đi bán em thấy chỗ nào đông là em vô mời à, cũng không biết mình đạp xe tới đâu rồi. Mẹ em còn dặn, nếu ai đưa tiền thì nhớ cầm 2 tay và cảm ơn". Cậu bé 9 tuổi thật thà: "Mẹ em cực lắm, em chỉ muốn kiếm một ít tiền để phụ mẹ, và được đi học. Mẹ em làm nhiều nghề lắm nhưng vẫn nghèo, em rất thương mẹ”. Nói tới đây, mắt chúng tôi rưng rưng... một hoàn cảnh biết vượt lên số phận là vậy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang