Nghiêm trị những kẻ lợi dụng không gian mạng gây rối loạn xã hội:

Bài cuối: Phạt nặng, chế tài nghiêm khắc hơn nữa

Thứ Bảy, 23/04/2022 10:16  | PV

|

(CATP) Trên thực tế đã có nhiều người "thấm đòn" vì "quyền lực ảo", cứ ngỡ đó là thật, chỉ đến khi dính đến luật pháp, họ mới biện minh "vô tình đăng tin sai sự thật, không kiểm chứng, nóng vội… và thiếu ý thức" đã phải lãnh hậu quả thật: từ chịu phạt hành chính khoản tiền lớn cùng biện pháp khắc phục là gỡ tin bài, clip video sai trái, cho đến bị khởi tố thì môi trường văn hóa lành mạnh vẫn đang trông chờ vào chính ý thức của mỗi người trên không gian mạng."Bên cạnh chế tài nghiêm khắc, nghiêm minh hơn, cần lưu ý trẻ em như tờ giấy trắng, xin đừng làm vấy bẩn các em", đó là lời của một nhà tâm lý học (TLH) trước hằng hà thông tin độc hại ngày ngày vẫn đập vào mắt chúng ta.

TÁC ĐỘNG NẶNG NỀ…

Thời gian qua, mạng xã hội (MXH) phát triển với nhiều loại hình, được chủ kênh đặt những cái tên "hot" và nối thêm đuôi rất kêu "Tivi - TV" khiến không ít người lầm tưởng họ là những "nhà báo" thực thụ hay các cơ quan ngôn luận được cấp phép. Để "câu" lượng truy cập, các chủ kênh bất chấp pháp luật và các quy tắc ứng xử hiện hành, đặt những cái tít "nóng hầm hập", trong khi nội dung chẳng có gì hoặc sai trái, rồi đưa những đoạn clip, video thể hiện sự dung tục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, dẫn đến hậu quả khó lường.

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, con trẻ lên mạng nếu thiếu kiểm soát rất dễ bị ảnh hưởng. Có trường hợp cậu bé làm theo đoạn clip trên mạng, tưởng mình là "người dơi" khoác áo choàng rồi bay cái vèo... gãy chân! Đau lòng hơn là những vụ học sinh đánh nhau chí mạng cũng chỉ vì mâu thuẫn, hẹn nhau "giải quyết" trên MXH; một số đoạn clip, video phản cảm mà chính người lớn vô ý hay cố tình đăng để "câu" lượng người xem đã ảnh hưởng không nhỏ đến người xem, mà trong đó con trẻ rất dễ có những suy nghĩ, hành động lệch lạc khi học theo...

Trước đây, những kênh TikTok mà chủ kênh cố tình "câu view" đã bỏ qua tất cả, bất chấp ý thức đạo đức của chính mình, như trường hợp Youtuber Thơ Nguyễn tác động trực tiếp vào trẻ nhỏ bằng cái "xúi" các em "nuôi" búp bê Kumanthong một cách mê tín dị đoan; không những vậy, trẻ còn bị tác động khi bắt gặp hay tìm kiếm trên MXH trường hợp Hưng Vlog "nấu cháo gà nguyên lông", rồi "đập bể heo đất, lấy cắp tiền đi chơi và cái kết", hay "thả 100 cái dao trên cao xuống"... Thật khủng khiếp khi hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt đăng ký theo dõi kênh này.

Tác động của những hình ảnh phản cảm ấy chắc chắn ảnh hưởng không ít đến tâm lý, hành vi của trẻ nhỏ... Hay gần đây nhất là trường hợp của kênh Youtuber "Lang thang đường phố" vì chửi bới nhục mạ người khác mà bị kiện, mời lên làm việc. Đó là chưa kể lời lẽ của "Lang thang đường phố" làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ của giới trẻ, nhất là các em nhỏ.

Một đối tượng bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, bịa đặt liên quan đến tình hình dịch Covid-19

Có lẽ không cần nêu ra các kênh, Tiktok nào, người dùng MXH cũng rất dễ tìm thấy những cảnh "hot", thậm chí cắt ghép, dàn dựng để nhận những bình luận vô tội vạ, thiếu suy nghĩ cho đến chửi nhau thậm tệ trên mạng. Các chuyên gia tâm lý phân tích, việc người đăng bất chấp pháp luật khiến người xem bị tác động theo chiều hướng "chỉ đường dẫn lối tiêu cực", đặc biệt là con trẻ, khiến hành động thực tiễn cũng xấu theo. Chưa hết, sau khi "loạn" về lời lẽ, hình ảnh, âm thanh độc hại, nhà TLH cho rằng cái xấu vẫn hằn sâu vào ý thức não bộ của trẻ và tồn tại dai dẳng hơn là điều tốt, cái đẹp.

Vậy làm sao để xử lý tình huống này? Chuyên gia TLH nhận định, trước tiên đối với trẻ rất cần sự hướng dẫn, giáo dục của người lớn. Về sự trong sạch của môi trường thông tin hình ảnh MXH đã có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và các quy định về luật pháp..., nhưng chúng ta hiện vẫn chưa kiểm soát hết những thông tin, hình ảnh xấu, độc hại, phản cảm, do vậy rất cần cơ quan chức năng mạnh tay hơn, xử lý nghiêm minh hơn và không thể thiếu sự chung tay của bậc phụ huynh, thầy cô giáo khi trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.

CẦN CHẾ TÀI THÍCH ĐÁNG

Trước những thông tin, hình ảnh clip, video bùng nổ trên MXH như hiện nay, các chuyên gia tâm lý đề xuất đã đến lúc cần có những tiết học, giáo trình, môn học về "cách ứng xử, xử lý trước thông tin trên mạng", "bản lĩnh" mà chúng ta trang bị cho con trẻ từ nhỏ cho đến khi trưởng thành là điều cần và phải đủ. Ảo tưởng "quyền lực mạng" chẳng những tác động không nhỏ đến trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng không nằm ngoài "tầm ảnh hưởng" của nó nói chung.

Ảnh chụp từ video Thơ Nguyễn xin "vía" học giỏi từ búp bê

Ngày 20-4, đặt vấn đề "nóng" hiện nay về suy nghĩ và có cách nào ngăn chặn trước vấn nạn các kênh, MXH Tiktok tràn ngập lời lẽ thô tục, đưa tin sai sự thật, clip, video xấu, độc, phản cảm, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền, Phó trưởng Khoa Lý luận Chính trị của Đại học Tài chính - Marketing tại TPHCM, cho biết: "Ở đây có 2 đối tượng chính: Thứ nhất là những người chủ của các sản phẩm (tin, bài, video, clip..., gọi là "nguồn cung"), họ là tác giả các tin, bài, video, clip; là các TitToker, Facebooker, Youtuber, Vloger... Thứ hai là người xem các sản phẩm từ nguồn cung (gọi chung là "nguồn cầu"). Do vậy, cần có giải pháp riêng cho 2 đối tượng này".

Cũng theo thạc sĩ, với đối tượng là chủ thể của nguồn cung, khi có bằng chứng họ đưa tin sai sự thật, sử dụng lời lẽ thô tục, tạo các clip, video xấu, độc... ở mức độ nghiêm trọng, nhất thiết phải xử lý. Pháp luật cần quy định phạt nặng về tài chính và xét xử nhanh chóng các đối tượng này (nếu phải ra tòa). Tất cả những vi phạm của họ (cũng như các công dân khác) cần phải lưu trữ trên hồ sơ điện tử, căn cứ mã định danh của họ, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh tiếng cá nhân, sự nghiệp tương lai của họ. Làm như vậy, chắc chắn họ sẽ rất thận trọng khi cung cấp sản phẩm lên MXH.

Còn với đối tượng là người xem, tương tác các sản phẩm (nguồn cầu), cần tuyên truyền vận động về tinh thần trách nhiệm khi xem và tương tác (theo dõi kênh, like, share, bình luận...) các thông tin bài viết, clip, video trên môi trường Internet cần trả lời các câu hỏi như: Xem cái gì? Xem để làm gì? Xem như thế nào? Việc xem và tương tác nhằm mục đích gì? Có hữu ích không? Có nâng cao giá trị bản thân không? Có hậu quả gì không? Bản thân có bị lợi dụng, lôi kéo không? Trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội trong việc xem, tương tác đến đâu?

Là một nhà kinh tế, anh Nguyễn Quang T. (ngụ quận 7, TPHCM) đã phải thốt lên: "Tivi Internet hiện nay mở lên là có không ít dòng tít cực sốc, những hình ảnh phản cảm đập ngay vào mắt. Vì tò mò, không ít người mở lên xem, nghe họ dùng ngôn ngữ kiểu thô tục, thậm chí nhục mạ người khác ngay trên mạng Internet... cùng vô vàn sản phẩm lỗi, sạn, nói ngọng, sai chính tả, chửi bởi thậm tệ người khác rất đáng sợ!".

Cũng theo anh T. vợ chồng anh làm việc suốt ngày, nên việc kiểm soát con trẻ tò mò trên MXH cũng là cả vấn đề, đó là chưa kể tâm lý các bé càng cấm thì càng tò mò, bởi vậy theo anh T, việc cấm đoán là vô cùng khó giữa thời buổi bùng nổ thông tin mạng như hiện nay, nhưng bỏ thời gian chơi với con, khuyên dạy, hướng dẫn một cách nhẹ nhàng, đủ sức cuốn hút thiết thực để các em tránh xa thông tin xấu, độc hại, hình ảnh phản cảm cũng là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm thực hiện...

Hiện nay, lực lượng Công an đã và đang thực hiện căn cước công dân gắn chíp, có mã định danh, nên nếu có thể cần tích hợp thông tin về những trường hợp đưa tin sai sự thật, dùng lời lẽ dung tục, chửi bới, bôi nhọ, xúc phạm người khác, tạo dựng clip, video bẩn, độc hại, phản cảm… đã bị xử lý hay vướng án tích. Trường hợp tái phạm cần phải xử lý nặng hơn gấp nhiều lần.
Bài 2: Truyền thông
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang