Lâm tặc nghe danh đã sợ
Thấy có người lạ đi vào cửa rừng, rất nhiều con mắt dò xét dõi theo chúng tôi. Vừa đi được đến con suối cuối thôn Phú Danh, chiếc xe máy của chúng tôi đã bị chặn đầu lại. Một người đàn ông ở độ tuổi xế chiều, trên lưng đeo chiếc ba lô bộ đội hỏi với dọng nghi ngờ: “Các anh đi vào rừng làm gì?”.
Tuy nhiên, khi được giới thiệu và xuất trình được các loại giấy tờ, người đàn ông chặn đầu xe đã thay đổi thái độ. Người đàn ông này chính là ông Thái Văn Cường, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) - đây là Chi hội giới lâm tặc chỉ cần nghe danh đã sợ.
Để xe ở cạnh con suối, chúng tôi theo chân ông Thái Văn Cường cùng 3 cựu chiến binh khác đi tuần tra, bảo vệ rừng. Vượt suối, trèo đèo, đi được hơn 1 giờ trong rừng, chúng tôi đã thấm mệt nhưng 4 cựu chiến binh đã trên 50 tuổi vẫn nhanh như con sóc rừng.
Những cựu chiến binh tuổi đã cao nhưng vẫn bám rừng để bảo vệ Vừa đi, ông Thái Văn Cường chia sẻ: “Thông thường mỗi chuyến đi kéo dài từ 3-4 ngày. Mỗi khi “hành quân”, các anh em phải cõng theo gạo, thực phẩm, đến bữa thì dừng chân, nấu cơm ăn. Tối thì mắc võng ngủ trên cây, hoặc trú ẩn hang đá... Cứ như vậy, các tổ (3 đến 4 người) thay nhau đi tuần đến khi nào hết khu vực rừng nhận khoán mới trở về”.
Vừa dứt câu chuyện, cựu chiến binh Lê Văn Thắng (thành viên trong đoàn) chỉ tay về phía mỏm đá và cho biết: “Hôm đi tuần gặp mấy lâm tặc đi xe độ chế, mang cưa máy vào rừng thì bị chúng tôi phát hiện. Lâm tặc thấy chúng tôi vẫn ngang nhiên cho xe đi tiếp, anh em liền vượt lên trước chặn đầu xe lại. Thái độ của chúng nghênh ngang lắm, không chịu quay ra.
Tôi giải thích cho chúng, việc phá rừng sẽ gây thiệt hại lớn về môi trường và tài nguyên, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người nhưng chúng không nghe. Chúng tôi lúc đó cương quyết, yêu cầu chúng đi ra khỏi rừng nếu không sẽ xử lý. Thấy không làm ăn được gì, chúng phải lên xe rút lui trong sự hậm hực”.
Mỗi lần đi tuần kéo dài khoảng 3 ngày Cựu chiến binh Phạm Đình Dũng tiếp lời: Sau khi đuổi được nhóm lâm tặc ra khỏi rừng, anh em trong Chi hội về họp lại để tìm tung tích bọn này. Qua rà soát, anh em cũng nắm được danh tính của nhóm đó. Ngày hôm sau, tôi mang theo 1 con gà và chai rượu xuống ngay tại làng để vận động. Khi thấy tôi, các thanh niên đó có vẻ e ngại. Nhưng khi tôi mang gà vào tận nhà làm thịt, đem rượu ra uống cùng thì các thanh niên mới tin tưởng.
“Tôi khuyên, cưa cây gỗ trên rừng là vi phạm pháp luật, thanh niên đang khỏe tập trung làm rẫy để ổn định cuộc sống lâu dài. Sau chầu nhậu đến gần nửa đêm, nhóm thanh niên tuyên bố sẽ giải nghệ”, ông Dũng kể.
Ông Thái Văn Cường (người đi đầu) nhiều lần cảm hóa lâm tặc bỏ nghề Trong 4 năm tham gia bảo vệ rừng, các cựu chiến binh đã nhiều lần giáp mặt bọn lâm tặc, thậm chí bị đe dọa. Cựu chiến binh Nguyễn Thành Duy kể lại: Có lần chúng đi xe máy độ chế định vào rừng, bị người dân phát hiện báo cho chúng tôi. Ngay lập tức, tôi và 1 đồng chí khác phóng xe đi truy tìm. Đến đoạn dốc gần bìa rừng thì chúng tôi giáp mặt lâm tặc. Chúng đề nghị được vào rừng làm ăn, không chúng sẽ “xử đẹp”. Tuy nhiên trong tình thế đó, 2 anh em chúng tôi đã khéo léo giải thích. Thấy chúng tôi giải thích có lý, có tình, chúng nghe và kéo nhau về.
“Làm nghề này phải đụng chạm nhiều nên bị đe dọa là điều khó tránh khỏi. Thời lính, giáp mặt với địch, đạn bay vèo vèo, chúng tôi còn không sợ, giờ chúng chỉ là bậc con cháu làm gì phải sợ chúng. Nhưng cái đích cuối cùng của anh em là phải cảm hóa để lâm tặc tự nguyện bỏ nghề. Nên dù chúng có đe doạ cũng phải lùng ra được chỗ ở rồi mang chai rượu, con gà đến để vận động. Người dân địa phương muốn nói họ nghe cứ phải nhậu và trải lòng”, ông Duy chia sẻ.
Với người cựu chiến binh, rừng là thứ thiêng liêng Ngoài bị lâm tặc đe dọa, các cựu chiến binh đi tuần còn bị lũ cô lập nhiều ngày không về được nhà rồi vắt cắn, muỗi chích trong những chuyến đi xuyên rừng. Đến cả chuyện tham gia dập lửa trong vụ cháy rừng, có cựu chiến binh rơi cả giấy tờ cùng tiền và bị thiêu rụi hết…
“Bản lĩnh của người lính được rèn giũa nhiều năm trong môi trường quân đội đã giúp chúng tôi vượt qua được những khó khăn, mặc dù sức đã không còn đủ khỏe nữa. Tình đồng đội, đồng chí càng gắn chặt hơn qua những ngày ăn rừng, ngủ rẫy hoặc nhiều đêm ngồi co ro dưới cơn mưa rừng”, cựu chiến binh Lê Văn Thắng tâm sự.
Xứng danh bộ đội cụ Hồ
Ông Thái Văn Cường cho biết thêm, khu rừng này rộng 250ha do Chi hội trực tiếp nhận khoán bảo vệ từ chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra vào năm 2014. Do lực lượng của Chi hội chỉ có 25 người, quá ít so với diện tích rừng quản lý, nên để giữ được rừng, ngoài việc phân công người đi tuần tra theo kế hoạch, Chi hội cũng tập trung xây dựng “tai mắt” để chủ động phòng ngừa ngay từ cửa rừng.
“Mỗi năm Chi hội nhận được hơn 56 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này dùng vào việc mua sắm võng bạt, thực phẩm, xăng xe. Số tiến thừa nhập vào quỹ hoạt động của Chi hội. Ngoài việc đóng góp Quỹ nghĩa tình đồng đội, hoạt động hội, số tiền trên còn dùng để thăm hỏi động viên những gia đình hội viên gặp khó khăn và trích một phần giúp đỡ các cháu học sinh trong thôn vượt khó học tập...", ông Cường nói.
Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh chưa để lâm tặc chặt gỗ lần nào Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Hà Ra nhận xét: “Chi hội Cựu chiến binh thôn Phú Danh nhận khoán trên 250ha rừng. Từ năm 2014 đến nay, diện tích giao khoán này chưa lần nào xảy ra trường hợp bị mất rừng hoặc cháy rừng”.