Vũ trường về đêm mang lại một nét chấm phá cho thành phố trên con đường hội nhập. Nhưng nếu xã hội không có cách nhìn đúng đắn và cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý chặt chẽ, thì lằn ranh giữa tối và sáng sẽ thật quá mong manh…
Không lối thoát
Hồ Ngọc Minh Khoa (21 tuổi - quê huyện Giồng Trôm, Bến Tre), hiện đang là một sinh viên tại TPHCM và đang là… con nghiện tự cai tại gia. Gặp chúng tôi khi vừa cắt cơn, nét bơ phờ, uể oải thể hiện rõ trên khuôn mặt của nam thanh niên này.
Khoa nói rằng để có đủ quyết tâm tự cai nghiện, đối với cậu là một sự đấu tranh ghê gớm về ý chí. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, khá nhiều lần Khoa đã bật khóc vì không kiềm chế được cảm xúc. Cậu cho biết nguyên nhân đẩy mình vào cơn ác mộng nghiện ngập ngày hôm nay đến từ những chuyến “bay đêm” tường chừng vô hại.
Khoa vật vờ với cơn nghiện ma túy.
Vốn sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lại đi học xa nhà nên Khoa nhanh chóng bị lôi kéo theo những thói hư tật xấu của chúng bạn. Tự lúc nào, cậu trở nên sa ngã.
“Mỗi lúc có tiền, tụi em lại dắt díu đi bar. Mà vào đó ngoài uống rượu, nhảy múa, muốn được “thăng hoa” hơn thì dân chơi phải biết hít “khay” hoặc cắn “kẹo”. Ban đầu em cũng e dè không dám, nhưng thấy bạn bè chơi hoài mình cũng muốn thử cho biết. Thử riết thành quen rồi nghiện lúc nào không hay” – Khoa cúi gằm mặt.
Cứ thế, đêm nào cậu sinh viên tỉnh lẻ cũng lân la đến các vũ trường, quán bar ở Sài thành để được… “lắc” và “bay”. Rồi điều gì đến cũng đến, sau thời gian sa lầy, Khoa đã trở thành một con nghiện.
Mải miết lao vào vòng xoáy của cái chết trắng, đến lúc không còn tiền đáp ứng nhu cầu, cậu bỏ học, trốn tránh gia đình, và nghiễm nhiên trở thành một đối tượng gây bất an cho xã hội. Lúc này, khi ý thức được lầm lỗi thì tất cả cũng đã quá muộn màng.
“Xấu hổ và hối hận lắm, nhưng giờ đã quá muộn rồi. Cũng tại em đua đòi, thiếu hiểu biết nên mới ra nông nổi này. Giờ cứ mỗi lần vật vã lên cơn nghiện, em tuyệt vọng lắm. Nghĩ còn làm lại được, em ráng cai. Nhưng liệu ráng được bao lâu đây?” – mắt ngấn lệ, Khoa hỏi chúng tôi nhưng dường như đó cũng chính là câu trả lời vô định cho chính mình.
Các vũ trường hạng sang ở Sài Gòn luôn được xem là địa điểm lý tưởng để các dân chơi phê ma túy
Theo lời của Khoa, cùng chung nhóm bạn ăn chơi với cậu, vẫn còn nhiều thanh thiếu niên khác cũng đang vướng vào sức hút quỷ quái của ma túy. Với họ giờ đây, gánh nặng cho gia đình không còn là điều bận tâm duy nhất, bởi đa số đều mang tư duy bất cần và không lối thoát…
Lối rẽ nào ở tương lai?
Quá trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều cô gái bán dâm là vũ nữ hạng sang. Mỗi người một nguyên nhân đến với “nghề” nhưng tựu trung lại thì chia làm 3 dạng: Nhóm một do nhà nghèo, khó khăn nên bất chấp pháp luật để kiếm tiền. Nhóm hai có công ăn việc làm hẳn hỏi, gia cảnh đủ đầy nhưng thích đi tìm “cảm giác mới”. Và cũng có nàng vì người yêu mà đi… làm gái gọi.
Trương Thị Nguyệt (quê An Giang) đã ly hôn chồng được nửa năm nay. Hàng chục lý do cay nghiệt được Nguyệt đưa ra cho hạnh phúc không trọn vẹn của mình nhưng chung quy lại thì tất cả đều tại… số phận!
“Chồng không tốt, sao em lại chọn làm ý trung nhân?” – chúng tôi hỏi. Nhanh gọn, Nguyệt đáp: “Giàu!”. “Lúc trước em ở quê, thằng chồng em nó xuống cho ba má tiền cất lại cái nhà, rồi dắt em lên Sài Gòn. Thiệt tình là thời điểm ấy em cũng có bồ rồi nhưng thấy nhà nó giàu quá nên em nhắm mắt xuôi theo. Nào ngờ ưng về, có với nhau một đứa con mới biết nó nghiện ma tuý đá. Đêm nào mắt nó cũng trợn trừng. Nó bắt em phải thoả mãn nó đủ kiểu quái dị. Em chịu không thấu nên ôm con bỏ trốn” – Nguyệt tâm sự với ánh mắt đầy sự phẫn nộ và cái kết của câu chuyện ê chề này là một bãi đáp ê chề khác.
Sau 2 tháng ăn không ngồi rồi, hết tiền, không nghề nghiệp, Nguyệt đành “bấm bụng” đi làm vũ nữ để có tiền nuôi con.
Những
vũ công chân dài đang múa sexy phục vụ các dân chơi.
Nguyệt có lẽ là hoàn cảnh đơn cử nhất cho tất cả những cô gái hành nghề ở vũ trường. Với nhiều “hot girl quán bar”, chẳng một ai trong số họ muốn mình trở thành trò tiêu khiển cho đàn ông, nếu có một con đường khác tươi sáng hơn. Đó là điều chắc chắn. Nhưng liệu có phải cứ bị lạc đường là đổ lỗi cho dòng đời xô đẩy? Bản chất hình thành nên xã hội luôn tồn tại 2 mặt sáng - tối. Ma tuý, mại dâm hay biểu sống lệch lạc của một bộ phận giới trẻ hiện nay, suy cho cùng cũng là một hiện tượng xã hội, trong đó luôn có nguyên nhân và kết quả.
Vũ trường về đêm - “thiên đường” sử dụng ma túy tổng hợp của dân chơi tại TPHCM.
Một thanh niên hư hỏng, đó là kết quả của sự giáo dục thất bại. Một cô gái làm ca – ve, đó là kết quả của một mái ấm không hạnh phúc… Và khi đã một lần lạc lối, nếu những phận đời ấy khôngcó một môi trường đủ bao dung để đùm bọc, giúp chữa lành vết thương để thay đổi thì từ sai lầm này, sẽ tiếp tục dẫn đến sai lầm khác (!).
Chúng tôi lại nhắc đến chuyện của Nguyệt: Cách đây 2 tháng, cô báo tin mừng rằng sẽ bỏ cái nghề phức tạp này và đã tìm được một chân thử việc ở quán phục vụ đồ ăn nhanh. “Em sẽ không quay lại con đường đó nữa. Phải xé sạch quá khứ không đẹp đó, vì sau này con em sẽ lớn và em vẫn còn tương lai” – Nguyệt hạ quyết tâm.
Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, chúng tôi lại nhận được dòng tin nhắn: “Nghề cũ cho em quá nhiều tiền và em đã không vượt qua được cảnh thiếu thốn. E thất bại rồi!”. Vậy là những đồng tiền cám dỗ đã “giết chết” ý chí làm lại cuộc đời của cô gái trẻ.
Nguyệt chính thức chấp nhận cái nghề tủi nhục như một mặc định mà cuộc sống định đoạt cho mình. Chỉ sau thời gian ngắn thả mình trôi theo dòng nước đục, ít lâu sau, cô gái trẻ bị bắt trong một lần đi “ăn đêm” cùng khách. Đó là cái kết chẳng đặng đừng!
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An
Vũ trường là một môi trường sôi động, phù hợp với tính cách của các bạn trẻ. Trong không gian với những tiếng nhạc xập xình, họ sẽ được thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, được thể hiện phong cách, cá tính cũng như được mọi người tung hô. Dần dần, từ chuyện đi cho biết thì việc đi bar sẽ bắt đầu chuyển sang một thói quen khó từ bỏ. Bên cạnh đó, khi uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, giới nữ sẽ dễ bị cám dỗ vào nhiều thói hư, tật xấu, làm ảnh hưởng tới bản thân và sức khỏe. Đã có rất nhiều những bi kịch xảy đến đối với phái nữ khi mải mê đi vũ trường.
Không phải tự nhiên mà dư luận xã hội nhận định đây là nơi bắt nguồn của những tệ nạn xã hội nguy hiểm. Các bạn trẻ nên có một ý chí tỉnh táo khi quyết định đến những nơi này. Trong một xã hội phát triển, chắc chắn không thể thiếu những hình thức ăn chơi như thế. Quan trọng là chúng ta làm sao làm chủ và tiết chế được bản thân, hoà nhập chứ không hoà tan để tránh bị dụ dỗ, sa ngã để rồi đánh mất tương lai.
Một trinh sát ma tuý thuộc Công an TP.HCM
Việc ma túy tổng hợp được mối lái, buôn bán trong các vũ trường là một hiện tượng nhức nhối. Để dẹp bỏ vấn nạn trên một cách hữu hiệu, rất cần sự vào cuộc rốt ráo và quyết tâm hơn nữa của các đoàn liên ngành. Ngoài ra, cần làm rõ việc có hay không sự bỏ ngỏ, bao che, hoặc thậm chí bảo kê về mặt quản lý để cho các đường dây buôn bán cái chết trắng trong một số vũ trường hoạt động suốt thời gian qua? Kèm theo đó, mỗi người dân trong xã hội cũng phải là một kênh tuyên truyền, giúp người dân thật sự hiểu rõ tác hại khôn lường của các chất ma túy tổng hợp, để từ đó tránh né và cùng chung tay cảnh tỉnh. Như vậy mới là biện pháp mang tính dài lâu.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Lâm, Bệnh viện Bạch Mai:
“Khay”, thuốc lắc, hay “cỏ”… đều được bào chế từ các chất ma túy. Dựa vào hình thù tỉ lệ pha chế mà giới ăn chơi đặt cho chúng mỗi cái tên khác nhau nhằm phân biệt dễ dàng. Về thuốc lắc, chúng được bào chế từ ma túy tổng hợp, nhiều nhất là Ecstasy-xtc-mdma. Để sử dụng chất kích thích này, chỉ cần ngậm, không cần tiêm chích. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, thuốc lắc được các nơi sản xuất trộn thêm những chất khác để kích thích hệ thống thần kinh trung ương, gây hưng phấn và tạo ảo giác hoang tưởng, bay bổng trên mây. Mục đích chính là tăng lợi nhận. Thuốc lắc đứng sau Heroin nhưng sự tàn phá của chúng đến sức khỏe lại vô cùng khủng khiếp. Cụ thể, nó có thể gây vỡ mạch máu, tê liệt bộ não, hủy hoại bộ phận sinh dục và dẫn đến tử vong.
Về chất “khay”, đây là dạng ma túy mới chứa tiền chất ma túy Pseudoephedrine, có tác dụng gây ảo giác hơn rất nhiều lần so với ma túy thường nên chúng được giới ăn chơi thác loạn săn đón. Tôi đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị “phê” thuốc lắc dẫn đến hoang tưởng, gây nguy hiểm cho người khác mà ông gặp phải. Trong số đó, có một bệnh nhân từng tự dùng dao cứa chân mình rồi quay sang đòi cắt chân em ruột. Khi đưa vào điều trị, người này vẫn nhe răng cười, đầu lắc lư trong trạng thái “phê” thuốc. 2 năm sau, bệnh nhân nói trên nằm thực vật ở nhà vì gần như hệ thần kinh tê liệt vì dùng thuốc lắc quá liều. Những hệ quả tai hại này đều do các loại ma túy tổng hợp gây ra.
Trần Thị Thư, sinh viên Trường Cao đẳng VOV
Theo tôi thì đi vũ trường không xấu nhưng quan trọng là các bạn trẻ (đặc biệt là nữ giới) cần phải tự đặt ra một giới hạn cho chính mình vì khoảng cách giữa việc vui chơi lành mạnh và dấn thân một cách sa đọa rất mong manh. Đồng thời, để vũ trường không là mầm mống phát sinh tệ nạn, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, cũng như phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng để giáo dục, nâng cao nhận thức cho giới trẻ.