Bắt vàng lên tiếng
Sau nhiều lần đề nghị thì cuối cùng ông Nguyễn Thiên Hữu cũng chịu tiếp chúng tôi, nhưng vẫn dè dặt. Ông phân bua: "Nghề này đúng ra phải có giấy phép, nhưng tôi đang làm "chui" nên các anh thông cảm". Ông Hữu được biết đến là một trong vài người đầu tiên ở TPHCM khai thác vàng từ thiết bị điện tử bỏ đi (rác điện tử). Ông kể, cách đây hơn hai chục năm, lúc đó còn làm nghề mua bán, sửa chữa điện tử ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Q1), với thói quen hay tìm tòi, khám phá, ông hiểu rằng việc sản xuất hàng điện tử luôn cần đến một tỉ lệ vàng nhất định.
"Khi đó tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ các trang tài liệu đăng trên internet về công nghệ tách vàng từ những chiếc máy tính, ĐTDĐ hỏng, nhưng nhận thấy rất khó, dù thừa biết nếu làm được là... hốt vàng. Từ đó tôi đã hình thành ý thức gom các linh kiện điện tử hỏng rồi tìm mua hóa chất, dụng cụ về mày mò bóc tách thử nghiệm" - ông nhớ lại.
Thế nhưng, phải mất đến vài năm sau đó và khi có thêm sự giúp sức của một người bạn hàng Trung Quốc, thì "công nghệ" phân tách vàng của ông mới thực sự thành công. Từ đó ông quyết định sang cửa hàng để lấy vốn về P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân bây giờ, đầu tư cơ sở khai thác vàng từ rác điện tử.

Bên trong những xưởng "khai thác"
Xưởng của ông hiện có 20 người làm việc. Ngoài cùng là 5 công nhân tiếp nhận, sắp xếp các đống đồ điện tử, kế đến nhóm thợ thực hiện việc rã thiết bị và một tốp khác ngồi tỉ mẩn tháo từng chi tiết nhỏ nhặt có phủ vàng gắn trên các bo mạch. Đi vào trong cùng mới đến xưởng bóc tách vàng. Chỉ tay lên cánh cửa xám đóng kín, ông Hữu nói "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đơn giản vì trong đó chứa nhiều hóa chất cực độc, rất nguy hiểm. Tuy nhiên theo chúng tôi biết thì đấy không phải là lý do chính, cái chủ yếu là ông Hữu không muốn ai, ngoài những người thân tín làm việc trong đó, biết được số vàng đang thu được mỗi ngày, cũng như cách làm như thế nào để có chúng. Hỏi ông về lượng vàng thu được từ một chiếc laptop hay điện thoại thông minh, chúng tôi chỉ nhận được cái cười lắc đầu kèm sự giải thích "thì trong bo mạch, các cổng kết nối, khe cắm ... đều có phủ lớp vàng từ một đến vài micron".
Cũng nằm trong số ít người đang làm nghề khai thác vàng từ rác điện tử ở TPHCM, nhưng anh Nguyễn Viết Hưng lại có điểm thuận lợi là sinh ra trong gia đình có truyền thống làm vàng, luyện vàng ở Nghệ An. Anh Hưng kể, từ nhỏ đã biết đến những bể hóa chất do bố và ông nội thiết kế để tách vàng sa khoáng. Khi vào TP lập nghiệp, làm việc trong xưởng chế tác của một công ty vàng bạc, đá quý nổi tiếng, thu nhập ổn định, tuy nhiên máu nghề nghiệp gia đình đã đẩy anh đến cơn "thèm khát" khi biết trong thứ rác điện tử lại có vàng.
Để tiết kiệm nhân công, anh Hưng không thu gom rác điện tử nguyên chiếc mà kết hợp với đầu mối ở chợ điện tử Nhật Tảo (Q10) để mua bo mạch đã được tháo rời. Các đầu mối này tổ chức mua rác điện tử từ những người ve chai hoặc cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghệ, sau khi tháo lấy bộ phận còn sử dụng được, họ tập hợp linh kiện "vứt đi nhưng chứa vàng" để cân ký bán rẻ cho anh.

Vàng được sử dụng rất nhiều trong bo mạch điện tử
Xưởng của anh Hưng (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) chỉ có khoảng hơn 10 người làm việc nhưng mỗi ngày đang xử lý hàng tấn linh kiện dạng này. Anh bật mí, sau khi tập hợp, các mảnh chứa vàng được đưa vào bể hóa chất để làm tan chảy toàn bộ, sau đó dùng giải pháp điện phân sàng lọc rồi cho vào một hệ thống để "đón lõng" các lắng động vàng. Tiếp đến còn phải được luyện trong "lò” thủy ngân và khò với nhiệt độ cao cho nó tan chảy trước khi vón lại thành những cục nhỏ bằng hạt sương...
Anh Hưng khẳng định, tuy không thể nào nắm hết tại TPHCM đang có bao nhiêu người làm nghề này, nhưng chỗ anh biết thì khoảng 20 người. "Công việc giống nhau thôi, nhưng phương pháp mỗi người một khác vì còn tùy thuộc nhiều vào kinh nghiệm và sự chịu khó tìm tòi của mỗi người. Nói thật thì trên thực tế cũng chưa có phương pháp nào mới, bản chất vẫn là luyện vàng truyền thống từ xa xưa, nhưng mỗi gia đình lại có cách "luyện" riêng theo kiểu bí truyền nên khó để chia sẻ” - anh tâm sự.
Nguy hiểm khó lường
Tiến sĩ Mạc Hồng Quân - chuyên ngành khoa học vật liệu, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết, phế thải điện tử rất độc hại. Hầu hết các bo mạch, mối hàn, pin... đều có chứa chì, thủy ngân, cadmium, chromium... Đây là những chất cực độc đối với sức khỏe con người và luôn làm môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, các kim loại nặng trong linh kiện điện tử còn có thể xâm nhập vào người qua đường hô hấp khiến cơ thể bị suy yếu hoặc ngộ độc. Chính vì thế việc xử lý bắt buộc tuân thủ theo qui trình nghiêm ngặt được cơ quan chức năng cấp phép và kiểm soát chặt chẽ.

Việc săn vàng từ rác điện tử hiện nay chủ yếu vẫn làm thủ công rất nguy hiểm
"Việc sử dụng hóa chất mạnh để bóc tách vàng trong phế thải điện tử như hiện có người đang làm là vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ gây nhiễm độc do từ chính nội tại của rác, mà còn chứa đựng hậu họa khôn lường từ các phản ứng hóa học trong điều kiện sử dụng không an toàn. Đơn cử như quá trình hòa tan hỗn hợp vàng bằng axít clohydric sẽ sinh ra khí clo, là loại khí cực độc từng được sử dụng làm vũ khí hóa học. Hay như phản ứng ngậm nước (hydrat hóa) của axít sunfuric được họ dùng, mà ở trường phổ thông chúng ta đã biết, là một phản ứng tỏa nhiệt cao, nếu để nước vào thì nó sẽ nổ và bắn ra ngoài..." - ông giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Quân không vì thế mà chúng ta quay lưng với "núi" vàng có sẵn trong rác này. Thực tế rất nhiều nước đã nhìn ra vấn đề và họ áp dụng công nghệ an toàn để khai thác chúng. Điểm hạn chế của nó hiện nay là vẫn nằm ở tầm quốc gia, quy mô lớn, nên khó để triển khai thành một ngành công nghệ được ứng dụng rộng rãi.
Nhưng đó không phải là vấn đề lớn, vì trong thời đại ngày nay, khi mà nhiều tài nguyên như vàng ngày một trở nên quý hiếm vì nguy cơ không còn khả năng khai thác được chúng từ lòng đất, trong khi công nghệ luôn tiến bộ, thì việc hình thành một ngành thông dụng về sản xuất vàng từ rác điện tử là điều hiển nhiên. Và không cần đợi lâu, khi mới đây một nhà khoa học ở Trường Đại học New South Wales (Úc) đã công bố dự án quy trình "đào mỏ đô thị” của mình và cho biết sẽ đưa vào sản suất trong vòng hai năm tới. Điểm đặc biệt của nhà máy này là dù chỉ nhỏ bằng cỡ vài chiếc container, nhưng trong đó sẽ áp dụng bóc tách bo mạch bằng robot, sau đó đưa vào một lò luyện kim có chức năng sử dụng những phản ứng hóa học chính xác ở nhiệt độ cao để nung chảy rồi thu hồi các kim loại quý. Tất cả những thành phần độc hại hoặc không còn giá trị được tiêu hủy một cách an toàn.
Theo tính toán, với chi phí đầu tư tương đối thấp, một nhà máy phân tách rác điện tử quy mô nhỏ này sẽ được hoàn vốn trong vòng 2 - 3 năm hoạt động, đưa lại doanh thu và việc làm ổn định, quan trọng hơn còn có thêm lợi ích xã hội và môi trường. Lẽ dĩ nhiên là nó tạo cơ hội bình đẳng cho những ai có đam mê và khát vọng làm giàu từ vàng, nhưng đương nhiên còn phải chờ đợi, chứ không thể nhạy bén "sáng tạo" bất chấp nguy hiển như đang tồn tại. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta buộc lòng đợi và đó là một tương lai quá gần.
Những con số "khủng"
Nhờ tính năng dẫn điện cực tốt, chịu nhiệt và không bị ôxy hóa nên vàng được dùng để phủ lên trong rất nhiều linh kiện điện tử, đặc biệt là tại các bộ phận truyền dữ liệu. Tính toán của chương trình môi trường Liên hợp quốc cho thấy, 43% tổng lượng vàng trên thế giới đang được sử dụng vào ngành điện tử và cụ thể hơn, trong 1 tấn bo mạch, chíp... có hàm lượng vàng gấp 800 lần so với quặng vàng tại mỏ tương đối, có cùng khối lượng. Các tính toán cũng cho thấy chi phí "đào mỏ đô thị” cho một qui trình chuẩn sẽ rẻ hơn 13 lần so với chi phí khai quặng ở các mỏ truyền thống. Ngoài vàng, rác điện tử còn chứa các kim loại quý khác như bạc, đồng, bạch kim và palladium (đất hiếm). Theo một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Hóa chất Hoa Kỳ, một chiếc tivi sử dụng màn hình ống tia âm cực (cathode-ray tube) chứa khoảng 450gram đồng, 227gram nhôm và khoảng 5,6gram vàng; một chiếc iPhone là 0,034gram vàng, 0,34gram bạc, 0,015gram palladium và chưa đến một phần nghìn gram bạch kim. Với hơn 50 triệu tấn rác điện tử mỗi năm, giá trị nguyên liệu có thể chiết xuất ước tính khoảng 55 tỷ USD, nó thực sự là "mỏ” tài nguyên giàu có.