(CAO) Tề Trí Dũng cùng đồng phạm ở IPC đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước trong việc chuyển nhượng 149 nền đất tại dự án An Phú Tây, gây thất thoát 127 tỷ đồng.
Ngày 19/9, TAND TPHCM mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981), cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC); Trần Đăng Linh (SN 1979), cựu Phó tổng giám đốc IPC; Mai Văn Đường (SN 1956), Cựu Chủ tịch HĐTV Công ty IPC; Phạm Xuân Trung (SN 1977), cựu Phó tổng giám đốc công ty IPC; Vũ Xuân Đức (SN 1973), cựu thành viên HĐTV Công ty IPC; Hồ Thị Thanh Phúc (SN 1977), cựu Trưởng phòng kinh doanh IPC và Mai Bửu Tâm (SN 1987), cựu chuyên viên phòng phát triển kinh doanh IPC) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo tại toà
Theo cáo trạng, Công ty IPC do Mai Văn Đường làm Chủ tịch HĐTV trong năm 2016, đến tháng 2/2017 Lê Hoàng Minh được phân công thay vị trí của ông Đường. Tề Trí Dũng làm Tổng Giám đốc Công ty IPC.
Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Công ty Sadeco), trước tháng 3/2015, Công ty Sadeco là Công ty con của Công ty IPC (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) với tỷ lệ vốn góp của IPC là 74,8%. Tề Trí Dũng làm Chủ tịch HĐQT, Hồ Thị Thanh Phúc làm Tổng Giám đốc Công ty Sadeco.
Ngày 16/6/1995, Kiến trúc sư trưởng Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết cơ cấu sử dụng đất Khu định cư An Phú Tây (1/2000) giao cho Công ty đầu tư và xây dựng huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư đầu tư, với diện tích 47ha. Mục tiêu của dự án xây dựng hạ tầng khu định cư cho dân trong khu vực giải tỏa xây dựng tuyến đường Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh.
Ngày 23/4/2001, UBND TP.HCM có văn bản chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Công ty đầu tư và xây dựng huyện Bình Chánh sang Công ty Sadeco. Ngày 27/10/2003, Hội đồng quản trị Công ty Sadeco có Quyết định chấp thuận đầu tư Dự án An Phú Tây, với tổng mức đầu tư 397,49 tỷ đồng. Nhiệm vụ đầu tư khu định cư An Phú Tây phục vụ việc bố trí tái định cư các dự án trong khu đô thị Nam TPHCM. Sau đó, Công ty IPC góp vốn nhận lại nền đất theo hợp đồng với Công ty Sadeco.
Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ của mình tại Công ty IPC, các cá nhân liên quan tại Công ty IPC đã đề xuất, quyết định việc chuyển nhượng 149 nền đất tại dự án An Phú Tây không đảm bảo hiệu quả, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là vốn của UBND TPHCM tại Công ty IPC hơn 127 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, Tề Trí Dũng và đồng phạm thuộc Công ty IPC vì những mục đích, động cơ khác nhau cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Các bị cáo đồng thuận chủ trương và trực tiếp ký kết các hợp đồng chuyển nhượng 149 nền đất tại dự án An Phú Tây với giá rẻ hơn thị trường, gây thất thoát cho nhà nước hơn 127 tỷ đồng.
Đối các sai phạm trong việc chuyển nhượng các nền đất tại dự án An Phú Tây, Tề Trí Dũng có vai trò chính, xuyên suốt toàn bộ các hành vi phạm tội. Với chức vụ Tổng Giám đốc Công ty IPC, Dũng có trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản của Công ty IPC, bảo toàn vốn Nhà nước. Nhưng vì ý thức coi thường pháp luật, Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Trong khi UBND TPHCM là đơn vị chủ sở hữu của Công ty IPC vẫn chưa có ý kiến về cho phép việc chuyển nhượng, thì Tề Trí Dũng đã chỉ đạo cán bộ trong Công ty thực hiện quy trình chuyển nhượng các nền đất tại dự án cho các cá nhân.
Tề Trí Dũng là người trực tiếp duyệt các Tờ trình của Phòng phát triển kinh doanh, Công ty IPC; là người đại diện Công ty IPC ký các Tờ trình gửi Hội đồng thành viên để xin chủ trương cho việc chuyển nhượng, ký các biên bản thỏa thuận, các Hợp đồng đặt cọc mua bán với các cá nhân.
Trong quá trình quản lý, sử dụng vốn của Công ty IPC để đầu tư, kinh doanh nền đất tại Dự án An Phú Tây, với cương vị, chức trách được giao, Tề Trí Dũng không kiểm tra giá trị thực tế nền đất, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước số tiền hơn 127 tỷ đồng.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. Dự kiến phiên toà xét xử trong nhiều ngày.