Chiều 17-11, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với Lê Ngọc Ninh (SN 1969, ngụ thôn Võng Ngoại, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và con nuôi Nguyễn Văn Sơn (SN 1989, ở Sơn Tây, Hà Nội) về tội "Giết người".
Nạn nhân trong vụ án là ông Nguyễn Đỗ Tỵ (SN 1965, ở thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).
Đưa ra bản luận tội sau khi HĐXX kết thúc xét hỏi, đại diện VKSND Hà Nội đánh giá hành vi của 2 bị cáo có tính chất côn đồ, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, Ninh với vai trò chủ mưu, đã gọi Sơn đến và "chỉ đạo" đánh ông Tỵ.
Nguyễn Văn Sơn bị tòa tuyên tử hình còn cha nuôi Lê Ngọc Ninh bị tòa tuyên án chung thân.
Quá trình điều tra và tại tòa, Ninh không nhận tội. Tuy nhiên, VKS căn cứ lời khai của Sơn và các tài liệu thu thập được, đủ căn cứ xác định Ninh và Sơn đã phạm tội giết người. Sau khi xem xét, VKS đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt Lê Ngọc Ninh và Nguyễn Văn Sơn cùng mức án tù chung thân.
Tranh luận, các luật sư của bị cáo Ninh cho rằng cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, thu thập các chứng bởi việc buộc tội người này chỉ có lời khai của Sơn là không khách quan.
Kiểm sát viên đáp lại, nói việc thu thập chứng cứ, lời khai, thực nghiệm hiện trường đã được làm đúng, đủ theo quy định. “Các luật sư đề nghị làm lại chỉ kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án”, người giữ quyền công tố nói.
Sau khi nghị án, chủ tọa cho rằng lời khai, chứng cứ trong vụ án đủ căn cứ thể hiện Lê Ngọc Ninh là người gọi con nuôi tới VKSND huyện Phúc Thọ rồi chỉ đạo đánh ông Tỵ dẫn tới án mạng.
Hành vi của 2 bị cáo thể hiện tính côn đồ, đã trực tiếp tước đoạt tính mạng ông Tỵ, gây đau thương cho gia đình nạn nhân, bức xúc cho dư luận.
Do vậy, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Sơn án tử hình, bị cáo Ninh tù chung thân; mỗi người phải bồi thường 154 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Theo cáo trạng, chiều 5-10-2021, do có mối quan hệ quen biết, ông Tỵ mời một thẩm phán của TAND huyện Phúc Thọ sang bếp ăn của Viện KSND huyện Phúc Thọ liên hoan. Tới nơi, họ gặp ông Nguyễn Đức Trường, Phó viện trưởng VKSND huyện Phúc Thọ đang trực tại trụ sở nên mời tham gia.
Ông Trường đồng ý nhưng cho hay trước đó có hẹn nên đã rút đi sớm. Vì vậy, cả nhóm mời thêm Ninh tới dự tiệc. Đến 19 giờ 30 cùng ngày, còn Ninh, ông Tỵ và 7 người khác tiếp tục cuộc ăn uống.
Sau đó, ông Tỵ mời Ninh uống rượu nên một người rót cho cả 2. Tuy nhiên, khi thấy chén rượu của ông Tỵ, Ninh cho rằng người rót rượu "thiên vị" và đặt câu hỏi chén mình màu vàng, trong chén ông Tỵ màu nhạt hơn nên nghĩ là nước.
Ninh liền chửi người rót rượu là một cán bộ làm việc tại huyện Phúc Thọ: "Tại sao mày rót nước lọc cho ông Tỵ, mày có biết bố mày là ai không?".
Người rót rượu xin lỗi nhưng vẫn bị Ninh cầm chén ném vào mặt. Thấy Ninh bạo lực, một người tên Trường "đá" liền đứng dậy đấm Ninh nên cuộc nhậu phải giải tán.
Ra cổng VKSND huyện Phúc Thọ, bị cáo Ninh chặn ông Tỵ lại, yêu cầu phải gọi Trường "đá" quay lại xin lỗi mình nếu không sẽ "gọi người xuống làm việc". Ông Tỵ từ chối.
Lúc này, Ninh liền gọi điện cho con nuôi là bị can Nguyễn Văn Sơn, nói: "Bố đang va chạm, con cho anh em xuống". Sơn lập tức xách theo một cây đao, bắt taxi tới trụ sở VKSND huyện Phúc Thọ.
Thấy con nuôi, Ninh liếc mắt, chỉ ngón tay về phía ông Tỵ để ra hiệu phải đánh nạn nhân. Sơn thấy vậy đã liên tiếp đạp, đá vào người ông Tỵ và chửi: "Mày láo với bố tao à".
Khi ông Tỵ gục xuống, Ninh và Sơn đưa nạn nhân đi viện cấp cứu nhưng ông này tử vong 2 ngày sau đó.
Tại toà, trả lời HĐXX, bị cáo Ninh bác bỏ cáo buộc giết nười, cho rằng chỉ gọi Sơn đến "đưa mình về", không bảo Sơn đánh ông Tỵ. Ninh cho hay tình cảm giữa mình và nạn nhân Tỵ rất tốt.
Phản pháo cha nuôi, Sơn khai ngược lại: "Ông Ninh bảo đánh, bị cáo mới đánh. Bị cáo không thể tự nhiên đến đó đánh người ta vì không quen biết, thù hằn gì".
Theo Sơn, chính bố nuôi đã "đánh mắt, chỉ tay vào ông Tỵ" nên anh ta hiểu là đánh người này và từ đó ra tay.
"Bị cáo chỉ muốn đánh cảnh cáo nhưng nó thành ra như thế. Bị cáo tin tưởng bị cáo Ninh nên mới như vậy, bị cáo xin khai đúng để mong khoan hồng. Chính vì dành tình cảm cho bị cáo Ninh nên tôi mới có ngày hôm nay", Sơn khai và có ý trách móc cha nuôi.
Trước những lời khai này, bị cáo Ninh tiếp tục phủ nhận, cho hay "không bảo Sơn đánh người".
Chủ tọa tiếp tục cho đối chất, bị cáo Sơn giữ lời khai và cho biết khi bị bắt, Ninh có đề nghị mình "nhận hết tội".
Sơn khai: "Ninh bảo mày nhận hết tội đi, tao ra ngoài lo cho gia đình ông Tỵ, gia đình mày. Khung của mày 7 đến 15 năm tù, tao sẽ "nắn" để lo cho mày 7 năm. Bị cáo bảo không, đến nước này cứ để công an xử lý, sao tôi phải nhận hết".
Được chủ tọa hỏi, bị cáo Ninh phủ nhận các lời khai trên. Tuy nhiên, Sơn cam đoan là đúng.
Tại tòa, Lê Ngọc Ninh cho hay: "Sơn là đứa cháu ngoài xã hội, lúc gọi tôi là bố, lúc gọi là chú. Thực tế Sơn gọi nhiều người là bố nên tôi không để ý việc đó".
Ngược lại, Sơn nói: "Tôi gọi nhiều người là bố nhưng chỉ dành tình cảm đó cho ông Ninh, chính vì ông ấy nhận tôi là con nên tôi mới phải có ngày hôm nay. Ông Ninh nói như vậy là không đúng lương tâm… Việc ông ta nhận tôi là con có vợ tôi làm chứng".
Chủ tọa cũng công bố lời khai của tài xế taxi, người chở Sơn lên địa điểm gây án. Lời khai này thể hiện Sơn khi trên xe đã nói chuyện điện thoại với Ninh, hai người xưng hô bố con.
Trước đó, phiên tòa thu hút sự chú ý của dư luận bởi tính chất côn đồ, manh động của hai bị cáo. Sáng cùng ngày, người thân nạn nhân mang theo di ảnh đến tòa mong muốn tòa đem công bằng cho gia đình để an ủi người đã khuất.
Ninh và Sơn là thành phần bất hảo tại địa phương. Trong đó, bị cáo Ninh có 2 tiền án về hành vi cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản. Ninh có vợ từng làm ở Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ, nhưng do bản tính côn đồ, thường gây rắc rối, người vợ này và Ninh đã ly hôn.
Còn bị cáo Sơn từng 5 lần bị phạt hành chính về các hành vi mua dâm, đánh bạc và sử dụng ma túy.
(CAO) Nguyễn Văn Sơn khai sau khi giết người, bị cáo đã được cha nuôi khuyên "nhận hết tội" và đổi lại sẽ được “lo án nhẹ nhất, lo cho gia đình”.