(CATP) Sáng 14-4-2015, các báo đồng loạt đưa tin Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tạm giữ Phạm Văn Mạnh và Thân Ngọc Hiền (đều trú xã Nghĩa Trung) để điều tra việc tham gia truy đuổi, hành hung khiến nghi can trộm chó Võ Văn Tính tử vong vào ngày 5-4 vừa qua. Vụ việc tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận rất đáng phải suy nghĩ.
Trước đó, trưa 5-4, tại địa bàn nói trên đã xảy ra một vụ nổ súng nghiêm trọng. Võ Văn Tính (47 tuổi, trú phường Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh) đi xe máy đến xã Minh Đức để bắt trộm chó. Bị người dân phát hiện, kẻ trộm chó đã rút súng ngắn bắn liên tiếp về phía những người truy đuổi, may mắn không có ai bị trúng đạn. Cùng đường, kẻ trộm chó nhảy xuống đê bỏ trốn nhưng bị người dân vây bắt, đánh trọng thương và tử vong sau đó.
Cũng vào sáng sớm hôm qua (14-4), lúc 5 giờ 50 tại đường Lê Văn Lộc, thành phố Vũng Tàu, người dân chứng kiến hai thanh niên bắt trộm một con chó Beze khoảng trên 40kg, nhưng không có ai truy đuổi. Sau khi chúng chạy thoát, mọi người mới xúm lại bàn tán, có người nói: “Hai thằng này ghê thật! Giờ này mà dám bắt trộm chó”. Nhưng cũng có người nói: “Tôi thấy thằng ngồi sau cầm cái gì giống trái lựu đạn nên không dám tri hô!”.
Hai đối tượng trộm chó bị dân đánh hội đồng- Ảnh minh hoạ
Tình trạng trộm chó lại rộ lên trong những ngày qua, nhưng hình như mọi người cũng chẳng muốn tri hô, đuổi bắt làm gì vì có bắt được chúng cũng chẳng bị đi tù, công an phạt hành chính rồi lại thả. Không chừng còn bị trả thù. Nếu chẳng may đánh chết kẻ trộm chó coi chừng đi tù như chơi!
Hành vi đánh chết kẻ trộm chó cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là bị đánh hội đồng nên khó xác định ai là người đã gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, người trộm chó khi bị truy đuổi thì bỏ chạy, nếu có chống lại thì cũng chỉ bằng gậy bắt chó hoặc dao găm, mã tấu, chứ dùng súng Col 45 mà bắn lại mọi người thì chỉ mới thấy ở Việt Yên, Bắc Giang thôi!
Trong vụ án cụ thể này, không có gì đảm bảo rằng, hành vi tấn công của kẻ trộm chó đã kết thúc. Ai dám chắc rằng súng đã hết đạn, mà nếu có ai đếm được kể trộm đã bắn 7-8 viên thì cũng không vì thế mà cho rằng hắn hết đạn. Biết đâu trong lúc chạy, hắn lại lắp tiếp một băng đạn khác nữa vào súng thì sao! Khi hành vi tấn công đang xảy ra và chưa kết thúc thì mọi sự chống trả lại đều được coi là phòng vệ chính đáng.
Khi đã dùng súng bắn lại mọi người, kẻ trộm chó chứng tỏ rất táo tợn. Hầu như các trường hợp khác thì người truy đuổi nếu bị bắn lại thì chắc không ai dám truy đuổi nữa, vì biết đâu kẻ trộm chó bắn chết thiệt thân! Trong vụ án này, sau khi bị kẻ trộm bắn trả, người dân vẫn rất dũng cảm truy đuổi tận cùng. Đây là hành động dũng cảm đáng được biểu dương, khen ngợi.
Việc đánh chết kẻ trộm, theo tôi không phải chỉ là xuất phát từ sự bức xúc, mà đó còn là hành vi phòng vệ cần thiết. Một kẻ đã phạm tội trộm cắp lại dùng súng tấn công người đuổi bắt thì khi bắt được, ai cũng sẽ phải dùng vũ lực để làm tê liệt sự tấn công trái pháp luật của kẻ trộm chó. Nếu chẳng may đánh chết kẻ dùng súng tấn công thì đó cũng là hành vi phòng vệ chính đáng.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Ảnh minh hoạ
Ở vụ án này, hai anh Phạm Văn Mạnh và Thân Ngọc Hiền đánh chết kẻ trộm chó, không chỉ bảo vệ tính mạng sức khỏe của chính mình, mà còn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Hoàn toàn khác với vụ án đánh chết kẻ trộm chó chỉ bị truy đuổi rồi bị bắt. Ví dụ: trong trường hợp này, nếu dân quân hay một chiến sĩ công an dùng súng bắn chết kẻ trộm chó tại chỗ thì đó cũng là hành vi được pháp luật cho phép, vì đã kịp thời ngăn chặn một hành vi nguy hiểm cho nhiều người.
Việc điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ án là cần thiết, nhưng việc tạm giữ hai anh Phạm Văn Mạnh và Thân Ngọc Hiền theo ý kiến cá nhân tôi là không cần thiết, khó tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
Mong rằng, trong quá trình điều tra Công an tỉnh Bắc Giang và Công an Việt Yên cân nhắc trong việc xử lý đối với người có hành động “dũng cảm” không chỉ bắt kẻ trộm chó, mà còn ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho nhiều người.
Đinh Văn Quế (Nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao)