Gây thất thoát 190 tỷ đồng, cán bộ ngân hàng lãnh án

Thứ Tư, 06/03/2019 16:32

|

(CAO) Nữ cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hoa không thẩm tra tài sản và giá trị thực của tài sản đảm bảo nhưng vẫn giải ngân khoản vay cho khách hàng dẫn đến ngân hàng không xử lý được tài sản để thu hồi nợ, gây thất thoát 190 tỷ đồng.

Ngày 6-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử Trần Thị Khánh Ngọc (39 tuổi) nguyên cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Nam Hoa và Nguyễn Thị Thắng (42 tuổi), nguyên Phó phòng kế hoạch kinh doanh của chi nhánh ngân hàng này về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trần Thị Khánh Ngọc tại phiên tòa

Theo bản án sơ thẩm, năm 2005, bà Trần Thị Minh Châu thành lập Công ty TNHH May Thiên Kim. Đến năm 2008, Công ty May Thiên Kim góp vốn với Công ty Techni Global Ltd. (trụ sở tại Mỹ) thành lập Công ty TNHH Đá Tấm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); bà Châu tiếp tục đứng tên giám đốc doanh nghiệp.

Từ 2009 đến 2010, bà Châu ký 5 hợp đồng tín dụng vay Agribank chi nhánh Nam Hoa 264 tỷ đồng. Để vay được tiền, nữ doanh nhân làm giả giấy tờ là chủ 10 ha đất (thuê của công ty khác), nâng khống giá trị nhà xưởng và giá trị dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp...

Sau khi được giải ngân, Châu dùng tiền vào việc trả nợ gốc và lãi của các khoản vay trước, trả tiền xây dựng nhà xưởng, số còn lại chi tiêu cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ giải ngân cho bà Châu, Trần Văn Phong (62 tuổi), nguyên giám đốc chi nhánh cùng hai cấp dưới là Thắng và Ngọc đã không thực hiện đúng các quy định của ngân hàng.

Cụ thể, tại các hợp đồng tín dụng, đều có chung tài sản đảm bảo là quyền sở hữu công trình xây dựng nhà xưởng số 1, 2, quyền sở hữu dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp của công ty và giá trị quyền sử dụng 10 ha đất thuê tại KCN Mỹ Xuân.

Khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, ba cán bộ ngân hàng đã không thẩm tra tài sản và giá trị thực của tài sản đảm bảo, hoặc tham khảo giá theo quy định của nhà nước.

Đối với giá trị quyền sử dụng lô đất, Phong và cấp dưới đã không thực hiện đúng quy định dẫn đến ngân hàng không xử lý được tài sản để thu hồi nợ.

Khi hai bên ký phụ lục hợp đồng thế chấp, phía ngân hàng không xác định cụ thể số tiền cho vay theo từng tài sản nên không phát hiện nhà xưởng số 1, 2 đã được dùng để đảm bảo cho các khoản vay khác. Còn dây chuyền sản xuất đá tấm có giá trị 4.350.000 EUR (tương đương 107 tỷ đồng) đã bị Châu nâng khống lên 165 tỷ đồng để thế chấp cho hai khoản vay sau.

Tính đến tháng 5-2016, Công ty Đá Tấm tất toán 3 hợp đồng. Hai hợp đồng còn lại không có khả năng thanh toán, nợ ngân hàng này 190 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Châu cam kết liên hệ với ngân hàng để xử lý nợ nhưng sau đó bỏ trốn.

Trước đó, ngày 4/9/2018, TAND TP.HCM xử sở thẩm, đã tuyên phạt Trần Văn Phong 11 năm tù, hai bị cáo còn lại cùng lĩnh mức án 6 năm.

Không chấp nhận bản án này, Thắng và Ngọc sau đó đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thắng vắng mặt vì lý do sức khỏe. HĐXX nhận định cấp sơ thẩm đã áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo, mức án sơ thẩm là đúng người đúng tội, phù hợp với hành vi mà các bị cáo gây ra.

Từ đó, tòa quyết định bác kháng cáo của Thắng và Ngọc, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang