Đại án Đăng kiểm:

Chiến công xuất sắc làm nức lòng dân

Thứ Hai, 19/08/2024 09:36  | Quốc Phong

|

(CATP) Đây là đại án tham nhũng quy mô lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Việc phá án của Công an TPHCM giúp các cơ quan chức năng thấy "lỗi hệ thống" của ngành đăng kiểm. Tính đến cuối năm 2023, Công an 50 địa phương khác trên cả nước đã khởi tố 114 vụ án, với hơn 900 bị can liên quan đến công tác đăng kiểm...

Kiên quyết đấu tranh

Lắng nghe câu chuyện mà các cán bộ chiến sĩ, trinh sát, điều tra viên đánh án do Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TPHCM - đơn vị chủ công cùng các đơn vị nghiệp vụ, phòng ban khác, mới thấm thía những cam go, khó khăn nhưng bằng tinh thần kiên quyết, sáng tạo về công nghệ hiện đại vượt bậc..., lực lượng phối hợp đã đấu tranh, triệt phá vụ đại án này.

Kết quả cho thấy, Công an TPHCM kịp thời báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả đấu tranh hành vi phạm tội, làm rõ các sai phạm, tiêu cực tại một số trung tâm đăng kiểm. Đồng thời, Công an TPHCM nghiên cứu, xây dựng "Phương pháp nhận diện thủ đoạn hoạt động và biện pháp phát hiện đấu tranh với vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm" để báo cáo Bộ Công an, làm tài liệu và là cơ sở để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ triển khai trên toàn quốc.

Chính vì vậy, ngày 08/12/2022, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tổ chức Hội ý nghiệp vụ với Cục CSGT và Công an 18 địa phương; Công an TPHCM trực tiếp báo cáo. Tại đây, để trao đổi phương thức, thủ đoạn, các hành vi vi phạm, tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới; hướng dẫn nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh với vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.

Công an TPHCM bảo vệ trật tự trong thời gian diễn ra phiên xét xử đại án đăng kiểm

Hội ý nghiệp vụ đã nhận diện hành vi sai phạm có tính chất phổ biến, có tổ chức tại nhiều trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội có sự móc ngoặc, thống nhất, bàn bạc "từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới" giữa các cá nhân tại trung tâm đăng kiểm và cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 12/01/2023, tại Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lúc đó do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo - chủ trì, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án "đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và khẳng định, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm không phải là tham nhũng "vặt" mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn.

Tiếp đó, ngày 18/3/2023, lãnh đạo Bộ Công an chủ trì Hội ý nghiệp vụ với Công an 63 địa phương để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị đấu tranh với sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm; đồng thời hướng dẫn Công an các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, xử lý. Tính đến nay đã có Công an 50 địa phương trên toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra hơn 900 bị can về nhiều tội danh, trong đó chủ yếu là "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ".

Quá trình điều tra làm rõ vụ án thể hiện rõ tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an TPHCM nói riêng và Bộ Công an nói chung; là minh chứng rõ nét trong việc quyết tâm điều tra đến tận cùng, làm rõ nguyên nhân điều kiện phát sinh, tồn tại tình trạng hoạt động vi phạm pháp luật mà trực tiếp là các phương tiện cơ giới quá khổ, quá tải, mất an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

Phiên xét xử sơ thẩm

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Thượng úy Lê Hùng Trường (Đội 6, Phòng CSHS Công an TPHCM) tâm sự: "Với vai trò là điều tra viên, thành viên Ban chuyên án, bản thân tôi được Ban chỉ huy Đội, lãnh đạo Phòng CSHS phân công phối hợp cùng các trinh sát viên và cán bộ Phòng CSGT trực tiếp xác minh nguồn tin ban đầu. Đồng thời, làm việc với các chủ phương tiện vi phạm và đối tượng liên quan, xác định vụ việc có dấu hiệu của hành vi "đưa hối lộ", "nhận hối lộ" để được cấp giấy chứng nhận kiểm định sai quy trình nên đã nhanh chóng báo cáo Ban chỉ huy đánh giá tài liệu, chứng cứ để xác lập chuyên án đấu tranh.

Khi tiến hành khám xét khẩn cấp Trung tâm đăng kiểm 62-03D và triệu tập các đối tượng liên quan về trụ sở làm việc, tôi trực tiếp đấu tranh với đối tượng chủ chốt là Huỳnh Thái Bảo, Lê Thị Diễm Mi và xác định ngoài hành vi "đưa hối lộ, nhận hối lộ" còn xảy ra hành vi "giả mạo trong công tác". Xác định đây là điểm mấu chốt của vụ án, tôi đề xuất và xây dựng kế hoạch khám xét khẩn cấp các Trung tâm đăng kiểm 66-02D, 71-02D và 83-02D do Trần Lập Nghĩa làm chủ. Qua đó thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ. Quá trình đấu tranh với Nguyễn Thanh Đông, Trần Minh Lý, Đặng Phong Em, các bị can khai đã sử dụng phần mềm FORM1 (MDO.exe) để chỉnh sửa dữ liệu kiểm định.

Từ đây, mở rộng ra hành vi "sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật" do Trương Duy Đức và đồng bọn thực hiện. Sau khi thu giữ phần mềm FORM1 (MDO.exe), tôi nhanh chóng xây dựng Kế hoạch thực nghiệm điều tra, thực nghiệm việc sử dụng phần mềm FORM1 (MDO.exe) tại Trung tâm đăng kiểm 71-02D và 50-19D để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can và chuyển tài liệu liên quan việc Đức cùng đồng bọn cung cấp phần mềm chỉnh sửa dữ liệu cho các Trung tâm đăng kiểm khác trên địa bàn cả nước để Công an các tỉnh, thành phố điều tra".

Áp giải các bị cáo

Điều khó nhất là tìm ra dữ liệu gốc mà theo Thượng úy Lê Hùng Trường, mặc dù đã tiến hành khởi tố vụ án về tội "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác", nhưng cơ quan điều tra chưa thể khởi tố bị can về tội này do chưa xác định được phương tiện nào đã bị chỉnh sửa dữ liệu kiểm định, vì toàn bộ hồ sơ đều ghi nhận các thông số đủ điều kiện. Sau thời gian nghiên cứu dữ liệu từ file "Win02.dat" do giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM phục hồi được, Thượng úy Trường nhiều lần làm việc với Trung tâm tin học - Cục Đăng kiểm Việt Nam để xác định phương thức hoạt động của phần mềm kiểm tra, đánh giá và ứng dụng Micronet do Công ty Việt Nét cung cấp.

Từ file "Win02.dat" kiểm tra trên ứng dụng Micronet và đối chiếu kết quả kiểm định của phương tiện lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, phát hiện 898 lượt phương tiện đã bị can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu kiểm định. Ngay lúc đó, Thượng úy Lê Hùng Trường đề xuất khởi tố bổ sung 7 bị can về tội "xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác".

Phòng CSHS được Ban Giám đốc Công an TPHCM phân công điều tra sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm và lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó, Thượng úy Lê Hùng Trường trực tiếp đấu tranh với các đối tượng thuộc Ban Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lúc đầu, các bị can quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi phạm tội. Bằng các nghiệp vụ, Thượng úy Trường phối hợp cùng các điều tra viên khác tiến hành bóc tách, nghiên cứu lượng lớn hồ sơ kiểm định, hồ sơ cải tạo thu giữ. Từ đó phát hiện ra điểm đột phá để xác định các chủ phương tiện có đưa hối lộ cho đăng kiểm viên, như hồ sơ có đánh dấu ký hiệu, hồ sơ do đối tượng môi giới ký nhận, hồ sơ kiểm định 2 lần trong ngày... Với tài liệu thu thập được, các đối tượng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và khai nhận việc đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Qua đấu tranh, Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm) đã thừa nhận toàn bộ hành vi "nhận hối lộ", thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, xin được khắc phục hậu quả. Hà khai việc trả lại tiền đã nhận của Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR); đưa cho Nguyễn Văn Chung 100.000USD để lo tìm hiểu thông tin. Sau đó, cơ quan điều tra thu hồi toàn bộ số tiền sử dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Tạo dựng niềm tin yêu của nhân dân

Khám phá đại án đăng kiểm với hàng trăm điều tra viên thuộc các phòng, ban nghiệp vụ tham gia. Trong đó, lực lượng đóng vai trò then chốt, chủ công trong đấu tranh chuyên án là Phòng CSHS, Phòng CSGT, Phòng Kỹ thuật hình sự và Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an TPHCM đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc. Qua đó cho thấy sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời của Ban Giám đốc Công an TPHCM. Lãnh đạo Phòng CSHS là điểm tựa vững chắc giúp toàn bộ lực lượng được huy động, tham gia đấu tranh. Họ luôn giữ vững niềm tin, quyết tâm đấu tranh đến cùng với mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Giới truyền thông tác nghiệp

Bên cạnh đó là sự linh hoạt trong áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhạy bén khi áp dụng biện pháp điều tra, nhanh chóng khám xét, thu giữ đầy đủ chứng cứ, tài liệu có giá trị để làm cơ sở, điều kiện quan trọng cho việc xác định đối tượng phạm tội, góp phần đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, công tác phối hợp các lực lượng, đơn vị Công an địa phương tham gia đấu tranh, điều tra vụ án thực hiện nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Công tác điều tra theo tố tụng và công tác trinh sát phải có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên trao đổi kết quả điều tra, xác minh nhanh để kịp thời xác định hành vi cũng như đối tượng phạm tội. Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, tuân thủ thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy, lãnh đạo đơn vị. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ tham gia điều tra đều được quán triệt, nắm rõ mục tiêu nhiệm vụ nhằm đoàn kết, quyết tâm đấu tranh triệt để với mọi hành vi vi phạm. Làm tốt công tác phát động quần chúng nhân dân đấu tranh tố giác tội phạm, phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tạo dựng niềm tin yêu của quần chúng nhân dân với lực lượng Công an nhân dân.

Xác lập đấu tranh chuyên án là hành động trực tiếp của Công an TPHCM trong quá trình triển khai, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tập trung đấu tranh sai phạm, tiêu cực tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Chuyên án như "phát súng mở màn" cho chuỗi hoạt động điều tra của Công an các đơn vị, địa phương trong sai phạm về lĩnh vực đăng kiểm.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng (là lãnh đạo Cục đăng kiểm) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thiếu kiểm tra, giám sát; khi biết có sai phạm, tiêu cực nhưng không có biện pháp chấn chỉnh khắc phục mà vì mục đích vụ lợi đã nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm của cấp dưới. Đồng thời, thông qua lãnh đạo Phòng VAR nhận hối lộ của các Trung tâm đăng kiểm khối D đã tạo điều kiện cho các trung tâm này thực hiện hành vi sai phạm...

Vì những động cơ, mục đích và vai trò khác nhau mà các bị can đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các đối tượng phát sinh, hình thành một cách có hệ thống, có tổ chức và tồn tại trong nhiều năm đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến nhiều lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông mà trực tiếp là hạ tầng giao thông đường bộ xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng do tình trạng phương tiện cơ giới quá khổ, quá tải hoạt động lộng hành...

Mặt khác, việc điều tra sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm buộc phải đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động hàng loạt Trung tâm kiểm định trên địa bàn cả nước, dẫn đến hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới hiện hành gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc trong quần chúng, tạo dư luận xấu trong xã hội với diễn biến phức tạp kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng đăng kiểm cũng như các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đăng kiểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang