Hơn ai hết cán bộ phải nắm rõ pháp luật
Vụ án "chuyến bay giải cứu" đang được TAND TP.Hà Nội xét xử gây chấn động dư luận. Trong đó, có 54 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về các tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Trong số 21 bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, có nhiều bị cáo từng là cán bộ cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế..., là thứ trưởng, cục trưởng, thư ký thứ trưởng, thư ký Phó thủ tướng, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, đại sứ tại nước ngoài... Tất cả những bị cáo này từng được đào tạo bài bản, thậm chí có nhiều người học ở nước ngoài về các chuyên ngành pháp luật quốc tế... Vậy mà họ vẫn thản nhiên vòi vĩnh, "ra giá” và nhận tiền "bôi trơn" từ các doanh nghiệp thực hiện "chuyến bay giải cứu", "chuyến bay Combo" đưa đồng bào ở nước ngoài về quê tránh dịch Covid-19.
Bị cáo Tô Anh Dũng (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) trong phần tự bào chữa vào chiều 18/7/2023 đã nói: "Với nhận thức khi đó còn đơn giản, tôi không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận "tiền cảm ơn" và hành vi phạm tội". Bị cáo này khai khi bị điều tra, được cán bộ công an giải thích và đọc 2 quyển sách luật nên đã nhận thức được sai phạm. Lời khai này của bị cáo Tô Anh Dũng rất khó chấp nhận. Có ai trong xã hội ta, kể cả người dân bình thường, học thức thấp, lại chấp nhận lời khai của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là không phân biệt được "tiền cảm ơn" với tiền hối lộ? Và đặc biệt là trong xã hội ta, không có công dân nào được phép cho mình thiếu hiểu biết pháp luật để khỏi bị pháp luật xử lý!
Vụ án "chuyến bay giải cứu" khiến dư luận đặc biệt quan tâm vì có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao
Không "bôi trơn" thì bị gây khó khăn, nhũng nhiễu
Nhớ lại hoàn cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới lúc đó mới thấy mức độ phạm tội nghiêm trọng của từng bị cáo trong vụ án trên. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, các đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Cụ thể, với tinh thần nhân đạo cùng quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã tổ chức hàng ngàn "chuyến bay giải cứu", "chuyến bay Combo" để đưa đồng bào về nước trong lúc đại dịch Covid-19 đang đe dọa toàn thế giới. Việc tổ chức các chuyến bay được thực hiện chặt chẽ, giao cho Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Giao thông - Vận tải, Công an, Y tế và Quốc phòng). Vậy mà những cán bộ được giao thực hiện trọng trách nhân đạo này trong một số cơ quan nhà nước lại cấu kết với nhau để nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.
Thời điểm này, để thực hiện những "chuyến bay giải cứu", "chuyến bay Combo" không hề đơn giản. Các doanh nghiệp phải thuê máy bay, trả trước một phần tiền và phải trải qua các thủ tục những tưởng là rất nghiêm ngặt, nhưng lại có kẽ hở quá lớn: sự thiếu công tâm, chính trực của những cán bộ được giao chức trách, nhiệm vụ liên quan.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) là người xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay, trực tiếp báo cáo để Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phê duyệt danh sách đó. Lan đã dùng rất nhiều chiêu trò, vòi vĩnh các doanh nghiệp. Bị cáo này nhận hối lộ 32 lần, với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Lan và một số bị cáo (nguyên là cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đã "tạo thành nhóm lợi ích", đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp. Không chỉ vậy, còn có "luật ngầm" trong việc cấp phép bay. Sau khi tiếp xúc, hối lộ cho Lan, như có một đường dây dẫn mối, các doanh nghiệp được gợi ý phải liên hệ với những "đầu mối" khác.
Các bị cáo đưa hối lộ khai rằng Lan và nhiều bị cáo khác đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế "xin - cho", buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ, dù việc này sẽ góp phần nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh. Doanh nghiệp nào chưa thỏa thuận đưa hối lộ liền bị gây khó dễ đủ kiểu, như: thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay..., nhằm mục đích ép doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Thậm chí Lan còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay, mà càng nhiều chuyến bay thì tiền hối lộ càng nhiều.
Bị cáo Tô Anh Dũng tại phiên tòa
Đòi hối lộ một cách trơ trẽn
Bị cáo Phan Trung Kiên (nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, cả về số lần và số tiền (253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỷ đồng) trong 11 tháng. Bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) khai trước tòa rằng Phan Trung Kiên ép buộc mình và nhiều người khác đưa tiền: "Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát tháo trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Ông Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng một chuyến bay. Đối với "chuyến bay Combo", ông Kiên "ra giá” với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến triệu đồng/khách. Đối với khách lẻ, ông Kiên ra giá từ 7 - 15 triệu đồng/khách... Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền, chứ tôi không muốn đưa và ông Kiên đòi tiền liên tục". Rõ ràng là Kiên - một thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế - đã quá lộng hành khi thực thi nhiệm vụ được giao.
Còn bị cáo Trần Văn Tân (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) khai trước tòa rằng từng nghĩ sẽ trả lại tiền sau lần nhận tiền đầu tiên. Tuy nhiên, do bị cuốn vào công việc, Tân không kịp trả và đã "lỡ rồi" nên nhận hối lộ tiếp những lần sau. Tổng cộng Tân đã 9 lần nhận tiền của các doanh nghiệp, với số tiền là 5 tỷ đồng trong quá trình cấp phép cách ly trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho người dân về nước trên các "chuyến bay giải cứu". Điều đáng xấu hổ là bị cáo Tân làm cán bộ lãnh đạo của UBND tỉnh mà khai tại tòa rằng: "nghĩ rằng tiền của doanh nghiệp, không phải từ ngân sách nhà nước nên tôi đã nhận". Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận tiền từ ngân sách hoặc từ doanh nghiệp và nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính (trừ trường hợp nộp tiền theo quy định của pháp luật). Không lẽ bị cáo Tân đã quên hết những quy định này?
Sự trừng phạt của pháp luật và công luận
Còn nhớ vụ "vòi tiền" của một số cán bộ thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vào tháng 3/2019, khiến xã hội bức xúc. Các đối tượng trong vụ này đã bị cơ quan tiến hành tố tụng xử lý rất nghiêm. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng kiểu như vậy chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của không ít cán bộ, công chức, viên chức khác trong quá trình thực thi công vụ vẫn khiến người dân, doanh nghiệp phải có "cơ chế mềm", phải "bôi trơn", "biết ý”, "chung chi"... Đó là khoảng tối xấu xa mà xã hội ta phải chung tay đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức, viên chức hoặc cá nhân, tổ chức khác được nhà nước trao quyền để thực hiện. Nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện quyền lẫn trách nhiệm giải quyết, nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội. Những đối tượng vì đồng tiền mà sẵn sàng vi phạm đạo đức công vụ, dù biết rõ đó là vi phạm pháp luật thì phải bị loại ra khỏi bộ máy nhà nước và xử lý nghiêm minh với các mức chế tài nghiêm khắc nhất. Điều đó không chỉ khiến những đối tượng vi phạm phải run sợ, phải trả giá trước pháp luật mà còn góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự công bằng trong xã hội, bởi vì "không ai được phép cho mình đứng trên pháp luật". Cạnh đó, các hình phạt nặng nề còn khiến những cán bộ, công chức, viên chức khác phải lấy đó làm gương mà tránh sa vào, phạm vào tiêu cực, tham nhũng.
Trong đời sống xã hội, ngoài sự trừng phạt của pháp luật còn có sự trừng phạt của dư luận, công luận đối với các bị cáo trong vụ án trên. Trước con mắt của người dân, hình ảnh các bị cáo đáng bị chê trách, phê phán, phẫn nộ.