Đinh La Thăng: Bị cáo chuyển công tác, mọi nghĩa vụ không còn gì

Thứ Năm, 22/03/2018 18:18  | Trà My

|

(CAO) Chiều 22-3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ làm mất 800 tỷ đồng tiền vốn của PVN tại Oceanbank tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Phan Trung Hoài đưa ra quan điểm: PVN đã chuẩn bị các thủ tục thành lập Ban trù bị, tạo lập cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để xin thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Do chủ trương chung của Chính phủ, PVN đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý dừng thành lập ngân hàng Hồng Việt.

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa

Để giải quyết những vướng mắc và hệ lụy do việc dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt, ông Thăng đã chỉ đạo cấp dưới làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Oceanbank. Các Ngân hàng không đồng ý tiếp nhận theo điều kiện của PVN mà chỉ có Oceanbank đồng ý cho PVN góp cổ phần.

Quá trình điều tra, ông Thăng đã nhìn nhận - không có cuộc họp của HĐQT bàn riêng về việc ký Thỏa thuận 6934, nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên HĐQT không biết. “Cần nhìn nhận, đánh giá về giá trị pháp lý của bản Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 và việc ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận này có phải bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng PVN bị mất vốn 800 tỷ hay không?” - Luật sư Hòa đặt câu hỏi và khẳng định, tại phiên tòa, ông Hà Văn Thắm cũng khẳng định: Thỏa thuận 6934 chỉ là bản thỏa thuận về nguyên tắc, còn khi thực hiện phải làm các thủ tục xin phép Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan.

Không chỉ PVN có trách nhiệm đánh giá năng lực của Oceanbank mà chính các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Hải Dương đều phải xem xét và đánh giá năng lực của cả PVN và Oceanbank trước khi chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc đồng ý cho PVN góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ 20% của Oceanbank.

Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, nhưng để thực hiện việc hạ tỷ lệ vốn góp của các tổ chức kinh tế nói chung và của PVN nói riêng tại Oceanbank, cần chờ văn bản hướng dẫn luật như Nghị định, thông tư. Do thời điểm năm 2011, chưa có văn bản hướng dẫn nên PVN chưa thể thực hiện việc thoái vốn xuống mức không quá 15% vốn điều lệ tại Oceanbank. Hơn nữa, việc thoái vốn phải có phương án thoái vốn được Chính phủ phê duyệt và nhất là cần phải có thời gian để tìm được đối tác chuyển nhượng vốn, Vì vậy, Hội đồng thành viên và ông Thăng chưa thể có chỉ đạo gì về việc này.

Còn luật sư Nguyễn Huy Thiệp thì cho rằng, hậu quả vụ án là do lỗi của HĐQT Oceanbank, nay lại buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm là không hợp lý.

Sau phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Đinh La Thăng có lời cảm ơn đến các luật sư của mình và bày tỏ lo lắng: "Bị cáo sợ là mình không có đủ thời gian để thi hành hết các bản án".

Trước đó, tự bào chữa sau khi bị đại diện VKS đề nghị xử phạt mức án 18-19 năm tù, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, việc Oceanbank bị lỗ cũng không quan hệ biện chứng, nhân quả gì với việc PVN đầu tư vào đó. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào HĐQT của Oceanbank. Ông Thăng ví von: Vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy, chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy đã mua xe.

Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định, nếu PVN được thoái vốn, sẽ không mất 800 tỷ đồng khi Oceanbank bị NHNN mua lại 0 đồng. Việc thoái vốn, PVN đã rất chủ động. Từ năm 2012, PVN đã xây dựng lộ trình thoái vốn, được Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn 100% trong giai đoạn năm 2013-2014; Oceanbank cũng đồng ý và đã có một công ty Singapore đồng ý mua 15%, 1 công ty Việt Nam đồng ý mua 5%.

Tuy nhiên, đầu tiên Thủ tướng đồng ý, nhưng sau 13 ngày lại không đồng ý, vì NHNN bảo phải chuyển vốn về NHNN. Giả sử mua 0 đồng do kinh doanh thua lỗ thì NHNN phải hoàn tiền bù vào 14.000 tỷ, bù 4.000 tỷ vào vốn điều lệ. Nhưng quy định là NHNN không được dùng ngân sách để bù lỗ.

Như vậy, rõ ràng có vấn đề trong việc mua 0 đồng, và chính việc mua này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho thoái vốn là nguyên nhân quan trọng tiếp trong việc PVN và các cổ đông bị mất vốn.

Ông Thăng cho rằng, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả khi PVN đã thu hồi được cổ tức 244 tỷ đồng. Tháng 8/2011 bị cáo đã chuyển công tác. Sau 3 năm Oceanbank vẫn chia cổ tức, vì vậy bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8-2011. Bị cáo chuyển đi, mọi quyền hạn, nghĩa vụ bị cáo không còn gì. Vì vậy, việc đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả. Nếu Thủ tướng cho thoái vốn thì PVN đã thu lại được 800 tỷ đồng và 244 tỷ đồng cổ tức.

Luật sư Thiệp bào chữa cho bị cáo Thăng

Trần tình về hành vi hợp thức hóa tài liệu để che giấu tội phạm, bị cáo Thăng cho rằng, việc ông cung cấp cho CQĐT giấy xác nhận ngày 28-3-2017 mà cáo trạng nêu là hành động che giấu hành vi phạm tội thì chưa hẳn đúng, khi mà việc nhờ ký giấy xác nhận xảy ra từ tháng 3-2017, nhưng đến tháng 12-2017, bị cáo mới bị khởi tố.

Bị cáo cũng khẳng định, biên bản này chỉ ký để xác nhận chủ trương và sau đó, bị cáo có báo cáo HĐQT là đã ký thỏa thuận với Oceanbank, đồng thời, đề nghị các thành viên nếu đồng ý thì thông qua, còn không thì không có giá trị. Bị cáo không che giấu việc này và biên bản này không có căn cứ pháp lý.

Trước đó, trả lời thẩm vấn của đại diện VKS, bà Phan Thị Hòa xác nhận việc bà có ký vào giấy xác nhận ngày 28-3-2017. Theo bà, nội dung giấy xác nhận đó có một phần đúng. Không phải ông Thăng thường xuyên trao đổi với những người trong HĐQT việc PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank, mà chỉ có một lần ông Thăng nói chuyện về việc có ngân hàng Oceanbank có thể xem xét để PVN góp vốn. Tại tòa, cả bà Phan Thị Hòa và ông Hoàng Xuân Hùng đều thừa nhận mình có ký vào giấy xác nhận ngày 28-3-2017 và cũng xác nhận lời khai của họ ở CQĐT là đúng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang