Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ săn bắt động vật hoang dã

Thứ Sáu, 07/05/2021 16:49

|

(CATP) Thời gian qua, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài động vật hoang dã diễn biến nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Vì thế, để ngăn chặn, chấm dứt nạn săn động vật hoang dã là việc làm cấp thiết để bảo tồn các loài hoang dã cũng như cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Liên tục vi phạm

Ngày 27-4, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Quang Hồng (SN 1982, ở xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, khoảng tháng 8-2020, Hồng mua 130 lọ mật gấu tươi của một người đàn ông ở Nghệ An với giá 50.000 đồng/1cc về bán lại với giá 100.000 đồng/1cc để kiếm lời. Ngày 21-12, có người gọi điện đặt mua 30 lọ mật gấu tươi, Hồng đã thỏa thuận bán với giá 3 triệu đồng. Khoảng 13 giờ cùng ngày, trước sảnh tòa chung cư cao cấp thuộc P.Mễ Trì, khi Hồng đang đứng đợi giao hàng thì bị công an kiểm tra.

Tại cơ quan công an, Hồng thừa nhận hành vi tàng trữ mật gấu là sản phẩm từ loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Ngoài ra, đối tượng còn giao nộp thêm 100 lọ mật gấu tươi đang cất giấu. Kết quả giám định của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trưng cầu giám định, 130 lọ thủy tinh thu của Hồng là sản phẩm của loài gấu ngựa có tên trong phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ và đồng thời có tên trong Nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Buôn bán rùa biển số lượng "khủng" tại Tây Ninh

Hiện nay, tình trạng mua bán động vật hoang dã, động vật thuộc nhóm nguy cấp được pháp luật bảo vệ đang diễn biến phức tạp. Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), nuôi nhốt động vật hoang dã (ĐVHD) làm thú cảnh vẫn liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt tại nhà riêng, nhà hàng, quán cà phê nhằm thu hút sự chú ý, phục vụ nhu cầu giải trí, làm thú cưng. Các vụ vi phạm liên quan tới nuôi nhốt trái phép khỉ, rùa, chim săn mồi đã được thông báo tới đường dây nóng của ENV.

Chỉ trong tháng 3-2021, 21 cá thể khỉ được cơ quan chức năng cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt làm thú cảnh tại nhà riêng, chùa và các nhà hàng. Cũng trong tháng này, ENV ghi nhận số lượng lớn các cá thể ĐVHD được cứu hộ, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như khỉ (21 cá thể), rùa (9 cá thể), cự đà (4 cá thể), rái cá (4 cá thể) và một số loài khác như kỳ đà, trăn miến điện, chim săn mồi, vượn, cu li, mèo rừng.

Các vi phạm trên internet liên tục bị xử lý như vô hiệu hóa 2 hội nhóm trên Facebook, khóa hơn 20 tài khoản Facebook và YouTube, đồng thời gỡ bỏ nhiều bài viết, quảng cáo vi phạm trên các trang mạng xã hội. Điển hình là ngày 6-4, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu đã phát hiện và tịch thu 9 cá thể chim hoang dã tại nhà riêng của một đối tượng trên địa bàn do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Mới đây, ngày 16-4, trên tuyến đường cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội (xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang), Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an TP.Bắc Giang, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang phát hiện xe tải BS: 23C-061.32 do Chu Hồng Quân (SN 1989), trú tại xã thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang điều khiển vận chuyển 100 cá thể cầy vòi mốc với tổng trọng lượng 315,8kg.

Cá thể tê tê quý hiếm ở nhà hàng

Trước đó, ngày 28-1, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Phương (SN 1977, trú tại Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) và Vũ Viết Pháp (SN 1993, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) về tội "vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm". Cụ thể, chiều 5-1, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phối hợp với Chi Cục kiểm lâm Hà Nội và Công an quận Hà Đông kiểm tra nhà hàng Đệ nhất Văn Quán (P.Phúc La, quận Hà Đông), phát hiện nơi đây nuôi nhốt trái phép 3 cá thể tê tê ở tầng 4. Tiếp tục kiểm tra tủ đông ở tầng 1 của nhà hàng, cơ quan chức năng cũng phát hiện 14 cá thể tê tê đã cấp đông. Kết quả giám định cho thấy 17 cá thể động vật thu giữ tại nhà hàng Đệ nhất Văn Quán đều là tê tê Java là loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Cảnh báo khẩn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa qua đã kêu gọi ngừng buôn bán động vật hoang dã có vú còn sống tại các chợ thực phẩm trên khắp thế giới, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát những dịch bệnh mới trong tương lai.

Theo tài liệu hướng dẫn của WHO được ban hành cùng với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), các loài động vật, đặc biệt là động vật hoang dã là nguồn gốc của hơn 70% số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người. Động vật hoang dã cũng đặt ra nguy cơ xuất hiện các căn bệnh mới. Do đó, việc cấm bán động vật có vú hoang dã ở các chợ dân sinh truyền thống có thể giúp bảo vệ sức khỏe của các tiểu thương và người tiêu dùng.

Ngô Văn Phương
Hồng

Người phát ngôn của WHO - bà Fadela Chaib cho biết: "Có một vấn đề khá nghiêm trọng là cần ban hành một biện pháp khẩn cấp để ngừng bán động vật hoang dã sống trong các chợ thực phẩm truyền thống, như một biện pháp phòng ngừa. Chúng ta cần biết rằng, hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Việc ngừng bán những động vật còn sống, không an toàn để làm thực phẩm, sẽ làm giảm nguy cơ lây lan virus trong tương lai. Đây không phải là một khuyến nghị mới, nhưng dịch Covid-19 đã mang lại sự chú ý mới cho mối đe dọa này với hậu quả to lớn của nó”.

Ngoài ra, WHO cũng hối thúc chính phủ các nước đóng cửa các khu vực bán động vật có vú hoang dã còn sống ở chợ, nếu các biện pháp đánh giá rủi ro không được thực hiện đầy đủ. Cuối năm 2019, những ca bệnh đầu tiên liên quan đến dịch Covid-19 đã được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch trên toàn thế giới.

Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại chợ buôn bán động vật hoang dã ở Vũ Hán. Virus này lây sang người qua vật trung gian, có thể là tê tê. Vào năm ngoái, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng ra lời kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong toàn khu vực.

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình quản lý, phát triển cá sấu và động vật hoang dã trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, TPHCM đặt ra mục tiêu quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng gây nuôi để tiêu thụ động vật hoang dã có nguồn gốc không hợp pháp; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, điều kiện an toàn, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và kinh doanh các loài động vật hoang dã. Phát triển gây nuôi động vật hoang dã đúng quy định, đúng quy hoạch.

Đồng thời, duy trì cơ sở nuôi cá sấu và nhân rộng cơ sở nuôi trăn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm chế biến; giảm dần tình trạng xuất nguyên liệu thô. Từng bước phát triển các cơ sở nuôi tập trung theo phương thức an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến động vật hoang dã và vật nuôi. Mặt khác, phổ biến, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả phù hợp tại địa phương và áp dụng các giải pháp gây nuôi, kiểm soát ngăn ngừa các vấn đề (ô nhiễm, lây nhiễm chéo...); tiếp nhận các loài động vật hoang dã do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, đưa vào cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.

Để thực hiện các mục tiêu quản lý và cứu hộ động vật hoang dã từ nay đến năm 2025, TPHCM tập trung thực hiện một số giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động gây nuôi cá sấu và động vật hoang dã chấp hành các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, cơ sở chế biến kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất sản phẩm thuộc da, bộ phận, dẫn xuất của động vật hoang dã; thực hiện các biện pháp chuyển hóa những điểm mua bán, cất giữ trái phép động vật hoang dã còn tồn tại trên địa bàn một số quận, huyện. Ứng dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để quản lý các trại nuôi động vật hoang dã và các cơ sở chế biến sản phẩm của chúng...

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý tại cơ sở, nắm vững kiến thức pháp luật, quản lý chuồng trại, kỹ thuật gây nuôi, xử lý dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp đưa vào cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.

TRẦN QUANG HỒNG

Bình luận (0)

Lên đầu trang