Tròn 78 năm bác sĩ Alexandre Yersin yên nghỉ tại Suối Dầu, nay thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nơi ông đã cống hiến cả cuộc đời cho nghiên cứu khoa học đến hơi thở cuối cùng, với di nguyện, “…không ai được phép mang tôi khỏi mảnh đất này…".
Các đại biểu dâng hương trước phần mộ BS A.Yersin
Lễ tưởng niệm tại công viên A.Yersin, bên bờ biển Nha Trang và viếng mộ Ông tại Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm với sự tham dự của ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng); lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương, đoàn thể, các doanh nghiệp, phóng viên báo chí cùng đông đảo hội viên, bà con, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…. đã đến dự lễ tưởng niệm.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Đống Lương Sơn, Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa nêu bật những cống hiến to lớn của A.Yersin đối với nhân loại. Ngày giỗ A.Yersin lần thứ 77, năm 2020 vừa qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới với dưới 1 triệu người nhiễm bệnh và gần 2000 ca tử vong. Đến năm 2021 bệnh dịch vẫn chưa kiểm soát được với số nhiễm bệnh trên 115 triệu ca và trên 2,5 triệu người tử vong.
Toàn cảnh khu mộ BS A.Yersin
Kỷ niệm 78 năm ngày mất của bác sĩ Alexandre Yersin, nhớ lại năm 1894, bệnh dịch hạch hoành hành và trở thành đại dịch tại Quảng Đông, Hongkong - Trung Quốc, bác sĩ A.Yersin được yêu cầu đến Hongkong để nghiên cứu về dịch bệnh này, không được sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, tự xây dựng phòng thí nghiệm bằng tre nứa thô sơ, với các dụng cụ thí nghiệm, kính hiển vi,… do Ông mang theo.
Miệt mài tự tìm tòi nghiên cứu và kết quả Ông đã phát hiện ra vi khuẩn, tác nhân gây bệnh dịch hạch. Tiếp tục quá trình nghiên cứu, Ông đã nhanh chóng điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh, và chữa trị thành công. Để ghi nhớ công lao của ông, vi khuẩn được đặt theo tên ông là “Yersinia pestis”. Nhân loại luôn ghi nhớ công lao to lớn của ông, người tìm ra vi khuẩn gây bệnh.
Qua đại dịch COVID-19, chúng ta càng nhớ đến công lao to lớn của BS A.Yersin, người đã không quản ngại hiểm nguy để cứu nguy cho nhân loại. Người dân Việt Nam và toàn thế giới cùng cầu mong dịch bệnh được kiểm soát, được chủng ngừa vắc xin, mọi người bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Những đóng góp khoa học của BS Yersin trong các lãnh vực y học, nghiên cứu, giáo dục, nông nghiệp, … là những bài học quý giá để Hội tiếp tục kế thừa, lan tỏa, tiếp bước theo con đường của Ông, góp phần trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Người dân tưởng niệm tại tượng đài BS A.Yersin bên bờ biển Nha Trang
Tiếp bước con đường nhân văn cao cả của Ông, năm 2020 Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin đã và đang tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các hội từ thiện, cá nhân trong và ngoài nước kết nối hỗ trợ duy trì và phát triển các hoạt động xã hội như: Duy trì và phát triển Phòng khám bệnh từ thiện A.Yersin cho bệnh nhân nghèo, năm 2020 có 1314 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, tư vấn và nhận thuốc chữa bệnh miễn phí.
Hội tiếp tục thực hiện Dự án đỡ đầu trẻ khuyết tật và trẻ mồ côi tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, năm 2020 đã đỡ đầu 284 lượt cháu; trao học bổng cho 20 học sinh nghèo hiếu học tại 2 trường THCS Yersin Nha Trang và trường THCS A. Yersin Cam Lâm.
Hội đóng góp hỗ trợ các y bác sĩ trong chiến dịch phòng chống COVID-19; ủng hộ quỹ cứu trợ đồng bào miền Trung trong lũ lụt... Hội củng cố tổ chức, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức, cá nhân kết nối tổ chức các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin, cập nhật các hoạt động của Hội trên trang web, giúp ích cho cộng đồng về các lãnh vực giáo dục, khoa học, môi trường, ..
Năm 2021, kỷ niệm 130 năm ngày A.Yersin đến Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam, Hội Những người Ái mộ bác sĩ A.Yersin sẽ phối hợp với các đơn vị, cá nhân tại các địa phương tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội, TPHCM, TP Đà Lạt và TP Nha Trang, là những nơi ghi nhiều dấu ấn, công lao của Ông và lan tỏa tinh thần ‘Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống”.
Một số hình ảnh: