(CAO) Tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân cá chết bất thường tại sông Bạng (thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Báo cáo của tỉnh Thanh Hóa lại “quên”, không nhắc đến một nguyên nhân nữa khiến cá chết là do “tác động của chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt...”.
Cá chết hàng loạt
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, tỉnh Thanh Hóa nêu: “Bắt đầu từ 7 giờ sáng 5/5/2016, một số hộ nuôi cá lồng trên âu thuyền sông Bạng cho cá ăn, đến 8 giờ thì phát hiện cá có hiện tượng thiếu ôxy và bắt đầu chết, đến 10 giờ thì hiện tượng cá chết dừng. Theo thống kê, trong khu vực âu thuyền có 20 hộ nuôi cá lồng nhưng chỉ có 4 hộ có cá bị chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Nguyên nhân bước đầu được xác định do việc ô nhiễm do tàu thuyền ra vào cầu cảng gây ra.”
Tuy nhiên, trong văn bản Số: 1833 b/STNMT-BVMT của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa báo cáo tỉnh Thanh Hóa, kết quả kiểm tra tình trạng cá lồng chết tại Khu vực âu neo đậu trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng không chỉ nêu một nguyên nhân khiến cá chết như báo cáo của tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng.
Cụ thể, báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa nêu rõ nguyên nhân dẫn đến cá chết tại Lạch Bạng như sau: “Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tác động của chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến thủy hải sản trên địa bàn các xã Hải Bình, Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia và hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng cá Lạch Bạng”.
Có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết
Như vậy, theo kết quả điều tra của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết. Tuy nhiên tỉnh Thanh Hóa chỉ báo cáo Thủ tướng nguyên nhân cá chết do “hoạt động của tàu thuyền ra vào cảng cá Lạch Bạng” mà 'quên' báo cáo nguyên nhân “do tác động của chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến thủy hải sản trên địa bàn các xã Hải Bình, Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia”.
Được biết, kết quả điều tra nguyên nhân cá chết tại Lạch Bạng của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa có được sau khi đơn vị này phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: UBND huyện Tĩnh Gia, Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, Chi cục Thu ý - Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh và UBND xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực cá chết.
Ngày 6/5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra và cho thấy trên địa bàn 2 xã Hải Thanh, Hải Bình hiện có 70 cơ sở, doanh nghiệp đang kinh doanh, chế biến hải sản. Một số cơ sở chế biến thuỷ sản có quy mô lớn như: Công ty cổ phần Bột cá Thanh Hoa, Công ty cổ phần Sông Việt Thanh Hoá, Công ty cổ phần Thương mại Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải...
Cá chết gây thiệt hại cho người dân
Trong quá trình hoạt động, các cơ sở, doanh nghiệp này sử dụng nguồn nước tương đối lớn; nước thải từ hoạt động chế biến hải sản của các cơ sở, doanh nghiệp này đều chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước mặt của khu vực và dẫn ra sông Bạng. Một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào vận hành, các đơn vị khác đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước thải chỉ được xử lý sơ bộ trong bể lắng sau đó thải trực tiếp ra sông Bạng.
Ngoài ra, Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng xác định một số nguyên nhân khác gây ô nhiễm sông Bạng như: chất thải, nước thải sinh hoạt của các hộ dân, nước thải từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… chưa qua xử lý cũng được dẫn thẳng ra sông Bạng.
Như vậy, cùng với kết luận của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thanh Hóa, việc người nuôi cá cho rằng cá chết vì các công ty chế biến bột cá xả thải trực tiếp ra sông Bạng là có cơ sở. Người nuôi cá cho rằng việc tỉnh Thanh Hóa chỉ báo cáo Thủ tướng nguyên nhân cá chết là do “hoạt động của tầu thuyền ra vào cảng cá Lạch Bạng” là kết luận vội vã, có thể bỏ sót nguyên nhân chính.