Bốn quả vải thiều

Thứ Hai, 22/06/2015 17:00  | GS.Nguyễn Lân Dũng

|

(CAO) Đi máy bay có bữa ăn trưa như thường lệ. Nhưng khay nhựa đựng vải thiều vào mùa này có 4 quả vải thiều rất tươi với một tấm bìa nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Bắc Giang.

Vừa qua tôi có dịp lên Bắc Giang và thấy mọi ngả đường đến các huyện trồng nhiều vải thiều đều đông nghẹt các loại phương tiện chuyên chở vải thiều. Nào là xe tải, xe con, xe công nông, xe máy, xe đạp…

Thật phấn khởi khi thấy nông dân được mùa vải, thứ hoa quả thật ngon và khá hiếm trên thế giới. Nhưng đến với các hộ trồng vải thì thấy họ lo lắng đủ điều, nhất là với các trang trại ở khá xa đường vận chuyển. Nhiều bà con cho biết tiền thuê hái vải không bằng… tiền bán buôn.

Đã có tình trạng một số nơi bà con chặt vải để tìm cây trồng khác thay thế. Thật đáng tiếc biết bao. Gần đây báo chí đưa tin Mỹ, Australia và một số nước khác sẵn sàng mua vải của Việt Nam. Thế là chúng ta đã có “giấy thông hành” cho loại quả quý giá này. Nhưng để xuất khẩu được chẳng dễ dàng chút nào. Phải chuyển thật nhanh vải tươi vào TPHCM để xử lý bằng tia phóng xạ, sau đó mới chuyển sang kho lạnh rồi chuyển vào các container lạnh đưa đi xuất khẩu bằng đường biển. Trung Quốc có nhu cầu vải thiều rất lớn nhưng buôn bán với họ thật khó khăn. Khi thì họ mua rất nhiều, khi thì… không mua (!). Tôi có hỏi thì họ bảo họ có ký hợp đồng mua bán gì đâu. Lúc cần thì mới mua thôi (!).

Tại cửa khẩu Lào Cai, tôi thấy bà con chen nhau cố đưa qua biên giới trước giờ Ngọ, vì sau 12 giờ trưa họ sẽ chỉ mua với giá rất thấp (!), nhiều khi lỗ mà cũng phải bán chứ còn biết đổ đi đâu? Tôi lại hỏi thì họ bảo phải chuyển khá xa đến các cơ sở chế biến, mua buổi chiều thì không kịp chuyển đi (!). Đành chịu thua!

Hết chuyện dưa hấu mua tại chỗ có 500 đồng/kg mà ở Hà Nội phải mua trên 10 000 đồng/kg. Rồi thì thanh long ở Bình Thuận được mùa mà không bán được, cho bò ăn cũng không hết… Chả thấy chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa ở đâu, chỉ thấy người nông dân quá khổ.

Lại nghĩ đến 4 quả vải trong mỗi suất ăn trên máy bay. Thật ngon lành. Một ngày có bao nhiêu hành khách và suốt mùa vải có bao nhiêu hành khách. Nếu làm kho lạnh để lưu giữ vải thì có thể tiêu thụ liên tục trong ba tháng hè. Biết bao nhiêu tấn vải của nông dân sẽ được tiêu thụ. Hoan hô Hàng không dân dụng Việt Nam. Nếu người lãnh đạo từng cơ quan nghĩ đến người trồng vải thì còn có biết bao sáng kiến khác. Chẳng hạn đưa vải đến từng suất ăn trên xe lửa, trên xe buýt, trong các gian hàng lạnh đựng hoa quả ở các siêu thị trong cả nước… Số lượng tiêu thụ sẽ lớn biết bao! Và nông dân trồng vải sẽ sung sướng biết nhường nào!

4 quả vải thiều rất tươi và một tấm bìa nhỏ ghi rõ xuất xứ từ Bắc Giang - Ảnh: GS. Nguyễn Lân Dũng

Là người nghiên cứu vi sinh vật học, tôi đã tìm hiểu tại sao quả vải trên cây thì không sao nhưng đã hái xuống thì chóng hỏng thế. Nguyên nhân là cây có khả năng hình thành các chất kháng sinh thực vật (phytoncide) ức chế sự phá hủy của vi khuẩn, nấm bệnh và côn trùng. Khi hái xuống khỏi cây thì khả năng này không còn nữa.

Đầu tiên là một số loài nấm sợi đục thủng vỏ quả vải (thường ở phần gần cuống) và sau đó theo vết thủng vi khuẩn sẽ xâm nhập và làm hỏng quả vải. Tôi đã làm thí nghiệm nhúng cả chùm vải vào dung dịch muối Sorbate ở nồng độ cho phép đối với thực phẩm và thấy không có hiện tượng nấm sợi đục thủng vỏ quả vải nữa và do đó không bị vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên, sau đó phải đưa vào kho lạnh hay kho mát, nếu không quả vải sẽ bị khô đi.

Nếu tiếp tục nghiên cứu theo hướng này mà được khách hàng chấp nhận thì ta khỏi phải xây nhà máy chiếu xạ hoa quả tại Bắc Giang hoặc khỏi phải chuyên chở hàng ngày bằng máy bay vào TPHCM. Rất tiếc tôi không phải là nhà doanh nghiệp để đủ sức triển khai ý tưởng này.

Tôi còn quan tâm đến một hướng khác mà tôi tin là nếu nhà doanh nghiệp nào thử nghiệm ngay khi còn đang trong mùa vải thì vụ sau đã có thể sản xuất lớn ngay rồi. Đó là đầu tư cho nông dân bóc vải rồi ngâm vào chum vại hay can nhựa (loại nhựa trắng dùng đựng thực phẩm).

Cứ 1kg vải cần 1kg đường. Có thể để cả hột vì sau khi dịch vải thoát ra theo nguyên tắc co nguyên sinh (plasmolysis) thì tách qua cái rổ có khó khăn gì đâu. Ở nồng độ đường cao như vậy không vi sinh vật nào sống nổi và có thể bảo quản được rất lâu. Nước vải đậm đặc này chỉ cần pha loãng ra, thêm chất bảo quản được phép sử dụng cho thực phẩm (như các muối Benzoate hoặc Sorbate) rồi đóng chai. Ta sẽ có loại nước giải khát thật ngon lành mà lại phong phú vitamin. Chắc chắn giá trị dinh dưỡng của loại nước giải khát này hơn hẳn nhiều loại nước giải khát chỉ có hương liệu quen thuộc mà không có vitamin hay aminoacid nào cả.

Nghĩ đến nông dân mà không có điều kiện triển khai các ý tưởng của mình, tôi mạnh dạn trình bày. Rất mong các nhà doanh nghiệp cùng suy nghĩ, cùng cộng tác để sớm đem lại lợi ích cho đông đảo bà con nông dân, tầng lớp đông đảo nhất và cũng là tầng lớp đang nghèo khó nhất trong nước ta.

Bình luận (0)

Lên đầu trang