Thú vị ở lăng Võ Tánh

Thứ Hai, 22/06/2015 07:32  | An Hoà

|

(CAO) Nằm lọt thỏm cuối hẻm 19 Hồ Văn Huê (P9Q. Phú Nhuận), lăng thờ tướng Võ Tánh giữa lòng Sài Gòn im ắng đến lạ thường. Nhưng sự linh thiêng ở đây thì được nhiều người truyền miệng, có vài kẻ còn thêu dệt nên nhiều chuyện hoang đường.

Cầu tự, xin đề

Những ngày cuối tuần hay rằm và mồng một hàng tháng, người đến lăng ông ngày một đông thay cho sự yên tĩnh vốn có. Phần nhiều trong số họ đến vãng cảnh, cầu tự, có cả cầu…số đề.

Anh Nguyễn Thanh Tú (35 tuổi, ngụ đường Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp) chia sẻ: “Vì nhà gần lăng ông, nghe người ta nói cầu gì thì ông sẽ cho nên vợ chồng tôi hiếm muộn đã lâu tới xem thử. Chúng tôi đã đi cầu con từ chùa Bà Châu Đốc (An Giang) cho tới chùa Ngọc Hoàng (Q1) nhưng không thấy hiệu quả. Năm rồi, tình cờ đến lăng ông cầu xin thì bây giờ vợ chồng tôi đã đón chào cậu quý tử đầu lòng”. Theo anh Tú, điều này có thể là sự tình cờ vì trước đó vợ chồng anh vừa đi chùa, vừa đi lăng và chữa trị tất cả các loại đông và tây y.

Cổng vào của lăng - Ảnh: An Hoà

Dưới làn nhang nghi ngút, một bà phụ nữ đẫy đà, cổ đeo sợi dây chuyền vàng đang quỳ lạy rất thành tâm. Trong lời khấn của bà toàn là xin số để đánh đề, kiếm tiền trả nợ ngân hàng vì đang mắc nợ như chúa chổm, mong con gái mau lấy được tấm chồng ngon lành. Bà này lầm rầm khấn vái rất dài dòng và còn hẹn quay lại nếu mọi thứ thành sự thật. Bà còn hứa sẽ cúng đầu heo để tạ ơn ông. Tuy nhiên, tháng sau khi quay lại, vẫn người phụ nữ này lại khóc sướt mướt vì cầu khấn gì mà không thấy linh nghiệm gì cả. Hỏi bà vì sao đến đây thì bà bảo, đến đây ít người, không chen lấn nên dễ linh nghiệm (?!).

Gian chính thờ danh tướng.- Ảnh: An Hoà

Không biết có bao nhiêu người đến đây đã thành công nhưng người ta truyền miệng là nơi đây rất linh thiêng. Lăng ông thì ngày thêm nổi tiếng bởi nhiều người muốn tìm một chỗ bình yên giữa ồn ào đô thị hơn là đi khấn vái, cầu may.

Đức tin

Lăng ông Võ Tánh nổi bật với cây xoài khổng lồ, tán lá che mát cả một khoảng sân. Bà Sáu (75 tuổi) làm quản tự, thành viên ban quản lý, nhà sống ở đây cùng con gái khoe: “Cây này hơn trăm tuổi rồi đó. Tui tới đây đã thấy nó sừng sững tỏa bóng mát”. Một vài người dân cạnh đó nói rằng, nhiều khi sợ cành cây lòa xòa trong mùa bão lụt nên định cưa và chặt bớt cành nhưng không bao giờ làm được việc này. Có lần thợ cưa cây “định vị” từng cành bằng cách cột dây rất cẩn thận nhưng nó lại rơi không như ý muốn, toàn đổ xuống bàn đá làm gãy đôi".

Tận dụng bóng mát của lăng, được sự cho phép của UBND P9, một nhóm họa sĩ già đã về đây sáng tác và vẽ tranh sơn mài. Họ là nhũng người đang sinh hoạt tại Hội Mỹ thuật thành phố (số 288 Pastuer). Họa sĩ Nguyễn Văn Minh (60 tuổi) kể: “Cách đây hơn một năm, khi về đây thấy lăng ông không có nhiều đồ trang trí nên chúng tôi vẽ và đặt các bức họa hình con hạc, lân, cọp…để điểm xuyến thêm không gian bên trong như là một cách để làm công quả. Thật không thể ngờ, một nhà trẻ đặt ở đường Nguyễn Huy Tưởng (nay đã dời về Điện Biên Phủ) lại đến đặt nhóm họa sĩ đúng số lượng tranh đó với khổ lớn để trang trí trường lớp”. Vào ngày giỗ tổ nghề sơn mài hay ngày giỗ ông, ông Minh cùng các cộng sự đều bày hoa quả để cúng thì ngày hôm sau thế nào cũng có người đến…đặt hàng.

Hoạ sĩ Minh (bìa phải).

Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến (60 tuổi, quê quán Bình Dương, hiện đang ngụ tại Q. Bình Thạnh) nói, từ ngày làm việc tại đây thì mỗi khi khó khăn ông đều cầu khấn và nhanh chóng vượt qua vũng lầy. Buổi trưa, nếu ông chợp mắt mà đưa đầu vào phía lăng thì ngủ được còn ngược lại thì không thể nhắm mắt nổi vì điều đó là thất lễ với tiền nhân. Ông Chiến cầu sức khỏe, công ăn việc làm ổn định thì tất cả đều “cầu gì ước thấy”.

Họa sĩ Chiến chỉ gốc cây xoài cổ thụ.- Ảnh: An Hoà

Họa sĩ Nam Anh và nữ họa sĩ Tuyết Giang thì cho rằng, làm ở đây thấy mọi việc đều trôi chảy. Ngày giỗ ông thì các anh em ở đây đều tưởng nhớ, cầu mong sức khỏe cho gia đình, mong ông sẽ phù hộ có việc để làm hoài. Hiện cả nhóm họa sĩ đang hoàn tất những bức họa trang trí cho một resort ở tận khu du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được chở ra tận miền Trung. Trong khi một số họa sĩ liên tục hoàn thành tác phẩm thì cộng tác viên của họ phải nhanh nhẹn đóng khung, pha trộn mực vẽ để kịp hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của khách.

Thực tế thì chuyện tin tưởng vào bậc tiền nhân kiểu như “cầu gì ước thấy” chỉ là sự trùng hợp kỳ lạ ở lăng ông. Nhờ niềm tin này mà nhiều họa sĩ đã gắng công lao động, rèn luyện sức khỏe chứ không thể có thế lực siêu nhiên nào can thiệp vào cuộc sống của họ được.

Sanh vi tướng, tử vi thần

Là người gốc Biên Hòa, Võ Tánh theo chúa Nguyễn Ánh từ năm 1788. Năm 1799, chúa Nguyễn và Võ Tánh phá được thành Quy Nhơn do hai tướng quân của nhà Tây Sơn nắm giữ. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định (tọa lạc tại thị xã An Nhơn, Bình Định ngày nay – PV).

Tháng giêng năm 1800, tướng Trần Quang Diệu (chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân) và Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn công thành. Biết không giữ nổi thành, Võ Tánh đã viết thư cho Trần Quang Diệu, mong tướng quân này không giết người dân vô tội. Hai vị tướng dưới trướng vua Quang Trung đã thực hiện lời hứa. Riêng Võ Tánh thì tuẫn tiết khi thành thất thủ. Anh trai của Nguyễn Huệ là Nguyễn Nhạc đã xưng vương ở đây và đổi tên thành Bình Định là thành Hoàng Đế. Thân xác của Võ Tánh đã mãi nằm lại giữa miền Trung đầy nắng gió. Ông đi vào câu ca tưởng nhớ của người dân địa phương dù không phải sinh ra ở đây: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan hậu thủ thành ba năm”.

Chính vì cứu giúp người dân vô tội mà khắp nơi ở miền Trung và miền Nam đều có lăng thờ Võ Tánh. Tại TP. Hồ Chí Minh có hai ngôi mộ gió của ông. Đầu tiên là ngôi mộ gió ở đường Nguyễn Thái Bình (Q. Tân Bình) do người dân lập nên để nhang khói và tưởng nhớ vị tướng quân một lòng vì dân. Tương truyền, ngôi mộ gió này có từ trước giải phóng. Có nhiều kẻ đã đến đào tìm cổ vật nhưng “cuốc đụng đến đâu thì gãy đến đó”. Riêng lăng mộ tại hẻm 19 Hồ Văn Huê do chính chúa Nguyễn Ánh lập nên để tri ân vị võ tướng đã ngã xuống mà vẫn một lòng bảo toàn cho triệu sinh linh. Tại Huế có phủ thờ hoài quốc công Võ Tánh. Ông còn có miếu thờ tại TX. Gò Công (Tiền Giang).

Lăng mộ Võ Tánh trang trí giống như khu thờ tự của tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân ở Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh). Khu thờ tự trang nghiêm với đôi cánh hạc và con bạch mã để đưa ông ra trận và sau này là về trời. Khoảng sân rộng, yên tĩnh và thoáng mát. Mọi người hay gọi lăng của các bậc khai quốc công thần này là lăng ông với đầy đủ sự tôn kính các bậc tiền nhân.

Cây xoài hơn trăm tuổi nằm trong lăng - Ảnh: An Hoà
Một cán bộ công an P9Q. Phú Nhuận cho biết, hẻm 19 Hồ Văn Huê là nơi sinh sống của nhiều cán bộ công chức đương chức và về hưu. Tình hình tại lăng ông rất ổn định, an ninh được giữ vững, người tới lăng ít hơn so với nhiều nơi khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang