Câu vọng cổ buồn trên bến sông xưa

Thứ Bảy, 12/11/2022 13:08

|

(CATP) Có dịp về lại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), tôi tìm đến bến sông, định chụp vài tấm ảnh chợ nổi làm kỷ niệm. Trước mắt tôi vẫn là dòng sông rộng lớn ấy, nhưng nhìn khung cảnh mới thấy buồn làm sao! Bến sông vắng lặng, lác đác vài bóng ghe xuồng, chỉ có chuyến phà Lục Sĩ Thành là còn thủy chung trên bến cũ, hằng ngày lặng lẽ đưa khách sang sông.

Những chiếc ghe thương hồ tấp nập trên sông nước ngày ấy đâu rồi? Những cây bẹo treo lắt lẻo các món hàng để người mua chỉ nhìn là biết ghe bán thứ hàng hóa gì, nào thơm, dưa hấu, bầu, bí đến củ khoai mì, khoai lang... đâu rồi? Tôi vẫn nhớ ở khu chợ này còn bán hủ tiếu, bánh canh, cháo lòng, cà phê đá..., âm thanh luôn náo động, tiếng người, tiếng động cơ máy thủy vang vọng cả khúc sông.

Bây giờ vẫn khúc sông ấy rộng mênh mông, phà Lục Sĩ Thành vẫn đưa rước khách, nước sông Măng vẫn đục một màu nâu non khi chảy ngang huyện Trà Ôn trước khi hòa vào sông Hậu. Có ai còn nhớ đến những chiếc ghe thương hồ ngày ấy giờ đây trôi dạt bến sông nào hay đã mục nát, được chủ kéo lên bờ trồng mấy luống hành? Hỏi một người có nhà sát bờ sông về chợ nổi Trà Ôn xưa, ông xua tay, lắc đầu: "Chợ nổi đâu còn... Tan tác lâu rồi!".

Nhớ lại tấm hình chụp bến sông xưa tấp nập xuồng ghe, nhắc chuyện con cá cháy Trà Ôn ngon nức tiếng với cặp trứng béo thơm mang trong bụng; những đàn cá bông lau màu trắng bạc cứ nghe hơi gió chướng bơi về, hiện lên trong tô canh chua bốc khói, chấm vào dĩa nước mắm ớt cay xè mà vị ngon khó diễn tả nổi... Chút luyến tiếc nhớ cảnh cũ cùng món ăn xưa. Nhưng rồi tự an ủi mình: "Quy luật phát triển của xã hội mà, cứ thuận theo tự nhiên!".

Chợ nổi Trà Ôn ngày xưa. Ảnh: Trần Thắng

Ngày nay, đường bộ hết sức thuận tiện, xe về tới tận ngõ từng nhà, hàng hóa thì có chợ gần, chợ xa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị to lẫn nhỏ đua nhau kinh doanh. Rồi bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà mới lấy tiền... Bởi vậy, việc mua bán trên ghe làm sao cạnh tranh nổi! Chắc bà con mua bán trên chợ nổi cũng đã tự tìm kế sinh nhai, lui ghe đến khu chợ nổi nào đó còn hoạt động hay chọn cách cuối cùng là bỏ ghe, lên bờ để thoát kiếp sống thương hồ gạo chợ, nước sông.

Giờ đây hoàng hôn sắp buông xuống, tôi đứng thẫn thờ trên bến sông xưa, gió lành lạnh từ cù lao Mây thổi sang làm ai cũng nao lòng, liền cất lên mấy câu trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu: "... Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, gió lạnh chiều đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang