Cắm câu đêm

Thứ Bảy, 12/11/2022 13:04

|

(CATP) Bây giờ, khi nghe ai đó nói "về quê cắm câu", nhiều người sẽ hiểu theo nghĩa bóng rằng người đó thất nghiệp, bỏ thành phố về vườn cắm câu sinh sống. Điều này cũng đồng nghĩa với cuộc đời người đó đã xuống dốc, xuống tới chỗ tận cùng, chẳng còn chỗ nào để xuống nữa nên phải về quê... cắm câu. Nhưng nếu hiểu "cắm câu" theo nghĩa đen thì đó là việc làm mang lại nguồn thu nhập phụ, góp vào kinh tế gia đình hay chí ít cũng tăng cường bữa ăn tươi đối với các gia đình nông thôn.

Ngoài ra, đối với học trò nhà quê lên tỉnh hoặc thành phố ở trọ, đi học rồi vào dịp nghỉ lễ về lại quê nhà, đi cắm câu thì thật là một thú vui, giải trí hữu ích, giúp đầu óc bớt căng thẳng sau một học kỳ không ít nhọc nhằn. Thậm chí nếu nói đó là một môn thể thao tập cho đôi chân dẻo dai, luyện óc quan sát, phán đoán và tính kiên nhẫn, ngẫm ra cũng không có gì cường điệu.

Để chuẩn bị cho mùa cắm câu, ngày ấy tôi thường chọn ở bờ tre quanh nhà những gốc tre gai già, thẳng, đốn vào rồi hì hụi chẻ ra từng thanh nhỏ, dài cỡ tám tấc đến một mét để vót cần câu. Công việc này cần có kinh nghiệm, óc thẩm mỹ, lòng kiên nhẫn cùng con dao bén, nhọn mũi. Mỗi thanh tre chẻ nhỏ bằng ngón tay, vót tròn phần gốc khoảng năm tấc nhỉnh hơn chiếc đũa ăn cơm, để nhọn đầu cắm. Phần đầu cần khoảng ba tấc hơn thì vót thật mỏng, dẹp, chừa lại một "khấc" để cột sợi gân dài khoảng bảy tấc và lưỡi câu. Còn nếu có tiền thì cứ ra chợ mua cần câu làm sẵn. Một người cắm câu giỏi cần khoảng 50 đến 100 cần cho một mùa câu. Nhưng tôi vẫn thích tự tay vót cần, cột lưỡi câu, vừa chắc, không sợ mất lưỡi, vừa "nhạy" cá.

Có hai cách cắm câu: cắm ban ngày hoặc ban đêm. Cắm ban ngày phải "trãi câu" vào lúc sáng tinh sương trời còn mờ đất, chỉ cắm bằng mồi nhái sống và độc một thứ cá ăn câu cắm ban ngày là cá lóc. Cũng có khi gặp rắn nước ăn nhái mắc câu, nhưng rất hiếm. Còn cắm ban đêm thì "trãi câu" lúc trời chạng vạng tối, chỉ cắm mồi trùn (giun đất) hoặc tép đất sống móc ngang lưng. Mồi câu thả dưới mặt nước ruộng độ gang tay cho con tép lội nhử cá tới ăn. Sau đó thì phải thay bằng mồi trùn, mồi trùn phải thả đụng đáy ruộng. Cắm câu ban đêm có thể cắm tới khuya hoặc một, hai giờ sáng mới cuốn câu về. Cách khoảng một tiếng đồng hồ thì đi thăm câu, gỡ cá, thay mồi một lần. Cắm câu ban đêm thì ngoài cá lóc, cá trê, cá rô còn có cả lươn. Cá rô ăn câu cắm là cá rô mề to bằng ba, bốn ngón tay chụm lại. Lươn có con to nửa ký trở lên.

Tôi thích cắm câu ban đêm kết hợp với soi nhái để cắm tiếp vào lúc sáng sớm nên thường bắt được rất nhiều cá. Một mùa câu như thế, ngoài việc "rộng" (nhốt trong thùng, lu...) cá để ăn dần hàng ngày, nếu mang ra chợ bán cũng dành dụm được ít tiền mua sách vở học tập. Ngày ấy cá còn nhiều lắm vì lúa chỉ cấy một vụ mùa và không xịt thuốc trừ sâu hay diệt rầy nâu như bây giờ. Môi trường thiên nhiên hãy còn trong lành, cá dưới kênh rạch theo nước lên, mưa xuống sinh sôi phát triển theo thời gian rồi ở lại ruộng cho đến khi lúa trổ bông, thu hoạch xong thì... mắc cạn luôn. Khi đó, tới mùa đào hầm cho cá nhảy, lại thêm một thú vui khác rất hấp dẫn trẻ con thôn quê.

Giờ xin trở lại với việc cắm câu. Mồi câu phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Buổi chiều, tôi vác cuốc đi đào trùn. Trùn sống trong đất ẩm, có nhiều lá mục, mùa mưa chỉ cần vạch lớp lá mục lên là thấy phân trùn đùn lên mặt đất, cuốc nhẹ một lớp đất là bắt được những chú trùn đất mập ú (khác với trùn lãi thân dài, da bóng lưỡng, cựa quậy loi choi, nhưng bị cá chê, không ăn). Nếu cắm một trăm cần câu thì đào bắt ít nhất bốn, năm trăm con trùn đất, cho vào thùng nhỏ đổ đầy đất.

Trùn phải móc nguyên con, xoắn lại bao lấy lưỡi câu và thường móc mồi vào đủ 100 cần, lấy dây bó lại. Chuẩn bị cho đêm đi câu thì ngoài quần áo mặc đủ ấm, thêm cái áo đi mưa, tấm bạt nylon trải trên đất để ngả lưng, đèn khí đá, cái giỏ giảng (loại giỏ to, miệng rộng, có hom, đan bằng tre) để "rộng" cá, còn thêm cái giỏ nhỏ (miệng không có hom) được may lớp vải khớp miệng giỏ, cao khoảng hai tấc, đựng nhái làm mồi câu lúc sáng sớm.

Mùa cắm câu là lúc lúa cấy đã lên xanh mướt đồng, nước đầy chân ruộng, vào khoảng tháng 6 đến tháng 10. Tôi thường đi quan sát những thửa ruộng vào ban ngày, ruộng nào có nhiều cá đớp móng thì tối đó sẽ "trãi câu". Mỗi cần câu cách nhau chục bước chân, cắm dọc theo bờ ruộng, chân cần cắm sâu vào bờ, đề phòng cá lớn mắc câu giật cần lôi đi mất.

Bí quyết để câu được nhiều cá là... kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn! Phải chịu khó đi thăm câu để thay mồi vì lũ cua đồng, điên điển (loại bọ cánh cứng màu nâu đen sống trong ruộng) thường bám vào mồi trùn để rỉa, phá mồi. Nếu gặp cá dính câu thì đặt đèn khí đá bên cạnh soi rõ xuống mặt nước, tay trái nhổ cần, kéo lên, tay phải đưa miệng giỏ ra hứng rồi mới gỡ lưỡi câu. Gỡ cá cách này ít khi nào bị sẩy.

Sau một vòng thăm câu, gỡ cá, nhất là khi bắt được những con cá lóc, cá trê vàng to hoặc khi lươn mắc câu thì thích vô cùng, tôi lại xách đèn đi dọc bờ kênh, bờ ruộng để soi nhái, chuẩn bị cho việc cắm câu ban ngày. Nhái câu phải là loại nhỏ cỡ ngón tay, còn sống. Chỉ được móc lưỡi câu ngược lên đùi nhái hoặc phần da lưng thì nhái mới còn đủ sức vẫy vùng cho cá thấy, đến táp mồi và... mắc câu. Nếu móc nhái chết thì không bao giờ cá lóc ăn, chỉ tổ để lũ cua đồng và điên điển tới rỉa phá mồi mà thôi.

Bây giờ đồng ruộng bị thu hẹp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt rầy, diệt cỏ được sử dụng một cách vô tội vạ, nhiều loại thuốc lại không bảo đảm chất lượng, là thảm họa tận diệt môi trường. Không còn dễ gì tìm được cá rô, cá lóc, cá trê đồng, kể cả lươn. Những thứ ấy bây giờ đều được nuôi công nghiệp giống như gà công nghiệp nên thịt không ngon. Từ đó, thú vui "về quê cắm câu" cũng mai một dần.

Trẻ con bây giờ hầu như không còn biết đến thú cắm câu nữa. Thật đáng tiếc và đáng buồn cho trẻ con nông thôn vì mất đi thú vui giải trí lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên. Ngược lại, trẻ con bây giờ đa số cứ mải chúi mũi vào điện thoại, mê việc "cày" game trên Internet, chưa kể nhiều thứ độc hại như game bạo lực. Vì thế, tâm hồn trẻ con mất dần sự trong sáng, hồn nhiên vốn có; trí não dễ phát triển lệch chuẩn, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách về sau này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang