(CAO) Suốt hơn 20 năm vất vưởng mưu sinh nơi vỉa hè, niềm khao khát lớn nhất của bà Hợi cho đến tận những ngày trước khi mất là mong con cái được cấp giấy tờ tùy thân.
Ngày 16-8, Báo Công an TP.HCM phối hợp cùng Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên Công an TP.HCM đã đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình anh Nguyễn Thanh Trọng (SN 1991, tạm trú Q.3) là con trai của bà Phùng Thị Hợi (đã mất, nhân vật trong bài viết “Người đàn bà cùng quẫn” từng được báo chí đã phản ánh.
Chị Lê Hồng Hạnh đồng ý bảo lãnh cho hai anh em Trọng nhập hộ khẩu
Trước đó, vào tháng 7-2018, báo chí phản ánh hoàn cảnh bi đát của bà Phùng Thị Hợi khi quê ở xã Nguyên Giáp (H.Tứ Kỳ, Hải Dương) đi thanh niên xung phong từ năm 1978 rồi ở lại miền Nam. Từ năm 1996, bà bị thất lạc giấy tờ tùy thân nhưng không có điều kiện về quê làm lại. Suốt hơn 20 năm, người mẹ đơn thân này lăn lộn mưu sinh bằng nghề bơm vá, sửa xe trên vỉa hè để mưu sinh.
Tuy nhiên, do không có giấy tờ tùy thân nên hai người con của bà Hợi là Nguyễn Thanh Trọng (SN 1991) và Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1997) lớn lên trong thân phận “vô hình”. Từng được một tổ chức Phi chính phủ tài trợ cho đi học về đầu bếp và được nhận vào làm ở một nhà hàng với mức lương 15 triệu đồng. Nhưng sau thời gian thử việc, Trọng phải nghỉ làm vì không có giấy tờ tùy thân nên em không thể ký được hợp đồng lao động.
Em gái của Trọng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi tốt nghiệp xong một trường Cao Đẳng nhưng không có giấy tờ tùy thân nên cũng không thể làm hồ sơ xin việc, phải đi bán hàng với đồng lương ít ỏi.
Mang trong mình căn bệnh suy tim giai đoạn 4 nên trong những ngày cuối đời của mình, bà Hợi luôn đau đáu mong con cái được cấp giấy tờ tùy thân để các cháu có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dù chạy ngược chạy xuôi nhưng bà Hợi vẫn không thể làm được giấy tờ tùy thân cho con.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, Đại tá Đinh Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM phải nhanh chóng vào cuộc kiểm tra xác minh và hướng dẫn thủ tục nhập hộ khẩu, làm căn cước công dân đối với mẹ con bà Hợi theo nguyện vọng. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên đối với gia đình. Nhưng do bệnh tình ngày càng trở nặng, bà Hợi đã không thể chờ đến ngày gia đình mình được cấp hộ khẩu.
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi trao tiền Báo Công an TP.HCM tặng động viên gia đình em Trọng vượt qua khó khăn
Trong căn phòng trọ chưa đầy 8m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ của đường Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3), em Nguyễn Thanh Trọng cho biết mẹ mình đã qua đời vào giữa tháng 7-2018 vừa qua. “Trước khi mất, mẹ cầm bìa hồ sơ đưa cho em dặn ráng giữ kỹ. Em mở ra thì thấy bên trong có hai tờ giấy khai sinh của em và Thủy. Đến lúc gần mất, mẹ vẫn chưa yên tâm vì hai anh em chưa có giấy tờ tùy thân”, Trọng rươm rướm nước mắt.
Chia sẻ với mất mát và khó khăn với gia đình, Trung tá Cao Thị Hồng Tươi – Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM cho biết hiện nay các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM đang kiểm tra, xem xét việc cấp hộ khẩu cho những người con của bà Hợi.
Nhìn khuôn mặt hiền khô và thái độ lễ phép của Trọng, Trung tá Cao Thị Hồng Tươi cảm thấy rất vui khi dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng hai anh em Trọng và Thủy luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và sống lương thiện. Dịp này, Báo Công an TP.HCM cũng đã trao tặng 5 triệu đồng cho gia đình em Trọng để hỗ trợ, động viên gia đình vượt qua khó khăn.
Niềm vui đối với gia đình Trọng càng nhân lên khi chị Lê Hồng Hạnh là chủ nhà số 85/10/30 Cống Hộp Rạch Bùng Binh (P.9, Q.3) đồng ý cho hai anh em Trọng nhập hộ khẩu. Hy vọng rằng với sự vào cuộc kịp thời của Công an TP.HCM, hai anh em Trọng và Thủy sẽ sớm thoát khỏi cảnh sống “vô hình” và ở nơi “suối vàng”, bà Hợi cũng an lòng vì con cái mình ngày càng trưởng thành.