Ước tính 50% dân số thế giới có chứa hạt nhựa trong cơ thể. Hạt vi nhựa (microplastic) là những hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm. Chúng thường nằm trong những sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (ly, chén, chai, ống hút, túi nylon...), đồ điện tử, dầu gội, mỹ phẩm... Trong quá trình sử dụng và thải rác nhựa ra ngoài môi trường, chúng ta vô tình hấp thu hạt vi nhựa vào cơ thể gây nên nhiều căn bệnh nan y, thậm chí là tử vong.
"Tử thần" mang tên hạt vi nhựa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến nhất hiện nay là túi nylon. Hầu hết mọi người đều tiêu thụ túi nylon thông qua việc mua sắm. Do đặc tính tiện dụng, giá thành rẻ đã khiến túi nylon xuất hiện khắp nơi, từ siêu thị đến chợ, từ nhà hàng đến quán ăn nhỏ. "Mua một chai nước suối hay ly trà chanh vài ngàn thì người bán cũng cho một túi nylon để đựng cho tiện. Rồi vào siêu thị hay đi chợ cũng phải có túi nylon để đựng, chứ thời buổi này ai mà xách giỏ đi cho bất tiện", chị Trang (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nhận xét.
Từ sáng sớm, đi dọc nhiều tuyến đường có lưu lượng phương tiện đông, chúng tôi phát hiện phần lớn các điểm bán đồ ăn, cà phê đều sử dụng túi nylon. Từ ổ bánh mì đến gói xôi hay phần bún, phở mang đi đều được gói bên ngoài bằng một túi nylon đủ màu sắc. Chưa đến những sản phẩm nhựa dùng để đựng cafe, trà hay đồ ăn cũng đều từ nhựa dùng một lần. Sau khi sử dụng thì những sản phẩm này sẽ được thải ra môi trường. Chính vì vậy, không khó để lý giải vì sao các tụ điểm tập kết rác thải đều chứa phần lớn là những túi nylon đủ màu sắc và kích cỡ khác nhau.
Điều đáng nói, hạt vi nhựa không chỉ xuất hiện ở túi nylon và sản phẩm từ nhựa mà chúng đang ẩn dưới nhiều hình thức khác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hạt vi nhựa cũng xuất hiện trong các mặt hàng như: sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội đầu, kem đánh răng... mà mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy rõ. Những hạt nhựa ẩn chứa trong các sản phẩm này có chức năng làm sạch bụi bẩn.
Tuy nhiên, sau khi được sử dụng, các hạt vi nhựa này theo dòng nước thải chảy xuống cống rãnh, theo nhiều nguồn khác nhau để ra sông, suối, biển, hồ. Với đặc tính khó phân hủy, dễ hấp dẫn độc tố xung quanh, chúng bị nhiều loài sinh vật nhầm tưởng là thức ăn nên "đánh chén". Hạt vi nhựa tiếp tục vào dạ dày người theo chuỗi thức ăn, gây nhiều bệnh nan y, thậm chí là tử vong.
Sản phẩm từ nhựa dùng một lần đang sử dụng tràn lan
Rác thải sẽ nhiều hơn cá?
Thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã công bố các bằng chứng cho thấy rác thải từ nhựa được con người đổ ra biển ngày càng nhiều, tăng theo từng năm. Theo Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển, mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương. Hiện đại dương có khoảng 5,25 nghìn tỷ miếng rác nhựa đang cư ngụ trong nước biển. Điều đáng nói, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới.
Cụ thể, mỗi năm nước ta thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn tác thải nhựa nhưng chỉ 27% số rác thải này được tái chế, tận dụng. Trong đó, có khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa bị đưa ra biển. Phần lớn còn lại sẽ bị đưa đi chôn lấp. Chính vì vậy, các chuyên gia của Greenpeace dự đoán, đến năm 2050 sẽ có khoảng 99% chim biển bản địa có rác thải nhựa trong dạ dày.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy, mỗi km² đại dương có chứa khoảng 4 tỷ hạt vi nhựa khiến môi trường biển đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là những hạt nhựa nhỏ (khoảng 5mm) được vỡ ra từ những rác thải nhựa lớn đang trôi trong các tầng nước biển. Các hạt nhựa này có khuynh hướng hút các chất độc xung quanh. Do một số loại rác thải có mùi gần giống với thức ăn của nhiều động vật biển khiến chúng nhầm tưởng và "dùng bữa". Do đặc tính không tan và khó phân hủy nên chúng sẽ nằm lại bao tử của các sinh vật này. Cuối cùng, các chất độc này sẽ xâm nhập vào cơ thể người theo chuỗi thức ăn.
Một chú rùa đáng thương bị vướng vào lưới đánh cá thải ra xuống biển (ảnh Internet)
Một con hải âu chết do ăn phải rác thải nhựa (ảnh Internet)
Đáng lưu ý, muối biển được cho là một trong những sản phẩm nhiễm hạt vi nhựa nhiều nhất. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace khu vực Đông Á, có đến 90% sản phẩm muối biển trên thị trường thế giới hiện nay có chứa hạt vi nhựa. Trong đó, mật độ vi nhựa trong muối có nguồn gốc từ Châu Á đặc biệt cao.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Vienna (Áo) lấy mẫu xét nghiệm từ 8 tình nguyện viên để nghiên cứu về hạt nhựa xâm nhập vào cơ thể người theo đường tiêu hóa. Qua đó đã phát hiện cứ trung bình 10g phân có chứa 20 hạt vi nhựa (tổng cộng có đến 9 loại hạt nhựa, đường kính từ 0,05 đến 0,5mm). Trong đó, nhiều nhất là nhựa polypropylene và polyethylene terephthalate (FET), loại nhựa xuất hiện nhiều trong bao bì đồ ăn, thức uống. Dựa trên nghiên cứu này, nhóm tác giả ước tính có đến hơn 50% dân số thế giới đang chứa hạt nhựa trong cơ thể.
Theo các nhà khoa học, nếu con người vô tình hấp thụ các độc tố từ hạt vi nhựa sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng hóc-môn, ảnh hưởng đến cấu trúc não, hô hấp, tiêu hóa và suy yếu hệ miễn dịch. Đặc biệt, nếu phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén mà hấp thụ quá nhiều hạt vi nhựa rất dễ dẫn đến tình trạng sảy thai. Đến thời điểm này, vẫn chưa có số liệu cụ thể xác định hàm lượng cho phép của hạt vi nhựa trong nước và thực thẩm. Tuy nhiên, ảnh hưởng cực xấu từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe người là điều khó tránh khỏi.
Nhiều loại động vật biến dạng do rác thải nhựa
Trong những năm qua, nhiều nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới đã ghi nhận không ít hình ảnh các loài động vật đã chết, bị biến dạng hoặc sống trong tuyệt vọng do ăn nhầm hoặc vướng vào những rác thải nhựa. Điển hình, đó là hình ảnh một chú cá voi lưng gù ở Na Uy ăn phải nhiều chất thải, tích tụ thành "thùng rác nhựa" trong dạ dày dẫn đến tử vong khiến người xem không khỏi rùng mình. Hình ảnh của nhiều chú chim hải âu bị chết "đói" do bao tử chứa đầy rác thải nhựa cũng là lời cảnh báo. Nhiều loài động vật biển như: rùa biển, các loài cá bị phát triển dị dạng và sống trong tuyệt vọng do vướng phải vòng nhựa, lưới đánh cá...