TP.Hồ Chí Minh:

Báo động nạn xả rác thải bừa bãi

Thứ Năm, 10/11/2022 10:01

|

(CATP) Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt của người dân TPHCM đang dần trở thành một thói... khó bỏ. Nhiều tuyến đường, công viên, gầm cầu, kênh rạch, đất trống dự án chưa triển khai... đều có thể trở thành bãi rác. Tuy có nhiều hình thức, mức xử phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, nhưng xem ra hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra nếu không có chế tài răn đe, xử phạt nghiêm khắc hơn.

Ra đường là gặp... rác

Một thực tế không thể chối cãi, hầu hết các con đường trên địa bàn TPHCM đều có rác. Đó là những chiếc ly nhựa đựng nước kèm ống hút, mảnh khăn giấy, chiếc khẩu trang hay bịch nylon... nằm vất vưởng trên lề hoặc lòng đường trông rất nhếch nhác. Đây là "sản phẩm" của những người thiếu ý thức, cứ tiện tay là vứt rác, bất chấp cái nhìn khó chịu của người xung quanh. Việc này ai cũng có thể chứng kiến khi bước chân ra đường.

Theo thông tin từ Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng. Thống kê sơ bộ, lượng rác thải ở TPHCM tăng trung bình khoảng 10%/năm. Theo đó, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển cũng tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, TPHCM đã chi 3.008 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Trong đó, khối quận, huyện là 1.491 tỷ đồng; Sở Tài nguyên Môi trường là 1.516 tỷ đồng. Con số này của năm 2021 là 3.063 tỷ đồng và theo đó số tiền dự chi cho công tác này trong năm 2022 là 3.311 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những bãi rác tự phát do người dân đổ trộm bất kể nơi đâu như ven kênh rạch, vỉa hè, đất trống dự án hay thậm chí tại trạm xe buýt. Đơn cử, từ hơn một tháng qua, dưới chân cầu Tân Thuận 2 (quận 7) xuất hiện bãi rác tự phát trước một công trình xây dựng. Rác đủ loại từ bông hoa, vỏ trái cây, các loại rác thải sinh hoạt, thậm chí đến nệm mút, bồn cầu hư... cũng bị vứt bỏ, tràn ra cả lòng đường gây mất mỹ quan. Những ai đi ngang qua đây đều phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Có lúc, rác thải nhựa bay vào người đi đường khi gió mạnh khiến người tham gia giao thông vô cùng khó chịu. Một tài xế xe ôm thường đậu xe gần đấy cho biết, dù lực lượng chức năng thường xuyên quét dọn, thế nhưng tình trạng rác thải bị người dân đổ trộm ở đây vẫn cứ xuất hiện, ngay cả nơi có bảng cấm đổ rác.

Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện với bác tài xe ôm thì một phụ nữ chạy xe máy đến đống rác, khệ nệ rinh một một bao to quăng vào. Thấy chúng tôi, chị ta vừa cười vừa nói: "Trong này là xà bần nhưng những người thu gom rác không chịu đổ. Họ ra điều kiện nếu đổ thì phải mất tiền. Bởi nhiệm vụ của họ chỉ đổ rác sinh hoạt. Tôi từng chứng kiến một số tiệm bán dừa trái, mỗi lần đổ vỏ phải trả cho họ tiền, mà có giá hẳn hoi. Từ khi tiền rác tăng từ 30 ngàn/tháng lên 50 rồi giờ là 60 ngàn, nhiều người trong khu phố chỗ tôi ở không chịu thuê đổ rác nữa. Vậy rác của họ sẽ đi đâu, về đâu?".

Những bãi rác tự phát dọc các tuyến đường, khu dân cư không những gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhiều người dân sinh sống quanh khu vực. Trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ Khu chế xuất Tân Thuận đến ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập, Q7) vừa hoàn thành, người dân ai nấy đều vui mừng bởi thoát cảnh ngập và mùi hôi của rác thải. Trước đây, hai bên con đường này luôn bị rác "tấn công" vì người dân thường xuyên đem đến đây đổ và đốt.

Hãy chung tay cùng công nhân vệ sinh bảo vệ môi trường

Rác phủ mặt sông rạch

TPHCM là đô thị nằm ven kênh rạch, cả thành phố có hàng trăm cây cầu lớn nhỏ nối liền giao thông các quận, huyện nhưng trong số đó, nhiều cây cầu trở thành những điểm ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải. Dễ dàng nhìn thấy nhất là bao nylon, thùng xốp, hộp sữa, chai nước, túi giấy, vỏ hộp cơm...

Đáng nói hơn là tình trạng cố ý mang rác thải lên cầu lén bỏ lại diễn ra từ lâu và ngày càng tăng, nhất là các khu vực quận, huyện ngoại thành. Từ xà bần, đồ nội thất cũ cho đến đủ loại phế phẩm nông sản như vỏ dừa, xác mía, rau củ hư thối... đều bị vứt bỏ bừa bãi trên cầu, chân cầu, gầm cầu. Có nơi, rác thải chiếm hết trên lề khiến người đi bộ phải đi vào phần đường dành cho xe máy. Nhiều người còn cố tình chở rác lên giữa cầu rồi thả thẳng xuống kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.

Tình trạng rác thải tại một số cây cầu ở TPHCM không chỉ xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân mà còn bởi nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm. Cụ thể, ban đêm trên cầu ít phương tiện qua lại, dân cư không sinh sống gần đó, không có camera giám sát... Nhiều cây cầu là nơi giáp ranh giữa các địa phương (phường, xã, quận, huyện...) thiếu sự phối hợp, nhất quán trong việc quản lý, giám sát của địa phương.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện trên bờ con rạch ven đường vẫn còn những người thiếu ý thức vứt chăn màn hư hỏng, rác thải. Một số người đến đây câu cá thư giãn đều lắc đầu ngao ngán: "Con đường đẹp thì phải giữ gìn, sao họ cứ vô tư đổ rác vô tội vạ như thế. Họ đổ trộm rác vào ban đêm nên cũng không biết ai mà nhắc nhở. Giờ nhếch nhác, hôi thối vậy, không còn ai dám ra đây câu cá hoặc đi dạo nữa".

Rào lưới chống đổ trộm rác thải quanh chân cầu

Dọc tuyến sông trên đường Trần Xuân Soạn (Q7), đủ loại rác trôi lềnh bềnh trông mất mỹ quan. Mỗi lần thuyền bè đi ngang qua, sóng đánh rác tấp vào bờ dồn đống. Tại sông Vàm Thuật và con kênh ngang qua đường Trần Bá Giao (quận Gò Vấp), rác phủ mặt sông bốc mùi hôi thối, nước chuyển màu đen ngòm. Tương tự, dọc đường Ven sông (phường An Phú Đông, quận 12) hình thành những khu tập kết rác mới. Ở đây không có nhà dân, cây cối rậm rạp nên nhiều người đi ngang qua thản nhiên vứt rác.

Không phủ nhận những nỗ lực từ chính quyền địa phương và lực lượng dịch vụ công ích ngày đêm thu gom rác trên địa bàn thành phố, thế nhưng dường như chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cái gốc ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho cộng đồng vẫn còn rất kém. Vì lẽ đó, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp giám sát, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Cần những hành động thiết thực

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày, người dân TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn. Trong đó, một lượng lớn bị xả ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, làm tắc nghẽn các đường thoát nước, góp phần gây ngập nặng hơn mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.

Ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND Q7 - cho biết, từ năm 2021 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể của quận đã tổ chức hơn 600 lượt ra quân tổng vệ sinh đường phố, vớt rác trên kênh, rạch. Trong đó, thanh niên đã tích cực nạo vét 26 nhánh kênh, rạch, góp phần giảm ngập cho nhiều khu dân cư. Tuy vậy, tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn diễn ra.

Trước đây, dưới dạ cầu Phú Mỹ (đoạn gần khu Phú Mỹ Hưng, Q7), người dân ngang nhiên đem rác tập kết tại đây chất thành đống. Vì nằm cạnh con rạch nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chính quyền địa phương đã phải cho rào lưới dày lên tận trên cao nhằm chống đổ trộm rác thải, đồng thời trồng cây kiểng xung quanh tạo cảnh quan tươi mát.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.Gò Vấp cũng thường xuyên phối hợp với các phường và khu phố ra quân thu gom rác trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư, trên kênh, rạch. Có khi trong một ngày, lực lượng hỗn hợp này thu gom được hơn 50 tấn rác, lục bình. Nhưng sau đợt ra quân, rác vẫn bị xả ra nơi vừa được dọn dẹp.

Rác trôi lềnh bềnh trên mặt sông

Ông Bùi Văn Trường - Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM - cho biết, nạn xả rác bừa bãi ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống thoát nước. Chẳng hạn, việc người dân xả rác lên cửa cống thoát nước làm bít cửa cống, nước mưa, nước triều không có chỗ thoát nên thời gian ngập bị kéo dài. Mùa mưa, xà bần, rác bị cuốn hết vào hệ thống cống thu gom, gây tắc nghẽn lòng cống khiến nước không thoát được.

Trước thực trạng rác thải nhựa gây nguy hiểm môi trường, mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì khó phân hủy sinh học; dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì nhựa, nhựa sử dụng một lần và những hàng hóa chứa vi nhựa.

Dẫu biết rằng ý thức của người dân vẫn là yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Tuy nhiên, song song với công tác tuyên truyền, TPHCM cũng cần mạnh tay hơn nữa trong việc áp dụng Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để giảm bớt sự nhọc nhằn, vất vả cho lực lượng công nhân môi trường đang bị quá tải công việc, cũng như giảm chi tiêu ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải.

Ngoài tăng mức phạt tiền, cần áp dụng hình phạt lao động công ích, trực tiếp dọn dẹp những bãi rác do chính người vi phạm xả ra. Nếu tái phạm có thể tăng nặng mức phạt và người vi phạm bị công khai danh tính tại nơi sinh sống, báo cho nơi cá nhân đó học tập, làm việc. Ngoài ra, tăng cường gắn camera để ghi nhận đổ rác trộm, có thể huy động xã hội hóa để hoạt động này hiệu quả hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang